Bạn đọc viết:

“Giáo viên với thi đua, thôi đừng nhắc!”

(Dân trí) - Câu chuyện thi đua của giáo viên, có lẽ nhắc đến sẽ có khi nhận được cái xua tay: “Thôi, đừng nhắc!”. Thế nhưng, nó lại vẫn cứ khiến người trong cuộc không khỏi cảm thán khi nhắc về. Vậy nên, xin thông cảm cho người viết nếu lại lật xới nó lần nữa...

Bắt đầu với câu chuyện của người đồng nghiệp. Bạn kể rằng, làm nghề dạy học sợ nhất với bạn là nghe phân tích, đánh giá thi đua cuối năm, sợ nhất cái cảm giác người ta mang mình ra phân tích, “mổ xẻ”. Ở nơi bạn công tác, nhà trường đề ra những thang điểm trừ để tính thi đua giáo viên có vẻ rất... căn cơ nhưng làm có vẻ nghịch đảo thì phải. Bạn lấy ví dụ: Trường quy định trong giờ dạy, giờ họp không được để tiếng chuông điện thoại làm ảnh hưởng đến việc chung, tức là giáo viên hội họp hoặc lên lớp giảng dạy chỉ để chế độ rung hoặc để cho an toàn thì nên tắt nguồn. Dù vậy, có lẽ vì quên để ý nên thỉnh thoảng vẫn có giáo viên bị có tên trên “bảng phong thần” (cách bạn gọi vui cái bảng điểm trừ dán cho giáo viên nắm hằng tháng) do lỗi... điện thoại reo.

Điều bức xúc với bạn là có khi người khác không bị tính lỗi phải gì khi điện thoại reo vì người đó là tổ trưởng chuyên môn, tức là người có... chức sắc. Người bị ghi nhận ấm ức nhưng không dám nói ra vì vừa ngại mất lòng đồng nghiệp vừa sợ đụng chạm ban giám hiệu. Kết quả là nhiều khi người ta chỉ biết than thở với nhau kiểu “mỗi năm đến tổng kết thi đua là nghe phát... buồn”. Do vậy mà cuối năm số lượng cá nhân giáo viên đạt danh hiệu thi đua ở trường bạn xem ra rất hạn chế, rất vừa phải chứ không bị rơi vào tình trạng... lạm phát như nhiều nơi.

Nhưng với bạn tôi, điều đáng nói hơn là có những việc làm của chính các vị tổ trưởng đến độ khó có thể chấp nhận thì nhà trường lại cho qua dễ dàng, không dùng đó làm căn cứ để đánh giá viên chức, xem xét thi đua. Có vị đã từng bị phụ huynh trực tiếp vào trường khiếu nại với hiệu trưởng việc con em họ bị giáo viên xé tập học ngay trên lớp, từng phải trực tiếp gặp phụ huynh để nghe phụ huynh chất vấn về việc tại sao bắt con em họ chép phạt quá nhiều lần, đến 10 giờ đêm mà cháu vẫn nước mắt ngắn nước mắt dài chép phạt để sáng ra kịp nộp cho cô chứ không thì phải chịu tăng hình phạt...

Cũng ở tại trường bạn tôi, học sinh bức xúc chuyện bị giáo viên trù dập đã lên facebook có những lời bóng gió tỏ ra hăm dọa người giáo viên ấy (vốn là một tổ trưởng chuyên môn) thì lập tức được điều tra để hạ hạnh kiểm cuối học kỳ, ngược lại, nguyên nhân dẫn đến những bức xúc của học sinh thì không ai bàn đến. Đôi ba lần hiệu trưởng bực bội gì trong người bất ngờ đang sinh hoạt dưới cờ cho học sinh bỗng ngưng ngang, bỏ đi bất chợt. Còn học sinh hoàn toàn ngơ ngác về thái độ của người đứng đầu đơn vị, rồi các em cũng tự lủi thủi đi về lớp không hiểu vì sao. Mà cũng chẳng ai dám có ý kiến gì về thái độ ấy của người quản lý và nó cũng chẳng dùng vào đánh giá hiệu trưởng cuối năm gì cả.

Đọc một số thông tin trên các tờ báo, nhiều năm nay, người viết chú ý đến câu chuyện thi đua kiểu người ta “cào bằng” (có người còn gọi là “cá mè một lứa”) ở nhiều trường học, ai cũng dễ dàng có danh hiệu mà nhà trường xem đó như cách khẳng định bề nổi của trường. Chỉ có câu chuyện của người bạn tôi xem ra có vẻ khác thường một chút về con số giáo viên được xét tặng danh hiệu. Cũng vì thế mà theo bạn, người được chọn xét rất nâng niu danh hiệu có được mỗi khi được xướng tên. Để lại đằng sau nó những câu hỏi không lời đáp cho người không có danh hiệu về sự công bằng, tính nghiêm túc, khách quan từ những xét chọn chỉ thông qua điểm trừ thi đua. Bộ phận gọi là Ban thi đua thì nghe đâu là sau cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng thi đua (là hiệu trưởng nhà trường) thì hoàn toàn “miễn bình luận” gì, chỉ có hiệu trưởng là người độc diễn về kết quả mà Ban thi đua đã họp xét để công bố trước hội đồng sư phạm. Khi ấy, giáo viên có thắc mắc gì cũng đành ngậm ngùi cho qua vì câu trả lời của hiệu trưởng thường là “Đây là quyết định của cả Hội đồng thi đua chứ không phải mình tôi!”.

Từ câu chuyện của bạn, nhân nghĩ về vấn đề đang “nóng” hiện giờ là việc bỏ biên chế giáo dục, trộm nghĩ, như nhiều chuyên gia nhận định, khi chỉ hợp đồng với viên chức mà không có quyết sách với công chức quản lý (ở đây là hiệu trưởng) thì e ý tưởng có tính “đột phá” về nhân lực trong giáo dục sẽ còn thiếu thuyết phục với những người thực sự muốn sống bằng nghề và lao động cùng với đồng lương chân chính của mình.

Thùy Dương

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!