1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Giám định thiệt hại hơn 1.500 tỉ tại Oceanbank là không khách quan

(Dân trí) - Sáng nay 16/9, HĐXX tiếp tục “giải phẫu” phần tội “Cố ý làm trái” gây thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng. Phiên toà sáng nay khá “nóng” khi luật sư Hoàng Huy Được chỉ ra nhiều điểm bất cập trong kết luận giám định thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng của Oceanbank.

Luật sư Hoàng Huy Được chỉ rõ nhiều bất cập trong việc giám định thiệt hại số tiền hơn 1.500 tỉ đồng của Oceanbank.
Luật sư Hoàng Huy Được chỉ rõ nhiều bất cập trong việc giám định thiệt hại số tiền hơn 1.500 tỉ đồng của Oceanbank.

Luật sư Hoàng Huy Được là người bào chữa cho nhóm 7 bị cáo là kế toán trưởng, cựu giám đốc khối của Oceanbank về phần tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo luật sư Được, sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ, tham gia phần thẩm vấn công khai nhiều ngày qua và nghe VSK công bố quan điểm luận tội, đề nghị mức án cho các thân chủ, ông thấy HĐXX cần phải xem xét kĩ về khoản thiền bị cáo buộc “thiệt hại của Oceanbank” để xác định họ có cố ý làm trái hay không.

Nội dung đầu tiên mà Luật sư Được trình bày về số tiền 1.576 tỷ có phải là hậu quả của vụ án. “Tôi xin mượn lời của Nguyễn Thị Nga (cựu trưởng ban tài chính kế hoạch), đọc báo cáo tài chính của Oceanbank thì ai cũng biết là chi lãi ngoài. Hễ ai đọc kết luận giám định thì biết là không có thiệt hại”, ông Được nói.

Ông Được cho hay, kết luận giám định không hề đề cập số tiền 1.576 tỷ đồng là thiệt hại. Kết luận giám định vi phạm nghiêm trọng luật giám định tư pháp. 
Nhiều nội dung không đủ cơ sở giám định nhưng vẫn được giám định, trong đó còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm liên quan đến vụ án thì còn khách quan, vô tư hay không?.

Ông cho rằng, bản kết luận giám định không vô tư khách quan. 
Ngoài ra, luật sư Được còn cho rằng, kết luận giám định còn vi phạm thời gian giám định, địa điểm giám định...

Bên cạnh đó, trong lập luận của mình, luật sư Hoàng Huy Được cho hay, hai đời Thống đốc trước đều ký văn bản về việc cấm huy động vốn vượt trần lãi suất, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. 
Trên thực tế, hầu hết các tổ chức tín dụng đều huy động bằng lãi ngoài nhưng đều bị xử lý hành chính. Nhưng với Oceanbank hiện tại bây giờ ở đây đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Trong lập luận của mình, bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Hoài Nam – cựu Giám đốc khối nguồn vốn, luật sư Được nêu quan điểm họ không phạm tội Cố ý làm trái. Hành vi của họ chỉ có thể là xử lý hành chính.

Đi vào bào chữa cụ thể cho bị cáo Nguyễn Thị Nga, liên quan khoản tiền 66 tỷ đồng/1576 tỷ đồng, luật sư cho rằng toàn bộ số tiền này đã được hoàn tất. Văn bản quy buộc hành vi sai phạm của bị cáo đều ra đời sau quy trình đi của khoản tiền này.

Về số tiền 109 tỉ mà các thân chủ của luật sư bị cáo buộc đã gây thiệt hại trong con số hơn 1.500 tỉ đồng nhưng hoàn toàn không có chữ ký của bị cáo Nga.
 Theo cáo trạng, Nga làm theo chỉ đạo của bị cáo Lê Thị Thu Thủy – cựu Phó Tổng giám đốc Oceanbank về việc chuyển tiền chi lãi ngoài cho các chi nhánh, phòng giao dịch để chi cho khách hàng.

Nga đã chỉ đạo ban kế hoạch hạch toán chuyển tiền chi lãi ngoài căn cứ vào bảng kê danh sách do khối nguồn vốn, khối bán lẻ ký duyệt, gửi cho ban kế hoạch. Trong thời gian Nga làm trưởng ban đã hoạch toán tổng cộng hơn 175 tỷ đồng để chi lãi ngoài.

Đồng quan điểm với luật sư Được, luật sư Nguyễn Thuỳ Dương bào chữa cho một số bị cáo là cựu giám đốc chi nhánh bị quy kết tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng cho rằng, hành vi của họ chỉ có thể là xử lý hành chính.

Tuấn Hợp