1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cục trưởng Cục Trẻ em lên tiếng về việc cô bé 15 tuổi bị bạo hành

(Dân trí) - Liên quan tới thông tin về một cô bé 15 tuổi lên tiếng bị người thân bạo hành, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, các cơ quan chức năng của ngành đã tiếp cận với cô bé và đề nghị không tiếp tục khai thác thông tin đời tư của cô bé.

Sự việc bắt nguồn từ thông tin trên mạng xã hội mấy ngày nay về việc em .D lên mạng tố cáo anh rể (là một người dẫn chương trình về thể thao) đã bạo hành mình nhiều năm. Thông tin đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và nhiều quan điểm trái chiều khác nhau.

Cán bộ công tác xã hội đã tiếp cận

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Hoa Nam cho biết, ngay sau khi có thông tin trên, các cán bộ của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã chủ động kết nối liên hệ với Trung tâm Công tác xã hội của Ninh Bình để tiếp cận và thực hiện các biện pháp xác minh, hỗ trợ em D trong điều kiện tốt nhất.


Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH. (Ảnh: A.T)

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH. (Ảnh: A.T)

Theo ông Đặng Hoa Nam, việc tiếp cận đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và quy trình của nghề công tác xã hội đối với trẻ em vị thành niên.

Những thông tin cụ thể khi tiếp cận với em bé này, ông Đặng Hoa Nam cho biết là không được phép tiết lộ: “Vì đây là quy định của pháp luật đối với quy trình, trách nhiệm của cơ quan trợ giúp khi đang thực hiện”.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, căn cứ theo quy trình nghiệp vụ công tác xã hội, các cán bộ của Trung tâm đang tiếp tục theo dõi trường hợp này. “Việc theo dõi tường hợp này vẫn được tiếp tục thực hiện”.

Xin dừng việc khai thác đời tư

Liên quan tới thông tin em D, ông Đặng Hoa Nam nhận định: “Cho tới nay, em D đã chính thức lên tiếng và đề nghị mọi người không bình luận nữa. Trước đó, nhiều người lên mạng bình luận và “đào bới” đời tư của em này lên. Thậm chí có những bình luận tiêu cực tới cha mẹ, anh chị em của em đó”.

“Trường hợp nếu em ấy có dấu hiệu tổn hại nặng thì các cơ quan tư pháp, điều tra sẽ vào cuộc. Còn trước hết, Trung tâm công tác xã hội sẽ có những đánh giá ban đầu và can thiệp phù hợp” - ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng qua vụ việc này, nhiều người dùng mạng cần rút ra bài học trong việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ các vấn đề của đời sống cá nhân, gia đình của mình ở mức độ nào.

“Nếu sử dụng thông tin trên mạng xã hội không đúng cách, sẽ rất nguy hại. Rất may em ấy biết cách dừng lại. Cảm thấy bất lợi nên em ấy chính thức livestream và đề nghị mọi người không bình luận nữa” - ông Đặng Hoa Nam nói về trường hợp cô bé D.

Qua đây, ông Đặng Hoa Nam cho biết: "Tôi cũng chính thức đề nghị dừng không đưa những chi tiết riêng tư của em, kể cả việc em đó có bị bạo hành hay không bạo hành. Vì em đó đã lên tiếng đề nghị mọi người đừng việc bình luận. Còn việc triển khai cụ thể ra sao sẽ thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng”.

Hãy chủ động gọi Tổng đài 111

Qua câu chuyện trên, ông Đặng Hoa Nam đề nghị các em khi gặp vấn đề liên quan đến nguy cơ bị bạo hành, xâm hại, hãy liên hệ với những cơ quan có chức năng liên quan và các dịch vụ công chính thống, như: Gọi đến Tổng đài 111 hoặc Trung tâm công tác xã hội ở địa bàn.

Theo đó, tại những nơi này, các em sẽ được tiếp cận với những người được giao trách nhiệm, có chuyên môn để hỗ trợ, giải quyết một cách tốt nhất.

“Quan trọng hơn, họ biết cách bảo mật thông tin. Những thông tin thu được từ việc trò chuyện với em về gia đình và những người có liên quan chỉ được sử dụng trong phạm vi và trách nhiệm của họ.

Tránh trường hợp thông tin không được kiểm soát và việc đưa thông tin lên mạng xã hội để cầu mong sự trợ giúp vô định nào đó. Điều này có thể gây ra hậu quả đáng tiếc” - ông Đặng Hoa Nam nói.

Hoàng Mạnh