Chuyện đời nhiều khúc rẽ của nữ giang hồ một thời - Tâm “si-đa”

(Dân trí) - Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi, phải lang thang kiếm ăn, bị đánh đập, lạm dụng; cô bé Tâm lớn lên thành bông hoa dại, lao vào ăn chơi, nghiện hút, bán dâm để có tiền chích xì ke... Đời chị tưởng sẽ tàn vì ma túy và AIDS...

Tưởng đâu, với con người “hết thuốc chữa” như chị, nếu không chết vì ma túy thì cũng chết vì HIV/AIDS. Nhưng nhờ sự quan tâm, dìu dắt của xã hội, “nữ giang hồ” khét tiếng Sài Gòn năm xưa đã cải tà quy chính. Để giờ đây, chị là mẹ của những đứa trẻ bơ vơ, là người nâng đỡ các gái mại dâm lầm đường lạc lối tìm đường hướng thiện. Chị vẫn được người dân gọi bằng cái tên “sặc mùi” giang hồ nhưng đầy trìu mến: Tâm “si-đa”.

Tôi ngồi với chị vào một buổi chiều giữa tháng 3. Cái nắng quay quắt của phố phường Sài Gòn như thiêu da đốt thịt không làm chị bận tâm. Rít một điếu thuốc, chị cười phà phà. Nhìn cử chỉ, lời nói và tướng mạo… hiên ngang, khí khái của chị, tôi chợt hiểu tại sao mấy tên cướp, ma cô, gái mại dâm cũng phải “quy hàng” trước người phụ nữ nhỏ bé này. Dáng người thon gọn, gân guốc và nhanh nhẹn, người đàn bà 57 tuổi ấy thả hồn về câu chuyện cuộc đời mình bằng những lời lẽ rất… tỉnh queo.

1. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sài Gòn từ những ngày đạn bom, cha mẹ bỏ nhau lúc chị vừa lên 7 tuổi. Cha năm lần bảy lượt theo tình nhân mới, mẹ cũng không ít lần ngược chuyến đò, một mình cô bé Tâm phải nuôi 3 đứa em nheo nhóc. Đói quá, chị phải đi bốc trộm cơm trong nồi của những nhà hàng xóm để 4 chị em cầm bụng qua ngày. Nghịch cảnh trớ trêu nhưng hằng đêm chị vẫn mơ thấy được ba mẹ nằm bên vỗ về. Đó là mơ ước lớn nhất của tuổi thơ Tâm.
 
Chuyện đời nhiều khúc rẽ của nữ giang hồ một thời - Tâm “si-đa”
Nữ giang hồ ngày nào giờ trở thành người giúp các cô gái lầm lỡ phục thiện và nhiệt tình chiến đấu chống lại ma túy, HIV/AIDS

Chị em năm lần bảy lượt tái hợp rồi chia tay. Có khi may mắn được cha về đón, mấy chị em Tâm rong ruổi theo cha về Cần Thơ, Đồng Tháp rồi ngược ra Bình Thuận… Nhưng lần nào cũng vậy, cảnh mẹ ghẻ con chồng, bé Tâm ngày ấy dù cố gắng mấy cũng không tránh nổi những trận đòn oan của dì và thậm chí của cha. Vậy là Tâm lại khăn gói đi tìm mẹ. Mẹ có chồng nhưng chồng không cho mẹ đón Tâm vào ở chung. Tâm lại lang thang ở nhờ đầu đường xó chợ.

10 tuổi, Tâm bán dạo, ở đợ, ăn xin và có khi ăn trộm để bám víu cuộc sống. Cực khổ trăm bề là thế nhưng cô bé vẫn gắng sống để mong có ngày được… mẹ chải tóc. Tâm cố bao nhiêu thì cuộc sống càng khắc nghiệt bấy nhiêu. Dần dà, đứa trẻ 10 tuổi quen thuộc với vỉa hè, ghế đá công viên và chỉ có người thân là những bạn bè cùng cảnh ngộ.

2. Bị đánh đập, thậm chí bị sàm sỡ, Tâm trở nên chai lì. 14 tuổi, Tâm trở thành đàn em thân tín của các đại ca. “Trùm” của khu vực nào ở Sài Gòn thời ấy cũng thương yêu, bảo bọc bé Tâm xinh đẹp. Rồi Tâm lao theo đám bạn đi vũ trường, chích xì ke ma túy. Cuộc đời của Tâm từ đấy là những chuỗi ngày dài chìm trong làn khói trắng, nửa mê nửa tỉnh.

17 tuổi, trong một lần thèm thuốc mà không tiền mua, Tâm quyết định bán trinh. Nghe Tâm nói, đám bạn bè phì cười. Cái loại người ăn chơi, ngủ bờ ngủ bụi như Tâm, còn gì mà bán. Vậy mà Tâm vẫn là Tâm. Bán cái “ngàn vàng” cho một ông sồn sồn, được năm mươi ngàn, Tâm lao vào hút chích. Và từ đấy, xì ke ma túy đã đẩy một nữ sinh đệ tam (lớp 10 bây giờ) ra lề đường, bán dâm cho thiên hạ để có tiền thỏa mãn những cuộc chơi. Tâm trở thành gái bán dâm từ đó.

Sau những đợt truy quét mại dâm của công an, Tâm bị tóm gọn. Thế nhưng cứ vào trại phục hồi nhân phẩm, Tâm lại tìm cách trốn trại vì không chịu nổi cực khổ. Và những lần vượt trại ấy, Tâm lại bị những gã lái xe… bắt phục vụ tình dục tập thể. Tâm ra vào trại nhiều lần, nhẵn mặt cả giám thị và các “đồng nghiệp”. Trốn trại, ngựa quen đường cũ, Tâm lại ra công viên đứng chờ khách…

Có ai ngờ rằng, một cô gái giang hồ, ngủ ngày làm đêm như Tâm có lúc lại nhìn lại bản thân mình vừa tự hứa phải tự mình đứng dậy. Cuộc sống của cô gái giang hồ rẽ sang trang mới…

3. Chị kể, trong một buổi trưa ế khách, bụng đói cồn cào, có 2 thanh niên đi đến. Mừng thầm vì vớ được khách “sộp”, ai dè 2 thanh niên cứ lân la đủ chuyện. Bực quá, chị mắng té tát vào mặt hai vị khách. Hai thanh niên không nói nửa lời, lẳng lặng bỏ đi.

Hôm sau, chị đang chờ khách, 2 thanh niên này lại đến. Chị van xin: “Thôi đi mấy cha, đi chỗ khác cho con làm ăn”. Hôm sau nữa, họ lại đến, thấy kỳ lạ nên Tâm chịu ngồi nói chuyện. Hai thanh niên giới thiệu là tình nguyện viên của một tổ chức xã hội, vận động gái mại dâm trở về con đường làm ăn chân chính, tránh nguy cơ bị HIV/AIDS. Tâm nói cộc lốc: “Si-đa lây như thế nào, tác hại ra sao, tôi biết. Bạo lực tình dục nguy hại thế nào, tôi cũng biết, không cần mấy cha giảng giải”.

Ngày hôm sau, 2 thanh niên lại đến với Tâm. Họ mua một ly cà phê cho Tâm, còn họ uống trà đá. Tâm ngạc nhiên. Tâm đưa thuốc, họ không hút. Họ hỏi Tâm có muốn đi làm như họ và có lương? Tâm nói: “Ai cho mà làm”. Họ bảo sẽ về nói với lãnh đạo. Tâm lại xạc cho họ một trận. Vậy mà khi theo 2 thanh niên lên tổ chức truyền thông sức khỏe cộng đồng, Tâm lại làm việc tốt. Từ đó, mỗi tháng Tâm đi bộ có, đạp xe có, vòng vòng khắp các ngõ ngách của thành phố như ngã tư Bốn xã, công viên 23/9… nơi Tâm từng đứng kiếm cơm, để tuyên truyền sức khỏe và an toàn tình dục cho gái mại dâm. Nơi nào có xì ke ma túy, mại dâm, nơi đó có chuyên viên tư vấn đồng đẳng Trương Thị Hồng Tâm tiếp cận.
 
Chuyện đời nhiều khúc rẽ của nữ giang hồ một thời - Tâm “si-đa”
Khi nghe các con gọi "Má", bao muộn phiền mỏi mệt của chị đều tan biến (Ảnh: T.C)

Chị không ngần ngại nói về thân phận, cuộc đời của mình để tạo sự đồng cảm với chị em. Và nhờ vậy chị trở thành thủ lĩnh tinh thần của những cô gái lầm lỡ. Có bao nhiêu đồng lương ít ỏi chị lại đem về nhét vào tay mấy chị bán dâm để họ có vốn chuyển sang nghề làm ăn chân chính. Chị còn dang tay đón nhận những trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ em bị HIV, về nuôi và thương yêu như chính con đẻ của mình. Trong căn nhà trọ nhỏ của chị ở Gò Vấp, chị đang sống cùng 4 đứa con không phải do chị sinh ra. Chị đi xin từng đồng tiền về lo bữa ăn có rau, có thịt cho các con; chạy chữa bệnh tật cho chúng. Chị quan niệm: “Đời mình đã khổ nhiều rồi. Các cháu cũng có hoàn cảnh tương tự, sao không đồng cảm và thương yêu. Chúng có tội gì đâu…”.

Chính nhờ sự “dấn thân” của chị mà nhiều cô gái mại dâm đã bỏ nghề và có việc làm chân chính, nhiều người nghiện ngập đã hoàn lương; hàng chục trẻ em cơ nhỡ có nơi nương tựa. Vậy mà bao năm rồi chị vẫn là công dân không có chứng minh thư, không hộ khẩu. Ai hỏi, chị chỉ đáp gọn: “Sinh năm 1956, làng Bình Trưng, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay là quận 2, TPHCM. Sau đó lưu lạc tứ phương, chẳng biết đâu là quê hương… Xin làm chứng minh thì họ hỏi hộ khẩu. Xin làm hộ khẩu họ hỏi chứng minh. Nên đến giờ cuộc đời tôi vẫn là con số không khuyên tròn to tướng. Sinh ra, lớn lên, làm việc tại Việt Nam, nói tiếng Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam vậy mà đến giờ mình vẫn là công dân không quốc tịch”.

Đã không ít lần chị được công an “hỏi thăm” chứng minh thư trong lúc chị đang tỉ tê trò chuyện, phát bao cao su cho gái mại dâm. Chị đưa thẻ hành nghề và cố sức giải thích mình là nhân viên công tác xã hội. Nhưng mấy ai tin chị, nhất là lần đầu gặp mặt? Cũng vì thiếu giấy tờ tùy thân mà chị còn gặp muôn vàn khó khăn đi xin việc hoặc khi thuê nhà, xin cho các con nhập học…

Tôi hỏi, có khi nào chị nản với công việc mình đang làm? Chị đáp gọn: “Nếu nản thì đâu có làm. Nhiều khi nản nhưng nhìn thấy các con và nghe tiếng gọi “Má”, tôi hết nản liền. Tôi hay khuyên con, làm người thì khó, làm chó thì dễ. Xã hội quan tâm, nắm một tay kéo mình lên, một tay còn lại dù có yếu mấy cũng ráng gượng dậy chứ mình nằm ì ra đó, ai kéo nổi, có khi nặng quá họ buông. Chính sự quan tâm của mọi người, tôi thấy mình như đang mắc nợ, vì vậy phải tiếp tục làm…”.

Công Quang