Quảng Nam:

Cử tri bức xúc vấn đề tái định cư, ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Ngày 10/7, HĐND tỉnh Quảng Nam bắt đầu kỳ họp thứ 4 khóa VIII. Gần 100 ý kiến của các cử tri gửi đến các đại biểu về những vấn đề bức xúc chưa được giải quyết trong thời gian qua.

Hầu hết các ý kiến của cử tri gửi đến các đại biểu nêu những sự việc đã được phản ánh từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Lĩnh vực quy hoạch, xây dựng cơ bản, tái định cư... được quan tâm nhiều nhất vì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn người dân.
 
Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam tại kỳ họp thứ 4 khóa VIII
Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam tại kỳ họp thứ 4 khóa VIII

Cử tri TP Tam Kỳ thắc mắc một số công trình, dự án trên địa bàn được quy hoạch nhưng không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân như dự án Trường ĐH Quảng Nam, khu đô thị sinh thái Nam Tam Phú - Tecco 533.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang trả lời: Dự án Trường ĐH Quảng Nam, Khu đô thị sinh thái Nam Tam Phú - Tecco 533 đã được phê duyệt quy hoạch. Riêng quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị sinh thái Nam Tam Phú - Tecco 533 tại khối phố Phú Ân (9,3 ha) đã được phê duyệt giá đất chi tiết năm 2010. Hiện đang khó khăn về vốn, thay đổi chế độ chính sách dẫn đến tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng,… nên các chủ đầu tư triển khai còn chậm.

Trong khi đó, cử tri huyện Đại Lộc phản ánh: Khu tái định cư thôn Đồng Chàm (xã Đại Sơn) phục vụ công tác di dời cho 68 hộ dân tại 2 thôn Ba Tớt và Thúc Cạn thời gian triển khai quá lâu, hiện tại mặt bằng vẫn chưa xong, công trình điện, nước chưa có. Nhân dân thôn Giảng Hòa (xã Đại Thắng) ở vùng dự án di dân lũ lụt năm 1998 kiến nghị đầu tư kinh phí xây dựng một cây cầu qua sông để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và nâng cấp một số công trình như đường giao thông, cống thoát nước đã bị hư hỏng.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, khu tái định cư thôn Đồng Chàm (xã Đại Sơn) được Sở KH-ĐT phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và phê duyệt kế hoạch đấu thầu bao gồm các hạng mục: San nền, nước sinh hoạt, đường giao thông và mương thoát nước với mục tiêu di dời, tái định cư cho 62 hộ dân của hai thôn Ba Tớt và Thác Cạn. Dự án được khởi công xây dựng ngày 19/4/2011, ngày 25/4/2012 đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng hai hạng mục: san nền, cấp nước sinh hoạt. Riêng hạng mục đường giao thông và mương thoát nước hoàn thành và bàn giao trong tháng 6/2012. Hiện nay UBND xã Đại Sơn đã tổ chức bốc thăm, chia lô và có 3 hộ đã làm nhà và 6 hộ đang làm nhà.

Cử tri huyện Đông Giang phản ánh hiện nay bà con nhân dân thuộc 2 khu tái định cư Pachepalanh và Cutchơrun cần được sự quan tâm về đất sản xuất và đất ở cho các hộ dân mới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, hai khu tái định này do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Sau khi hai khu tái định cư hoàn thành đã bộc lộ một số bất cập, trong đó có vấn đề đất sản xuất và đất ở cho nhân dân. UBND huyện Đông Giang đã lập dự án mở rộng phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tại khu tái định cư PachePalanh và CutChrun giai đoạn 2008-2015 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 55 tỉ đồng bằng các nguồn vốn: Trung ương hỗ trợ thông qua các chương trình 134, 135, 661, định canh định cư, ngân sách huyện và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hiện tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Đông Giang tiếp tục huy động các nguồn vốn để đầu tư giải quyết những khó khăn về đất sản xuất và đất ở cho bà con nhân dân, đồng thời làm việc với các Sở KH-ĐT, Tài chính để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện các nội dung theo dự án được duyệt.

Cử tri huyện Bắc Trà My đề nghị xây dựng cầu sông Trường nối Nam Trà My với Bắc Trà My (trên tuyến ĐT616) xây dựng đoạn tuyến đường Trà My - Sông Trường, tuyến đường Nam Quảng Nam qua thị trấn Trà My được quy hoạch nhưng chưa khởi công.

Theo ông Quang, cầu Sông Trường và Nước Oa trên tuyến ĐT616 đã được đưa vào dự án đường Nam Quảng Nam. Hiện nay dự án đường Nam Quảng Nam giai đoạn I đã hoàn thành gần 1.400 tỷ đồng nhưng vốn bố trí đến cuối năm 2012 chỉ đạt 860 tỷ đồng, đang nợ khối lượng trên 540 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ưu tiên thanh toán nợ khối lượng và sẽ xem xét triển khai tiếp giai đoạn II khi có kế hoạch bố trí vốn.

Mặc khác, UBND tỉnh cũng đang làm việc với Bộ GTVT cùng các Bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ chuyển tuyến đường Nam Quảng Nam thành đường quốc lộ do Bộ quản lý và tiếp tục đầu tư giai đoạn II từ Tam Kỳ đến Sông Tranh gồm cả 2 cầu Nước Oa và sông Trường để đảm bảo giao thông về mùa mưa lũ. Hiện nay do khó khăn về nguồn vốn nên dừng thi công đoạn tuyến này, khi cân đối được nguồn vốn sẽ triển khai thi công.
 
Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam tại kỳ họp thứ 4 khóa VIII
Tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác vàng có phép lẫn không phép làm cử tri Quảng Nam bức xúc. Ảnh: Một điểm khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh)

Cử tri huyện Phước Sơn đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh cùng với huyện tăng cường kiểm tra việc xử lý nước thải của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, theo đề nghị của UBND huyện Phước Sơn ngày 22/5/2012 và công văn của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam về việc “xem xét kết quả kiểm tra mẫu nước thải của nhà máy tuyển luyện vàng Phước Sơn của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn; ngày 1/6/2012, đoàn kiểm tra được thành lập với thành phần gồm: Sở TN-MT, UBND huyện Phước Sơn, Phòng CS phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh cùng với sự tham gia của đại diện UBND xã Phước Đức đã tiến hành kiểm tra tại Nnhà máy tuyển luyện vàng Đắksa.

Kết quả bước đầu cho thấy công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ TN-MT, được Tổng cục Môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án; có thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra có thu 4 mẫu nước thải và 1 mẫu bùn.

Kết quả đo đạc, phân tích 22 thông số của cả 4 mẫu nước thải, so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công cho thấy 22/22 thông số đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả phân tích 7 thông số của mẫu bùn thải trên mương dẫn nước xả thải ra suối so sánh với ngưỡng hàm lượng tuyệt đối.

Tuy nhiên, công ty vẫn còn một số tồn tại như vẫn còn hiện tượng rò rỉ nước thải từ chân đập số 1 (đập chứa nước thải tuyển nổi) ra môi trường; chưa công bố rộng rãi quy trình xả thải của công ty cho chính quyền địa phương và nhân dân được biết để cùng kiểm tra, giám sát.

Tỉnh cũng yêu cầu Sở TN-MT phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Phước Sơn giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn; yêu cầu công ty khắc phục các tồn tại, thiếu sót, tập trung vào việc không cho nước thải rò rỉ từ chân đập 1 ra môi trường và công bố qui trình xả thải cho chính quyền và nhân dân địa phương để cùng kiểm tra, giám sát.

 Công Bính