Để xe buýt đủ sức thu hút người dân...

(Dân trí) - Phương án giảm xe cá nhân, nhất là xe máy để giảm ùn tắc giao thông tuy có nhiều người phản đối, nhưng cũng được khá nhiều người khác ủng hộ. Vấn đề được quan tâm nhất là cần nâng cấp xe buýt, tăng cường ý thức của cả người dân và các nhà xe...

Theo một cuộc khảo sát nhỏ thì không phải chỉ học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp thích đi xe buýt, mà cả không ít người có phương tiện cá nhân như xe máy, ôtô cũng rất muốn lựa chọn nếu phương tiện giao thông công cộng này khắc phục được những mặt còn yếu kém mà hầu như ai cũng có thể chỉ ra như: xe kém chất lượng, chật chội, chen lấn, mất vệ sinh, tài xế và phụ xe hành xử thiếu văn hóa.... Đó là còn chưa kể tới những tệ nạn vẫn diễn ra như móc túi, sàm sỡ... khiến hầu như bất kỳ ai từng đi xe buýt cũng phải lắc đầu chán nản bởi "cực chẳng đã".  

 
Để xe buýt đủ sức thu hút người dân... - 1

Có người còn nói vui, lúc này có thể co cả hai chân lên cũng không thể ngã được... (ảnh Việt Hưng)

 

“Thực sự với tình trạng xe buýt như thế này, khi việc cấm các phương tiện cá nhân lưu thông trong nội thành được áp dụng thì xe buýt sẽ không thể đủ đáp ứng nhu cầu của người dân tham gia giao thông. Bản thân tôi đi làm bằng xe buýt, có những hôm đứng bắt xe ở điểm trung chuyển Cầu Giấy từ 17h30 mà đến 18h45 mới lên được xe 27. Leo được lên xe, phụ xe yêu cầu di chuyển lùi vào phía trong để cho những người khác còn được lên. Thế mà co một chân lên còn không chỗ để đặt xuống, cứ phải đứng một chân như thế cho đến khi đến điểm dừng là ký túc xá ĐH Giao thông. Với tình trạng xe buýt như thế thì có mấy ai can đảm để cất xe máy ở nhà, di chuyển bằng xe buýt?” - Han Duong: ngochanctet@gmail.com nêu thực trạng.

 

“Tôi đã từng đi xe xe buýt, thấy ở Việt Nam đi xe buýt còn bị nhiều mặt hạn chế như: chen lấn, chờ đợi lâu, trễ giờ làm việc, thường  bị mất cắp, móc túi, thái độ phục vụ của nhân viên chưa tốt ... Ngành giao thông vận tải phải làm sao loại bỏ những khuyết điểm trên thì xe buýt mới là chọn lựa số 1 của người dân vùng đô thị được” - Văn Xiêm: nvanxiem@ymail.com kiến nghị.

 

Phản hồi phương án giảm thiểu phương thiện giao thông cá nhân, nhiều độc giả đều cho thấy bất hợp lý nếu như phương tiện giao thông công công chưa đám ứng được nhu cầu người dân. Nguyễn Văn Thả Thaoxuanthien@yahoo.com băn khoăn: “Tôi không hiểu hạn chế, thậm chí có ý kiến là cấm xe cá nhân, nhất là xe máy thì mọi người sẽ đi bằng phương tiện gì? Xe buýt ư, mới chỉ có một vài bộ phận người dân sử dụng còn chen lấn, nhồi nhét như mọi người thấy, giờ nếu toàn dân cùng lựa chọn thì liệu sẽ thế nào! Tôi cho rằng trước khi cấm một việc gì đó, ta phải có những phương pháp thay thế khả thi thì mới hiệu quả”.
 
Để xe buýt đủ sức thu hút người dân... - 2

Chỉ mới một vài bộ phận người dân sử phương tiện công cộng mà đã quá tải thế này...
 

Cùng đó là phân tích rất đáng quan tâm của Lam Nguyen lam_kg@yahoo.com: “Tôi thấy việc hạn chế xe cá nhân, bao gồm xe máy, là đúng đắn. Tuy nhiên việc công bố chính sách nên đặt vấn đề “phát triển phương tiện giao thông công cộng” trước, rồi mới nói đến hạn chế xe cá nhân. Như vậy dễ tạo được đồng thuận hơn.

 

Tôi ủng hộ việc phát triển mạnh xe buýt như là một biện pháp trước mắt, vốn đầu tư không lớn, triển khai nhanh; song song với việc dần từng bước hạn chế xe cá nhân để tạo không gian cho xe buýt. Sau đó mới đến việc đầu tư metro, xe điện trên cao v.v.. vốn mất nhiều thời gian và vốn đầu tư. Tuy nhiên xe buýt phải thật sự thuận tiện cho người sử dụng. 
 
Tôi đã đi xe buýt ở nhiều nước. Tất nhiên Việt Nam chưa thể so sánh được với các nước phát triển, nên tôi thấy mô hình xe buýt ở Jakarta, Indonesia khá là phù hợp: xe buýt được đi theo làn riêng, ở LÀN NGOÀI CÙNG, giáp với dải phân cách giữa 2 chiều. Các điểm dừng, do đó, cũng nằm ở giữa đường, trên dải phân cách, dùng chung cho cả 2 chiều xe. Có cầu vượt dẫn từ 2 bên đường đến điểm dừng ở giữa. Cầu vượt này cũng dùng làm cầu vượt bộ hành luôn.

 

Điểm dừng như một phòng nhỏ, trước khi vào phải mua vé (nên phụ xe trên xe buýt chỉ kiểm tra vé chứ không phải bán vé), có sàn cao ngang bằng với sàn xe buýt, cửa ra rộng xấp xỉ cửa xe buýt, rất thuận tiện và nhanh chóng khi lên/xuống (đúng ra là ra/vào) xe (tuy nhiên đòi hỏi người lái xe phải đỗ xe chính xác).  Do cách bố trí như vậy nên không có cảnh xe buýt đánh võng, chèn đầu xe khác khi vào bến.

 

Làn xe buýt phân cách với các làn xe khác bởi 1 hàng gạch nhỏ, cao khoảng 5-7cm. Trường hợp 1 xe trục trặc hoặc mặt đường làn xe buýt phải sửa chữa, xe buýt có thể vượt sang làn bên cạnh để tránh. Do vậy xe buýt là phương tiện được ưu tiên nhất khi lưu thông.

 

Nếu làm được như trên, cộng với việc tăng thêm thật nhiều đầu xe - tuyến xe, tôi tin người dân sẽ dần thich nghi với việc sử dụng xe buýt như là phương tiện đi lại chính”.

 

Ngoài những vấn đề đáng lưu ý trên, minh belcom06@hotmail.com còn lưu ý: “Nếu hạn chế xe cá nhân, mọi người phải đi xe buýt thì các bác tài xế buýt còn “oai” nữa, dân còn khổ nhiều. Mà để thay đổi đạo đức nghề nghiệp của không ít các bác tài này (cũng như cơ sở hạ tầng giao thông công cộng nói chung), tôi nghĩ còn phải mất nhiều nhiều năm nữa. Tôi nghĩ là “cái khó đang bó cái khôn”, mong là không chỉ mình Bộ trưởng quyết tâm và có tâm huyết, mà là tất cả người dân chúng ta cùng chung sức. Tôi nghĩ, nếu có thể cũng cần quy định giờ làm và giờ tan tầm lệch nhau theo khu vực, tuyến đường (chứ không theo khối TW hoặc Sở như hiện nay), khuyến khích các công ty làm việc online, hạn chế xe tải đi vào giờ cao điểm...Đó cũng là những biện pháp rất cần thiết...” 

 

Với trải nghiệm của chính bản thân, Phạm Giềng: phamgieng@gmail.com đóng góp: “Ở các bến, trạm cần làm thật nhiều hàng rào để bắt tất cả phải xếp hàng. Như thế không thể xô đẩy và chen lấn được. Còn tình trạng phụ xe ăn chặn tiền và thái độ không tốt, theo tôi nên lắp các máy tít thẻ như mã đọc, nạp thẻ như nạp điện thoại, vừa đi xe vừa giao dịch... Ban đầu ta chấp nhận hiện đại hóa để lỗ một tí, nhưng bù lại bằng 1 tháng phải trả lương cho phụ xe và số tiền bị ăn chặn thì chẳng thấm vào đâu. Nên tham khảo HONGKONG trong việc hiện đại hóa xe buýt. Xin cơ quan chức năng lắng nghe dân để làm tốt hơn”.

 

Và như nhiều ý kiến của bạn đọc thì sử dụng xe buýt đúng cách là xu thế văn minh, đem lại nhiều lợi ích cho cả nền kinh tế nói chung và lĩnh vực giao thông nói riêng... Cái chính là xe buýt phải ra xe buýt, song song với ý thức đúng đắn của người tham gia giao thông cũng như các nhân viên "nhà xe".
 

Trần Bách