Đình chỉ thi nếu sử dụng “phao”

(Dân trí) - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Huy Bằng cho biết: “Nhằm siết chặt kỷ luật kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ tăng cường lực lượng thanh tra đông hơn năm trước để ngăn chặn tình trạng mọi hành vi tiêu cực trong thi cử, đặc biệt tình trạng sử dụng “phao” thi”.

Trao đổi với Dân trí ngày hôm nay 31/5, ông Phạm Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: “Năm nay không có thanh tra cắm chốt tại các địa phương nên Bộ tăng cường lực lượng thanh tra lưu động tại các tỉnh, hiện nay các đoàn thanh tra này đã xuất kích tới các địa phương. Ngoài nhiệm vụ thanh tra theo đúng quy định như chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi … Các đoàn thanh tra sẽ tiến hành theo phương thức không báo trước để ngăn chặn mọi hành vi tiêu cực, trong đó đặc biệt lưu ý thí sinh sử dụng “phao” thi”.

Theo Chánh thanh tra Bằng, vài năm trở lại đây không còn hiện tượng bắc thang ném “phao” vào phòng thi nhưng thủ đoạn gian lận sẽ tinh vi hơn nên các đoàn thanh tra lưu động của Bộ tăng cường giám sát hoạt động các hội đồng coi thi và thí sinh yêu cầu thực hiện quy chế thi nhằm siết chặt kỷ luật phòng thi. Quan điểm thanh tra năm nay, nếu phát hiện thí sinh vi phạm quy chế, cán bộ thanh tra của Bộ phải kiên quyết yêu cầu giám thị lập biên bản, xử lý thí sinh vi phạm. Điều đáng mừng năm nay ở nhiều lãnh đạo các tỉnh trực tiếp chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp nên hy vọng kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế ” - ông Bằng cho hay.
 
Đình chỉ thi nếu sử dụng “phao”
Thí sinh mang "phao" vào phòng thi dù chưa sử dụng cũng sẽ bị đình chỉ.
 
Hà Nội: Ngăn chặn tình trạng dùng “Bút phao thi”

Tại Hà Nội, năm nay số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp đông nhất nước với gần 75 nghìn thí sinh đăng ký dự kỳ thi, do vậy Hà Nội đã phải huy động gần 8.000 cán bộ coi thi.

Trao đổi với Dân trí ngày 31/5, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Vài năm trở lại đây, Hà Nội đã “xóa” được hiện tượng “phao” rải trắng sân trường nhưng kỳ thi tốt nghiệp năm nay có 2 môn học thuộc là Địa và Lịch sử nên rất có thể sẽ xảy ra hiện tượng sử dụng “phao” thi, đặc biệt thủ đoạn tinh vi là dùng “Bút gắn phao thi”. Do vậy, Sở tăng cường tập huấn kỹ Quy chế thi cho lực lượng cán bộ coi thi, lưu ý tới "bút phao thi" bởi cán bộ coi thi là lực lượng đảm nhiệm vai trò bảo đảm tính nghiêm túc, an toàn của kỳ thi. Nếu thí sinh nào mang điện thoại và “phao” vào phòng thi dù chưa sử dụng cũng sẽ bị đình thi”.

Ông Thống cho hay, tinh thần xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, tổ chức khâu coi thi là nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thí sinh làm bài thi. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra với các Hội đồng coi thi là nghiêm túc, tránh gây căng thẳng không đáng có nhưng kiên quyết không lơi lỏng kỷ luật trường thi. Trong đó, các giám thị khi coi thi phải quán triệt "ba không": “Không muốn - Không dám - Không thể” để hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm của thí sinh. Cụ thể, các thầy, cô giáo phải giáo dục ý thức tự giác, lòng tự trọng của học sinh để các em không muốn vi phạm quy chế; nghiêm khắc xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm để thi sinh không dám vi phạm; nhắc nhở, phổ biến kỹ các quy định liên quan đến kỳ thi và chủ động các phương án phòng ngừa để thí sinh không thể vi phạm quy chế thi.

Cũng theo ông Thống, để sân trường “sạch” sau mỗi buổi thi, Sở đã yêu cầu Chủ tịch Hội đồng coi thi lưu ý các tài liệu ôn tập của thí sinh để lại sau mỗi môn thi, các tờ rơi giới thiệu các điểm ôn luyện thi đại học... không rải tại sân trường gây mất mỹ quan và sự hiểu nhầm là “phao” thi.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp, các vật dụng được mang vào phòng thi là: Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; Máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.

Những hành vi nghiêm cấm với thí sinh dự thi tốt nghiệp 2012:

Cảnh cáo trước Hội đồng coi thi, nếu chép bài của thí sinh khác hoặc cho thí sinh khác chép bài của mình bằng bất cứ hình thức nào; Đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau:

Mang vào phòng thi các vật dụng trái với quy định tại Điều 20 của Quy chế này trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); Sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi; Nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); Chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác;

Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau).

Huỷ kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm, nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo; Gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; Khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.

Hồng Hạnh