1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cơ hội lịch sử của nước Nga, của Putin

Trong bối cảnh Mỹ “xoay trục” ra khỏi các đồng minh truyền thống ở vùng Vịnh sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, các nước này bỗng thấy Nga là cơ hội tốt nhất để ngăn chặn cái mà họ cho là sự ảnh hưởng ngấm ngầm của Iran trong khu vực.

Cuộc chiến tại Syria đã mở ra một cách cửa cho việc thiết lập quan hệ mật thiết hơn giữa Moscow với các nước vùng Vịnh. Điều này diễn ra trong bối cảnh Mỹ quay lưng lại các đồng minh truyền thống ở vùng Vịnh để ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran.

Khi Quốc Vương Bahrain Hamad bin Isa al-Khalifa tặng Tổng thống Nga Vladimir Putin cây “kiếm chiến thắng” trong một chuyến thăm Nga tháng 2 vừa qua, đây chính là thời khắc quyết định, cho thấy sự trở lại của Moscow tới trái tim chính trị vùng Vịnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters

Các cuộc gặp ngày càng thường xuyên hơn giữa Moscow và các quan chức của vương quốc Arab nhiều dầu lửa này sau đó cho thấy một sự ấm lên trong quan hệ, khi cuộc nội chiến ở Syria trở thành “cơ hội vàng” đối với Nga để gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Đối với Nga, việc cam kết với các nước vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia, là rất quan trọng để đạt một giải pháp tại Syria, nơi Moscow lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan sang tận lãnh thổ Nga và xa hơn thế.

Trong bối cảnh Mỹ “xoay trục” ra khỏi các đồng minh truyền thống ở vùng Vịnh sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, các nước này bỗng thấy Nga là cơ hội tốt nhất cho mình để ngăn chặn cái mà họ cho là sự ảnh hưởng ngấm ngầm của Iran trong khu vực, đặc biệt là tại Syria.

Trên thực tế, chính phủ Syria và các đồng minh – Iran, Hezbollah ở Liban, và các nhóm Shiite ở Iraq – đang ngày càng phụ thuộc vào Moscow để đảm bảo sự sống còn của Tổng thống Syria Bashar al–Assad. Trước khi Nga can thiệp quân sự hồi tháng 9/2015, ông Assad đang thua trên thực địa. Sau vài tháng không kích, Moscow đã thay đổi cán cân quyền lực một cách đáng kể, biến mình thành một trung gian không thể tránh khỏi đối với các nước vùng Vịnh.

Saudi Arabia đã thừa nhận rằng điều quan trọng là phải làm cho Moscow sẵn sàng chấp nhận và ủng hộ hoàn toàn một tương lai hậu Assad tại Syria. Nếu Nga và các nước vùng Vịnh tiếp tục thân mật hơn nữa, Moscow có thể được mời đóng một vai trò mang tính xây dựng hơn ở Syria, và có thể cả ở Iraq, điều mà các nước vùng Vịnh sẽ muốn chứng kiến.

Quan hệ giữa thế giới Arab và Nga có từ thời Liên Xô, khi đó Moscow duy trì các quan hệ mật thiết với các nước Arab như Algeria, Ai Cập và Syria, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, quan hệ giữa Moscow và vùng Vịnh đã bị phủ bóng bởi quan hệ với Mỹ và Anh với các nước hiện là thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Điều đó đúng cho tới ngày nay: Syria và mối đe dọa an ninh đặt ra bởi 5 năm nội chiến dai dẳng đã thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Đông, khiến vùng Vịnh và Nga cần nhau hơn. Thế giới Arab thừa nhận Nga là một cường quốc thực sự và thấy cần phải tái lập các cầu nối với Nga.

Moscow cũng rất muốn phát triển quan hệ với vùng Vịnh nhằm đảm bảo sự ổn định tại vùng Caucascus và Trung Á, những nơi rất bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong khu vực. Moscow cũng hiểu rằng mọi giải pháp tại Syria cần phải được thương lượng với các nước vùng Vịnh.

Với Nga, các nước vùng Vịnh còn có thể giúp giảm thiểu hậu quả của các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi sáp nhập Crimea năm 2014 và giảm sự phụ thuộc vào các thể chế tài chính phương Tây. Nga đang thúc đẩy hợp tác với các nước vùng Vịnh trong nhiều dự án ngoài khu vực Trung Đông, trong đó có một đề xuất Nga và Abu Dhabi cùng xây dựng một sân bay quốc tế mới tại La Havana, Cuba.

Năng lượng có lẽ là tiềm năng nhất trong quan hệ thương mại này. Năm 2015, Saudi Arabia đã nhất trí hợp tác với Nga, trong đó một thỏa thuận về chương trình hạt nhân hòa bình. Lĩnh vực công nghiệp quân sự cũng có thể hưởng lợi từ sự xích lại gần hơn giữa Nga với Arab và có thể là trục chính trong các quan hệ trong tương lai.

Tất nhiên, quan hệ giữa hai bên vẫn còn không ít thách thức vì hai bên có sự khác biệt về quan điểm trong nhiều vấn đề. Mặc dù vậy, Moscow vẫn có thể lợi dụng khoảng cách về niềm tin trong quan hệ giữa thế giới Arab và Mỹ hiện nay.

Cơ hội lịch sử của Nga sẽ không kéo dài. Thế giới Arab đang nghiêm túc tìm kiếm các đồng minh và bạn hữu bên ngoài các quan hệ truyền thống. Nga có tiềm năng đóng góp cho sự phát triển mang tính xây dựng trong khu vực nếu họ quyết định “chơi đẹp” ở Syria, bằng cách định hướng cho một quá trình chuyển tiếp chính trị. Điều gì xảy ra tiếp theo tại Syria có thể quyết định “số phận” của quan hệ giữa Nga với vùng Vịnh.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga Aleksey Pushkov khẳng định Moscow không thấy có lý do phải đứng ngoài cuộc, nếu như Mỹ, nước trong suốt 20 năm qua chiếm độc quyền trong việc giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, đã không hoàn thành một nhiệm vụ nào, mà ngược lại, đã hủy hoại toàn bộ khu vực.

Trong một phát biểu đầu năm 2016, ông Putin tuyên bố: “Mô hình sắp xếp thế giới đơn cực đã không còn diễn ra”. Sau 8 tháng kể từ tuyên bố ấy, thế giới đang chứng kiến những thay đổi mà ông tiên đoán./.

Theo Thảo Linh

Vietnamnet