1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia Nga bóc trần tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ có tham vọng về tên lửa và vũ khí hạt nhân. Không loại trừ khả năng xâm lược Syria và ra khỏi NATO.

Tờ Quan điểm của Nga vừa cho đăng bài phỏng vấn trong đó nêu lên những đánh giá của chuyên gia Alexandr Vasilev về những động thái và tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt của giới tướng lĩnh quân đội.

Chuyên gia Nga cho rằng giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng về cơ cấu an ninh toàn cầu. Họ đang tìm kiếm công nghệ có thể đảm bảo cho Ankara vũ khí tên lửa cũng như hạt nhân. Với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và ý tưởng về một đế quốc đang hồi sinh, không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ra khỏi liên minh quân sự NATO và tấn công Syria.

Quan điểm: Theo ông, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trong NATO có gì khác nhau về nguyên tắc?

A. Vasilev: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể không có công nghệ cao như của Mỹ, song lại rất đông và được trang bị tốt. Hai yếu tố khác biệt của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ so với quân đội các nước châu Âu và Mỹ là sẵn sàng chấp nhận tổn thất lớn về sinh mạng; và sẵn sàng tác chiến trong những điều kiện rất khắc nghiệt.

Các lực lượng đặc nhiệm và giới sĩ quan trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là những người có động cơ hơn cả. Quân đội Thổ được xây dựng theo nguyên tắc quân dịch và phần lớn đều là lính nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong các doanh trại, việc huấn luyện tư tưởng cũng được tăng cường nên dù không có động cơ mạnh mẽ như giới sĩ quan, song binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ có tinh thần cao.

Chuyên gia Nga bóc trần tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ

Nếu nhìn vào tiểu sử của các Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ gần đây, sẽ thấy rằng họ đều nắm vững 2, thậm chí 3 ngoại ngữ phương Tây, được đào tạo nhiều năm không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ở Tây Âu, trong các cơ cấu của NATO trên khắp thế giới. Họ rất có kinh nghiệm về chính trị, quản lý và cả ngoại giao. Giới tướng lĩnh Thổ là những người có giáo dục và rất kiên quyết. Tư tưởng chính của họ là chủ nghĩa dân tộc và nhiều khi biến thành những quan điểm cực hữu.

Quan điểm: Vậy uy tín của Tổng thống Erdogan đối với giới tướng lĩnh hiện như thế nào? Có tin cho rằng ngay từ khi lên nắm quyền ông Erdogan đã vấp phải sự phản đối thường xuyên từ giới quân sự.

A. Vasilev: Thái độ đối với ông ấy đã thay đổi. Cách đây không lâu các tài liệu lưu trữ đã được công bố trong khuôn khổ các vụ án mà giới quân sự bị buộc tội chuẩn bị đảo chính. Rất nhiều ghi chép cá nhân đã được công khai, trong đó rõ ràng là thái độ của Bộ Tổng tham mưu đối với ông Erdogan không mấy dễ chịu, còn quan điểm đối với vấn đề quân đội có nên can thiệp vào chính trị hay không cũng không thống nhất.

Chuyên gia Nga bóc trần tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ - 2

Ông Erdogan và các tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ

Một vài người ở Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị can thiệp vào chính trị, tuy nhiên lại không có cơ hội. Erdogan đã sử dụng các tiêu chuẩn mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra làm điều kiện gia nhập để bẻ gẫy và bắt quân đội phải phục tùng ý chí của mình.

Kết quả là Bộ trưởng Quốc phòng của Thổ là một chuyên gia dân sự, còn các vấn đề kinh tế thì được chuyển từ thẩm quyền của Bộ Tổng tham mưu sang Bộ Quốc phòng. Các cơ cấu ngân hàng-công nghiệp-tài chính của quân đội cũng gánh chịu đòn đánh này. Cái gọi là “Cộng đồng hỗ trợ quân sự” kiểm soát các lĩnh vực kinh tế lớn nhưng lại không chịu trách nhiệm trước bất kì ai mà do các sĩ quan cấp cao điều hành. Erdogan đã buộc “cộng đồng” này lần đầu tiên trong 30 năm qua phải công bố báo cáo. Qua đó, ông Erdogan đã chứng minh hoàn toàn đủ khả năng đặt giới quân sự ngồi đúng vị trí.

Cuối tháng 8/2015, hội đồng quân sự cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành phiên họp thường niên. Ngay trước đó, một bộ phận bị bắt giữ do liên quan tới vụ án chuẩn bị đảo chính bất ngờ được thả. Rất nhiều nhân vật “diều hâu” được minh oan và phục chức. Một số người thậm chí còn được thăng hàm. Tất cả những điều này chứng tỏ ông Erdogan và giới tướng lĩnh đã có sự thỏa hiệp.

Quan điểm: Liệu giới tướng lĩnh có thể trở lại nắm quyền thực sự như thời kỳ trước Erdogan?

A. Vasilev: Có thể. Vài năm trước, rất nhiều nhà phân tích cho rằng Erdogan đã bẻ gẫy sương sống của quân đội. Nhưng bây giờ tất cả đã thay đổi. Việc gia nhập EU bị trì hoãn. Tương lai của chính ông Erdogan cũng mờ mịt. Hiện chưa rõ ai sẽ kế nhiệm ông ta. Thế có nghĩa là đang xuất hiện cơ hội phục thù cho giới tướng lĩnh.

Ông Erdogan đã phục quyền cho quân đội một cách miễn cưỡng do chịu tác động từ tình hình phức tạp ở Syria và Iraq. Để nuôi dưỡng và nâng đỡ các sĩ quan trung thành với mình sẽ cần rất nhiều thời gian. Trong khi đó, ngay bây giờ ông Erdogan lại cần đến giới sĩ quan.

Chuyên gia Nga bóc trần tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ - 3

Ông Erdogan thị sát một chốt kiểm soát tại Hakkari gần biên giới Iraq

Quan điểm: Giới tướng lĩnh liệu có vui mừng trước việc bắn hạ máy bay Nga?

A. Vasilev: Giới tướng lĩnh từ lâu đã đề xuất tiến hành chính sách đối ngoại tích cực hơn. Không loại trừ khả năng họ không muốn giới hạn ở việc bắn rơi một chiếc máy bay Nga mà sẵn sàng chuẩn bị công khai xâm lược các khu vực người Turk ở Syria.

Thời gian gần đây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ rất tích cực cho đăng tải trên báo chí đề tài về việc biên giới của nước này sau Chiến tranh Thế giới I, biên giới với Syria là không công bằng đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều đáng lo ngại là Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tập trung lực lượng ở biên giới giáp với các khu vực người Turk ở Syria. Họ đang dồn cả xe tăng, pháo binh tới. Với sự bất ngờ của Erdogan, chúng ta có thể chờ đợi một chiến dịch trên bộ ở Syria.

Chuyên gia Nga bóc trần tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ - 4

  Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ điều động tới khu vực sát biên giới với Syria

Quan điểm: Nhưng hành động như kiểu sáp nhập một phần lãnh thổ của Syria sẽ vấp phải sự phản đối từ các đồng minh? NATO không thể có một thành viên với đường biên giới tranh cãi.

A. Vasilev: Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tôi đã quan sát rất kĩ. Nhiều quân nhân thất vọng với cấu trúc an ninh toàn cầu. Vấn đề quan tâm của họ hiện nay là tìm kiếm công nghệ giúp đảm bảo cho Ankara có được vũ khí tên lửa và hạt nhân. Trong tương lai, sau khi đạt được mục đích này, không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời khỏi NATO.

Trong báo cáo của các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ có một luận điểm về việc chỉ có sỡ hữu vũ khí hạt nhân mới giúp Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có được chính sách đối ngoại độc lập.

Tất nhiên, chương trình hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ ở giai đoạn đầu. Ngoài nhà máy điện hạt nhân do Nga xây dựng ở miền Nam, Nhật Bản cũng bắt đầu xây dựng một nhà máy điện hạt nhân khác ở Sinop bên bờ Biển Đen. Thời gian qua, Nga đã mở rộng đào tạo nhân lực của ngành năng lượng hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Nga bóc trần tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ - 5

Ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ gặt hái nhiều thành công nhờ hợp tác với Mỹ và châu Âu

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã đạt được những thành tựu trong chế tạo tên lửa, trước hết nhờ sự trợ giúp của công nghệ mà châu Âu và Mỹ chuyển giao, cũng như mua tên lửa chế tạo sẵn của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ đã có tên lửa chiến thuật-chiến dịch có tầm bắn gần 300 km. Tại triển lãm IDEF-2015 mới đây ở Istanbul, nhiều thành tựu chế tạo tên lửa của người Thổ đã được trưng bày. Điều đó hết sức nguy hiểm.

Quan điểm: Thời gian gần đây không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện ra sao?

A. Vasilev: Rất khó nói phiên bản F-16 nào đã tấn công máy bay của Nga, nhưng trong 2-3 năm trở lại đây, người Thổ đã hiện đại hóa một phần F-16 của mình. Tôi nghĩ rằng, việc hiện đại hóa này được tiến hành nhằm mục đích mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay cường kích cũng như tiêm kích mà trước hết là để tiến hành các đòn tấn công mặt đất.

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung khá chuyên nghiệp, được trang bị tốt, dù vẫn tồn tại hàng loạt vấn đề. Ví dụ như việc đào tạo phi công. Nhiều học viên quân sự không tiếp tục phục vụ và ồ ạt chuyển sang các lĩnh vực dân sự khi đồng lire của Thổ Nhĩ Kỳ bị phá giá, lương cho phi công quân sự quá thấp.

Chuyên gia Nga bóc trần tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ - 6

Tiêm kích F-16C của Thổ Nhĩ Kỳ

Một vấn đề khác của không quân Thổ Nhĩ Kỳ là máy bay lạc hậu. Thành phần cơ bản hiện nay là F-16 và F-4 với các phiên bản khác nhau. Rất nhiều chiếc F-4 đã quá tuổi thọ.

Trong vòng một năm có tới 3-4 vụ tai nạn máy bay F-4 mà nạn nhân thường là các phi công trẻ. F-4 được sử dụng để huấn luyện, cho nhiệm vụ do thám và cả cường kích do thiếu máy bay hiện đại.

Quan điểm: Vậy tình trạng của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ?

A. Vasilev: Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua một trong những thời kỳ cực thịnh trong lịch sử của mình. Cách đây 10 năm, Erdogan đã công bố chương trình đầy tham vọng về hải quân. Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch chế tạo các tàu đổ bộ đa năng, hàng loạt khinh hạm và tàu chiến cỡ nhỏ, cùng tàu ngầm bằng ngành công nghiệp trong nước.

Chuyên gia Nga bóc trần tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ - 7

Tàu chiến của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Nhìn chung, Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn coi trọng bộ binh và không quân hơn. Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển chỉ được rót kinh phí như trước đây ở mức thứ yếu. Tuy nhiên, chương trình đầy tham vọng của ông Erdogan đã cho thấy sự thay đổi và các ưu tiên đang được dành cho hải quân.

Tôi cảm thấy lo ngại khi trong 5-7 năm tới, Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo hàng loạt tàu đổ bộ, tàu chở trực thăng giúp quân đội nước này nâng cao đáng kể khả năng chuyển quân bằng đường biển. Câu hỏi đặt ra là liệu các loại vũ khí mới có được người Thổ dành cho Crimea hay vùng ven biển Caucasus của Nga hay không?

Minh Trí (theo báo Quan điểm của Nga)

Đất Việt

Chuyên gia Nga bóc trần tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ - 8