1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cuộc cách mạng “rung chuyển trời đất, thay đổi con người”

(Dân trí) - Hồi ức của cậu thiếu niên tham gia cách mạng từ khi 15 tuổi hiện về. Cụ ông ở tuổi 85 vẫn rưng rưng “Cách mạng Tháng Tám là bước ngoặt quan trọng nhất cuộc đời tôi…”.

 

ha-van-tai-1-1092015-1441102568262
"Cách mạng Tháng Tám là một bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời tôi".

85 tuổi, ông Hà Văn Tải (trú xã Hưng Lộc, Tp Vinh, Nghệ An) vẫn còn viết báo, viết sách lịch sử. Ông hồ hởi chia sẻ, cuốn sách lịch sử ông viết sắp xong nhưng chưa tìm được “nhà tài trợ” để in. Trong cuốn sách đó ắt hẳn không thể thiếu những ngày đầu tham gia cách mạng của cậu học sinh Trường quốc học Vinh.

Bước ngoặt cuộc đời

14 tuổi, từ xã Giai Lạc (nay là xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An), cậu bé Hà Văn Tải thi đậu vào Trường Quốc học Vinh. Những ngày trọ học, cậu bé Hà Văn Tải tận mắt chứng kiến cuộc sống cực khổ của người dân lao động nghèo ở thị xã miền Trung này.

“Cuối năm 1944, đầu năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra ở thị xã Vinh. Ở góc đường nào cũng có những người dân đói khát đến cùng cực, dật dờ chờ chết. Có những người mẹ vì đói quá phải bán đứa con gầy đét của mình để lấy 1-2 đồng bạc Đông Dương, thậm chí là cho không người ta để con còn có miếng ăn.

Người đói nằm la liệt dưới hè đường còn trên ban công, những ông Tây, bà đầm lớn tiếng chửi bới, đuổi đi vì sợ chết trước cổng nhà, nhưng họ làm gì có sức mà đi? Cứ sáng sáng lại thấy những chiếc xe cải tiến chất 2-3 người chết đói đi chôn. Có chứng kiến những điều đó mới thấy dân ta dưới ách phong kiến, thực dân đói khổ vô cùng, đau đớn vô cùng tận”, ông nhớ lại.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 10/3, cậu bé Hà Văn Tải cùng các bạn vẫn đi học như thường lệ nhưng đến nơi thì trường đã bị Nhật chiếm, các thầy giáo trong trường cũng không biết đi đâu. Mất trường, Hà Văn Tải cùng mấy người bạn ôm quần áo, sách vở về quê.

 

doan-bieu-tinh-vua-di-vua-ho-vang-khau-hieu-1092015-1441102568005
"Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", "Việt Minh muôn năm"...

Ở quê, cảnh đói khát vẫn hiện hữu, không kém khốc liệt như thị xã. Người dân phải lấy lá rau lang, rau má nấu cháo cầm hơi, vào rừng đào củ mài, kiếm hoa chuối để ăn. Nhà nào khá hơn thì còn lúa lép để giã làm lớ, làm cám để ăn. Và chính trong những ngày này, câu bé Hà Văn Tải đã bén duyên với cách mạng, khi mới tròn 15 tuổi.

“Cán bộ Việt Minh xã gọi mấy anh em học sinh lên nói chuyện. Sau khi được giác ngộ, tôi được giao làm liên lạc cho Việt Minh xã. Nhiệm vụ của anh em học sinh chúng tôi lúc bấy giờ là viết khẩu hiệu “Ủng hộ người bị đói” dán ở đình làng, ngọn cây đa hay bờ tường của các gia đình địa chủ trong vùng”, ông Hà Văn Tải kể tiếp.

Tháng 7/1945, tổ chức Việt Minh xã Giai Lạc họp, Hà Văn Tải được giao nhiệm vụ tập hợp các bạn thiếu niên trong xã để “làm chuyện chi rồi bây sẽ biết”. Sau một thời gian ngắn luyện tập đội hình đội ngũ, Hà Văn Tải vỡ òa khi được biết, đội thiếu niên sẽ có mặt trong đoàn biểu tình cướp chính quyền ở xã vào ngày 20/8/1945.

Ngày 25/8, nhân dân các xã dưới sự chỉ huy của Việt Minh từ 3 hướng ùn ùn kéo về dinh quan huyện Lưu Văn Xân. Hà Văn Tải dẫn đầu đội thiếu niên, hòa cùng dòng người hừng hực khí thế bước đi dưới lá cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”.

Ông Tải nhớ lại ngày trọng đại: “Khi đoàn chúng tôi tới nơi thì thấy quan huyện Lưu Văn Xân đi từ trong phủ ra, mặt tái mét, phía sau có 4-5 đồng chí tự vệ áp tải. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong sân dinh quan huyện. Ông Ngô Xuân Hàm thay mặt tổ chức Việt Minh huyện đứng lên tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân. Sau đó, Lưu Văn Xân đứng lên, cúi đầu giao nộp toàn bộ sổ sách, con dấu cho đại diện chính quyền cách mạng”.

“Tiếng gọi của vàng”

Trong khí thế của người làm chủ vận mệnh, những người ăn xin, những người nông dân cùng khổ suýt bỏ mạng vì chết đói... đã hăng say lao động sản xuất, trên những thửa ruộng mà trước kia họ chỉ là những người làm thuê cho địa chủ. Đó thực sự là những ngày không thể nào quên của những người đã sống qua thời kỳ chuyển mình lớn lao của đất nước.

Ngày 3/9, tin tức truyền về, ở ngoài Hà Nội có cuộc mít tinh lớn lắm, hàng vạn người tham gia. Ở cuộc mít tinh đó Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố cho cả thể giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mãi đến lúc này, cậu bé Hà Văn Tải mới biết rằng Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh, người được bầu là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới.

 

ha-van-tai-huan-chuong-doc-lap-hang-3-1092015-1441102568554
Với những cống hiến cho cách mạng, ông Hà Văn Tải được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba (ảnh chụp lại).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về phong trào “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” và “Tuần lễ Vàng”, Hà Văn Tải say sưa hòa mình vào dòng chảy cuồn cuộn của cách mạng. Với kiến thức đã học được ở trường Quốc học Vinh, Hà Văn Tải tham gia vào các lớp bình dân học vụ dạy chữ cho người dân trong vùng.

Khi cuộc vận động “Tuần lễ Vàng” diễn ra, nhiều người dân xã Giai Lạc đã hiến vàng cho cách mạng. Tuy nhiên, ngày đầu tiên của cuộc vận động vẫn cón nhiều nhà giàu chưa ủng hộ. Cậu bé Hà Văn Tải cùng 2 người bạn học xây dựng vở kịch “Tiếng gọi của Vàng” để vận động người dân quyên góp vàng cho chính quyền cách mạng non trẻ.

Hà Văn Tải chui vào cái bồ, hai bạn đồng môn gánh bồ ra giữa sân đình. Từ trong bồ, Hà Văn Tải hóa thân vào cục vàng. “Lời của vàng đây. Đồng bào nghe vàng nói. Tôi ở nhà ông En (tên húy của một nhà giàu trong vùng), làm giàu cho ông En. Giờ nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ra góp sức xây dựng đất nước nhưng không được ra. Tôi buồn lắm, tủi thân lắm”.

“Sân đình dậy tiếng vỗ tay còn ông En thì ra về. Đến buổi chiều, ông En ra gặp đại diện Việt Minh, đích thân trao tặng con chạch bằng vàng để đóng góp cho cách mạng. Những nhà có của khác cũng vì thế mà làm theo”, ông Tải vui vẻ kể.

 

ha-van-tai-1092015-1441102568825
"Nếu không có cách mạng, không có Đảng, tôi không thể có ngày hôm nay".

Chưa đầy 18 tuổi, Hà Văn Tải được kết nạp vào hàng ngũ Đảng. Chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản được 2 tháng thì được điều lên làm chánh văn phòng huyện ủy và trở thành Huyện ủy viên khi tròn 19 tuổi. Ông trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau rồi giữ vị trí Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư khối cơ quan dân chính Đảng cho đến khi nghỉ hưu.

“Không có Đảng, không có Cách mạng, không có Bác Hồ thì mãi mãi chúng ta sẽ không thể có được niềm hạnh phúc lớn lao ấy. Tôi nghĩ rằng, chỉ có sự tài tình, sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc, chúng ta mới có một chiến thắng mà không phải đổ một giọt máu, không mất một viên đạn. Đó là bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc và bước ngoặt quan trọng nhất cuộc đời tôi.

Nếu không có cách mạng thì tôi may mắn lắm cũng chỉ là anh giáo làng chứ không được như ngày hôm nay.

70 năm trôi qua rồi, tôi thấy mình thật may mắn khi chứng kiến sự đổi thay của dân tộc, sự đổi thay của con người, sự đổi thay từ thân phận nô lệ thành những người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình.

70 năm trôi qua, nhiều khi nghĩ về những ngày đầu đi theo cách mạng tôi vẫn bật khóc. Nhờ có cách mạng, nhờ có Bác Hồ mà tôi đã trở thành con người biết đi theo cách mạng, làm việc vì dân, vì nước”, ông Tải rưng rưng xúc động.

                                                                                              Hoàng Lam

 

 

Cuộc cách mạng “rung chuyển trời đất, thay đổi con người” - 5