Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm về ý định xử phạt “soái ca Nội Bài”

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TPHCM, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM - khẳng định, hành động nghĩa hiệp của người đã ngăn chặn ông Trần Dương Tùng tấn công nữ nhân viên hàng không Nguyễn Lê Quỳnh Anh là để chặn đứng hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra cho xã hội nên không nên quy kết trách nhiệm hay xử lý vi phạm hành chính.


Sự xuất hiện của soái ca Nội Bài (bìa trái) theo ông Sáu là sự can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn một hành động nguy hiểm (Ảnh cắt từ clip).

Sự xuất hiện của "soái ca Nội Bài" (bìa trái) theo ông Sáu là sự can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn một hành động nguy hiểm (Ảnh cắt từ clip).

Những ngày qua, thông tin ông Nguyễn Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc - nói trên báo chí về việc người đàn ông giải cứu cho nữ nhân viên hàng không Nguyễn Lê Quỳnh Anh có thể bị xử phạt vì hành vi gây mất trật tự công cộng, đã gây “bão” trên cộng đồng mạng.

Theo ông Phương, qua hình ảnh camera ở sân bay Nội Bài ghi lại được, xét về mặt tình có thể hiểu được hành động của người đàn ông lao tới “giải cứu” cho chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh là nhằm giúp thoát khỏi những cú đánh của hành khách Trần Dương Tùng. Nhưng xét về mặt lý, ông Phương lại cho rằng, hành động này chưa thực sự đúng, có thể bị xử phạt vì gây mất trật tự công cộng.

“Nếu sự việc bị đẩy lên đỉnh điểm, lực lượng an ninh không có mặt kịp thời thì rất có thể nhiều người khác sẽ tham gia đánh lộn tại sân bay, gây hậu quả nghiêm trọng”- ông Phương lý giải quan điểm của mình và khẳng định sân bay Nội Bài có lực lượng an ninh túc trực, số điện thoại đường dây nóng dán khắp nơi nên khi phát hiện sự việc gây mất an ninh thì có thể gọi điện hoặc báo cho lực lượng có trách nhiệm đến giải quyết.

Ngay lập tức, quan điểm của ông Phương đã gặp phản ứng dữ dội trên cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng việc xử lý “soái ca Nội Bài” (như cách gọi của cư dân mạng) sẽ khiến những người có tấm lòng hào hiệp, trượng nghĩa không dám can thiệp khi “giữa đường thấy chuyện bất bình”.

Bên hành lang Quốc hội sáng nay 21/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TPHCM, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM - cho rằng, nếu một người nào đó tự nhiên có những hành vi gây cản trở đến hoạt động của đám đông, gây ách tắc giao thông, gây cản trở hoạt động ở nơi công sở... thì mới có thể bị coi là có hành vi vi phạm về tội gây rối trật tự công cộng.

“Nhưng với trường hợp cụ thể đã diễn ra ở sân bay Nội Bài thì chỉ có một hành vi nguy hiểm đang diễn ra, đó là việc có từ 1 đến 2 người đang xâm phạm vào tính mạng, thân thể, sức khỏe của một công dân khác - đó là chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh. Rõ ràng nữ nhân viên này đang bị xâm hại và chưa có thể khẳng định được rằng nếu không có sự ngăn cản nào đó thì hành vi đó tự động chấm dứt”- ông Sáu phân tích.

Chính vì lẽ đó, ông Sáu khẳng định hành động can thiệp của người giải cứu đã tham gia ngăn chặn một hành vi nguy hiểm cho xã hội. “Họ chặn đứng hành vi đó để ngăn chặn hậu quả có thể thể xảy ra cho xã hội. Cho nên với hành động này, không nên quy kết trách nhiệm hay xử lý trách nhiệm với thanh niên này”- ông Sáu nhấn mạnh.

Vị Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nhìn nhận, trong vấn đề hành vi can thiệp, mỗi người có một cách khác nhau.

“Cũng có thể vì nóng vội, mong muốn nhanh chóng chấm dứt hành vi nguy hiểm mà có thể động tác can thiệp của họ hơi quá một chút. Về động cơ đó là vì họ muốn bảo toàn sự bình an cho một con người và muốn chặn đứng một hành vi nguy hiểm cho xã hội đang diễn ra mà thôi”- ông Sáu nêu quan điểm cá nhân và cho rằng khi sự vô cảm đang "lên ngôi" thì hành động can thiệp kịp thời của người giải cứu nữ nhân viên hàng không là đáng khuyến khích.

Không có căn cứ để xử phạt hành chính

Trong khi đó, theo phân tích của luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi của người có lời nói, cử chỉ tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng tỏ ra coi thường trật tự chung, gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy, hành hung người khác (nhưng không gây thương tích, nếu đã gây thương tích thì đó là tội khác), gây lộn ở nơi công viên, rạp hát, vườn hoa, quảng trường, sân bay, trụ sở cơ quan Nhà nước…

Còn hành động của người ngăn chặn ông Trần Dương Tùng tấn công nữ nhân viên hàng không bản chất là can ngăn và ngăn chặn một hành vi phạm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nữ nhân viên sân bay.

“Đây là trách nhiệm của công dân khi thấy bất kỳ đối tượng nào có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách trái pháp luật thì đều có quyền ngăn chặn hành vi vi phạm đó. Lúc thấy nữ nhân viên sân bay bị các đối tượng đánh nơi công cộng thì người thanh niên đó đã xông vào ngăn chặn bằng cách đánh lại đối tượng vi phạm nhằm triệt tiêu sự nguy cấp đến tính mạng người khác. Nếu sự ngăn chặn ấy thái quá, không tương xứng, quá mức cần thiết mà xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe của đối tượng, tổn hại sức khỏe từ 11% trở lên thì người này mới có thể sẽ bị xem xét xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho người khác”- ông Thơm phân tích.

Theo luật sư Thơm, thực tế, hành động can ngăn của người giải cứu không có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng, cũng không có căn cứ để xử lý hành chính.

Liên quan đến sự việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã vào cuộc và mời những người liên quan tới làm việc. Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu ông Đào Vịnh Thuấn - cán bộ Sở Giao thông vận tải - phải sớm xin lỗi nhân viên hàng không Nguyễn Lê Quỳnh Anh.

Thế Kha