1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bình Định:

Công bố kết luận vụ tàu vỏ thép 67 hư hỏng: Thép Trung Quốc nhưng… chuẩn?

(Dân trí) - Tổ thẩm định độc lập do UBND tỉnh Bình Định thành lập đã phát hiện hàng loạt sai sót nghiêm trọng trong quá trình đóng tàu khiến 17/18 con tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh này bị hư hỏng, nằm bờ sửa chữa.

Bình Định: Họp công bố vụ tàu 67 hư hỏng: Ngư dân đề nghị thay toàn bộ máy mới

Chiều nay (22/6), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định tổ chức công bố kết quả sơ bộ Tổ thẩm định tàu vỏ thép có đơn kiến nghị theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại Bình Định.

Tham dự cuộc họp có các thành viên tổ thẩm định độc lập do UBND tỉnh Bình Định thành lập, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đại diện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản, đại diện các sở Tư pháp, Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Khoa học công nghệ, Công an tỉnh, chính quyền các huyện, thành phố ven biển có tàu vỏ thép bị hỏng, các ngân hàng, cùng các ngư dân có tàu vỏ thép bị hỏng. Chủ trì cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại Bình Định.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại Bình Định chủ trì buổi họp công bố kết quả sơ bộ tàu 67 hư hỏng tại Bình Định
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tại Bình Định chủ trì buổi họp công bố kết quả sơ bộ tàu 67 hư hỏng tại Bình Định

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, Tổ trưởng Tổ thẩm định độc lập, công bố kết quả thẩm định. Theo đó, căn cứ hồ sơ, tài liệu do các ngân hàng thương mại mà các ngư dân đã ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu cung cấp, tổ thẩm định xác định có 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc và 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Hàn Quốc.

Qua kiểm tra 17/18 tàu, Tổ kiểm tra nhận thấy, có 12 tàu phần vỏ tàu bị gỉ sét tự nhiên, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc, va chạm với ngư lưới cụ và cá thành phẩm; có 5 tàu phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.

Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, Tổ trưởng Tổ thẩm định độc lập, công bố kết quả thẩm định
Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, Tổ trưởng Tổ thẩm định độc lập, công bố kết quả thẩm định

Đặc biệt về máy tàu, kiểm tra thực tế và đối chiếu các hồ sơ: có 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA (5 máy S6R2-MPTA công suất 940 HP và 4 máy S6R-MPTA công suất 811 HP), các chi tiết: Bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt đã gia công lại…,

Các chi tiết trên đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có Model và công suất như ghi trên decal máy. Hầu hết các máy chính này đều hoạt động không ổn định.

Có 3 máy chính tàu hiệu Doosan 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Trong 3 máy, có 1 máy chính Doosan lắp trên tàu BĐ 99245 TS (chủ tàu là ông Trần Đình Sơn) bị hư hỏng nặng (gãy trục khuỷu và hư piston). Qua kiểm tra hồ sơ, phát hiện cả 3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM). Tổ thẩm định đã nhận được thư của hãng Doosan xác nhận 2 model trên là giống nhau.

Nhiều đơn vị liên quan và nhiều ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng đến để nghe tổ thẩm định công bố kết quả
Nhiều đơn vị liên quan và nhiều ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng đến để nghe tổ thẩm định công bố kết quả

Có 5 máy chính của 5 tàu hiệu Mitsubishi S6R-MPTK công suất 811 HP. Qua kiểm tra thực tế, các máy chính và các bộ phận liên quan là khối đồng nhất, thông số kỹ thuật ghi trên nhãn mác máy trùng khớp với thông số do hãng Mitsubishi công bố. Hiện các máy chính lắp trên các tàu đều hoạt động ổn định.

Về máy phụ, qua kiểm tra có 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép. Trong đó có 10 cái hiệu Mitsubishi - Nhật Bản (4 cái loại S4K-DT; 5 cái loại S6K-D 80KW; 1 cái loại S4S 30,9 kW); 9 cái hiệu Doosan - Hàn Quốc kiểu máy AD126TIF/206kW; 4 cái hiệu CUMMINS CTA 83-G2; 2 máy không có nhãn mác chỉ đóng số chìm.

Kiểm tra thực tế và đối chiếu với hồ sơ: có 1 máy phụ hiệu CUMMINS do Trung Quốc sản xuất (CO ghi máy lắp ráp tại Singapore), 2 máy phụ không có nhãn mác ghi thông số động cơ, chỉ có dòng số đóng chìm.

Về phần trang thiết bị hàng hải, radar hàng hải, định vị vệ tinh, máy đo sâu dò đứng của các tàu đều hoạt động tốt. Hai máy đo sâu dò ngang bị hỏng tại các bộ phận: Máy dò ngang cá SONAR MAQ bị hỏng hệ thống đầu dò không sử dụng được; máy dò ngang cá FURUNO CH-37 bị hỏng hệ thống điều khiển đầu dò.

Ngư dân Trần Định Sơn, yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải thay máy mới hoàn toàn
Ngư dân Trần Định Sơn, yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải thay máy mới hoàn toàn

Có 1 màn hình trên máy dò cá SONAR FURUNO CH-37 lắp đặt trên tàu cá của ông Trần Minh Vương đã thay đổi màn hình chính FURUNO MU-190V-24VDC bằng một màn hình vi tính hiệu DELL thông thường trên. Chất lượng thu nhận tín hiệu và độ phân giải trên màn hình hiện tại rất thấp, không rõ nét…

Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá vỏ thép, kiểm tra hệ thống hầm bảo quản của 17 tàu, có 3 tàu hầm bảo quản hoạt động bình thường; 14 tàu hầm bảo quản đọng nước, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều, có hiện tượng rỉ sét…

Về việc sử dụng thép đóng tàu xuất xứ Trung Quốc trên 5 tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, qua kiểm tra hồ sơ nghiệm thu của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá.

Đăng kiểm viên đã kiểm tra vật liệu chính trước khi gia công, kiểm tra lô vật liệu thép là thép mác A, có giấy tờ về chất lượng và xuất xứ Trung Quốc và Kết quả thí nghiệm vật liệu của Phòng Thí nghiệm- KĐVL (xác định cơ tính của vật liệu, xác định thành phần hóa học của vật liệu). Căn cứ vào QCVN 21:2010/BGTVT vật liệu thép đã đủ điều kiện đóng tàu, đồng ý cho triển khai thi công.

Qua kiểm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt vật liệu là thép cấp A và không có quy định xuất xứ của thép đóng tàu là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc. Xuất xứ nguồn gốc được thỏa thuận thông qua hợp đồng kinh tế, nghiệm thu quyết toán của cơ sở đóng tàu và chủ tàu, không nằm trong trong danh mục giám sát của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá.

Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản thừa nhận lỗi
Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản thừa nhận lỗi

Đối với các máy chính lắp trên các tàu do Công ty TNHH Nam Triệu đóng có máy hỏng, kết quả kiểm tra hồ sơ cho thấy các đăng kiểm viên đã nghiệm thu phần máy chính trước khi lắp đặt và khẳng định máy mới 100% đồng ý chuyển bước lắp đặt trên tàu.

Cơ sở để nghiệm thu phần này dựa trên các giấy tờ do cơ sở đóng tàu cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận xuất xứ và chứng thư giám định chất lượng của máy là máy thủy mới 100%, đối chiếu với mác máy, số chìm trên máy trùng khớp; đồng thời kiểm tra thực tế tại hiện trường về tình trạng máy, các phụ tùng đồng bộ kèm theo.

Quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước khi lắp đặt và sau khi lắp đặt của các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng, chứng nhận thí nghiệm máy của nơi sản xuất, không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy như bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt gia công, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt...

Buổi họp, các ngư nhân thống nhất với kiến nghị của Sở NN&PTNN Bình Định là đề nghị cơ sở đóng tàu có tàu hư hỏng phải thay máy mới cho ngư dân để ngư dân sớm ra khơi sản xuất.

Doãn Công