1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đua quân sự ở châu Á

Quốc đảo Singapore nhỏ bé, với dân số chỉ vỏn vẹn hơn 5 triệu người, quả xứng danh là trung tâm yên bình và phù hợp cho hoạt động ngân hàng, luật sư và sân golf. Thế nhưng vượt ra ngoài vẻ ngoài ấy, Singapore cũng đang sắm cho mình những thứ vũ khí.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockolm (SIPRI), Singapore hiện đang là quốc gia nhập khẩu thiết bị vũ trang lớn thứ năm thế giới, chỉ đứng sau nước "trùm" vũ khí - Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan - và Hàn Quốc. Mua sắm nhập khẩu vũ khí của Singapore chiếm 4% tổng chi tiêu nhập khẩu vũ khí của thế giới. Chi tiêu quốc phòng trên đầu người cao hơn hầu hết các quốc gia khác, trừ Mỹ, Israel và Kuwaitl. Năm nay, 9,7 tỷ USD,  tương đương 24% ngân sách quốc gia, sẽ được Singapore chi cho quốc phòng.

Những thống kê trên hết sức ấn tượng, nhưng thực tế, Singapore vẫn luôn là một trong những nước chi tiêu nhiều nhất trong khu vực kể từ khi tách khỏi Malaysia vào năm 1965. Sự khác biệt hiện nay nằm ở chỗ, hầu như mọi quốc gia Đông Nam Á đều chủ trương tăng cường quân lực như thế, biến đây trở thành một trong những khu vực tăng trưởng chi tiêu quốc phòng nhanh nhất thế giới. Các nhà phân tích quân sự tại hãng phân tích thông tin quốc phòng và an n inh IHS Jane's cho biết, chi tiêu quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á tổng cộng đã tăng 13,5% trong năm ngoái, lên 24,5 tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 40 tỷ USD vào năm 2016. Theo SIPRI, vận chuyển vũ khí vào Malaysia đã tăng gấp 8 lần trong giai đoạn 2005-2009, so với giai đoạn 5 năm trước đó. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Indonesia cũng tăng 84% trong cùng giai đoạn.

Đây là một phần trong hiện tượng rộng hơn ở châu Á. Lần đầu tiên, ít nhất là trong lịch sử hiện đại, chi tiêu quân sự của châu Á có khả năng vượt qua châu Âu, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Luân Đôn. Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng sau mỗi 5 năm và Ấn Độ cũng vừa tuyên bố tăng 17% khoản chi tiêu này trong năm nay, lên khoảng 40 tỷ USD.

Cho tới gần đây, chống bạo động trong nước vẫn là lý do được đưa ra nhiều nhất để giải thích cho các hoạt động chi tiêu quốc phòng ở một số quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên, hầu như vẫn không nảy sinh cuộc xung đột nội bộ nào ở đây. Một cảm giác lo lắng vẫn hiện hữu ở Singapore đối với Malaysia ở phía bắc và Indonesia, quốc gia láng giềng lớn ở phía nam. Tuy nhiên, thật khó có thể tượng tượng bất kỳ thành viên nào trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đối chọi nhau, ngoại trừ Campuchia và Thái Lan thi thoảng vẫn "đấu pháo" do bất đồng xung quanh ngôi đền gần biên giới.

Đua quân sự ở châu Á - 1

Mặc dù vậy, đa số các quốc gia này dường như đều muốn tận dụng sự thành công về mặt kinh tế để nâng cấp sức mạnh cứng của mình khi đang còn nhiều thuận lợi. Chi tiêu quốc phòng giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, dù khi đó nhiều máy bay và tàu chiến đã trở nên lỗi thời. Hiện tại, nhiều nước đang có tăng trưởng kinh tế khá, tới 6% mỗi năm, mà nhờ đó, ngân sách cũng rủng rỉnh. Nhưng, như Bill Edgar của IHS Jane's nói, đó không phải là một cuộc đua vũ trang "chiến lược". Mà đúng hơn, đó hoàn toàn chỉ là cuộc hiện đại hóa quân đội.

Lấy ví dụ trường hợp của người khổng lồ khu vực, Indonesia. Trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 không chỉ tàn phá các cộng đồng dân cư, mà còn để lộ ra những khiếm khuyết nghiêm trọng trong lực lượng vũ trang, được chứng minh là trang bị yếu kém và tinh thần uể oải của quân sĩ. Khi quân đội Mỹ và Australia cử tàu sân bay và các tàu khác đến khu vực thiệt hại thuộc tỉnh Aceh để cung cấp viện trợ và tìm kiếm người bị nạn, quân đội Indonesia chỉ biết lùi xuống làm khán giản. Tổng thống mới Susilo Bambang Yudhoyono chịu sự chỉ trích mạnh mẽ. Từ là một tướng lĩnh trong quân đội, ông Yudhoyono từ đó đã đưa hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Indonesia trở thành một ưu tiên quốc gia.

Indonesia sẽ chi tiêu 8 tỷ USD cho quốc phòng trong năm nay - còn khá khiêm tốn so với một quốc gia 240 triệu dân, nhưng đã tăng mãnh so với mức 2,6 tỷ USD vào năm 2006. Phần lớn sẽ được đầu tư mua trang thiết bị và phụ tùng mới. Nước này đã tiếp nhận các máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ, trong đó có máy bay chiến đấu F-16, tàu chiến cho lực lượng hải quân, và phụ tùng cho các máy bay vận chuyển C-130. Tháng 1, Indonesia đã ký một thỏa thuận 1,1 tỷ USD mua 3 tàu ngầm chạy diesel-điện do Đức sản xuất, và các nhà làm luật còn đang thảo luận về việc có nên mua 100 xe tăng Leopard của Hà Lan hay không. Ông Yudhoyono cũng muốn nâng cao chất lượng binh sĩ, bằng tăng lương và các khoản trợ cấp.

Các tính toán chính trị trong nước là một nhân tố nữa đằng sau sự phô trương quốc phòng của khu vực. Terence Lee tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng ở các nước, nơi lực lượng vũ trang có can thiệp vào hoạt động chính trị, các chính trị gia dành khoản ngân sách quốc phòng lớn hơn để "mua" sự tuân thủ chính trị từ lực lượng quân đội - Thái Lan là một trường hợp điển hình. Ngoài ra, Singapore có một động lực khác. Đây là quốc gia duy nhất trong khu vực xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Từ lâu nay, Singapore đã bán vũ khí cho các quốc gia đang phát triển khác, nhưng mới đây cũng đã nhận được những đơn đặt hàng lớn đầu tiên từ các quân đội phương Tây. ST Engineering, công ty Đông Nam Á duy nhất trong nhóm 100 nhà sản xuất quốc phòng lớn nhất của SIPRI, đã bán hơn 100 xe bóc thép chở lính cho Anh sử dụng tại Afghanistan.

Chưa hết, những quan ngại chiến lược cũng có vai trò nhất định. Ví dụ, các tuyến đường biển dẫn tới Eo biển Malacca là huyết mạch của sự thịnh vượng của Singapore. Và trong thập niên vừa qua, một số người đã lo ngại rằng Mỹ đã bị sao nhãng bởi những cuộc chiến tranh ở nơi khác. Do vậy, sự trỗi dậy của lực lượng hải quân viễn dương Trung Quốc rõ ràng cần phải được cảnh giác.

Các quan ngại chiến lược cũng hiển hiện với nước nào có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông, nơi quan điểm quyết liệt của Trung Quốc đã kích động tăng cường chi tiêu quân sự của các nước trong khu vực. Việt Nam vừa đặt hàng 6 tàu ngầm hạng Kilo từ phía Nga. Việt Nam cũng sẽ mua khoảng 7 tàu khu trục và tàu hộ tống mới trong thập niên tới đây. Tại Philippine, chính phủ của tổng thống Benigno Aquino cũng đã tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trong năm ngoái, lên 2,4 tỷ USD.

Ngay cả với tàu ngầm và máy bay mới, Philippine cũng sẽ khó địch nổi siêu cường mới của châu Á nếu xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, nó có thể khiến Trung Quốc nghĩ lại trước khi cân nhắc làm điều gì và kéo dài thời gian để chờ ai đó - có thể là Mỹ - đến giải cứu.
 

Theo Đình Ngân

Vietnamnet/Economist