Bạn đọc viết:

“Chúc mừng năm mới” chưa đúng!

Với tư cách là một người dân Việt, sử dụng tiếng Việt hàng ngày, tôi muốn nêu lên ý kiến của cá nhân về việc sử dụng cụm từ “Chúc mừng năm mới” hiện nay.

Nếu nói cụm từ “Chúc mừng năm mới” được dịch từ cụm từ tiếng Anh “Happy New Year” thì rõ ràng chúng ta đã dịch thiếu nghĩa, đã bỏ mất từ quan trọng nhất so với nguyên gốc, đó là tính từ “happy” (-“hạnh phúc”). Tiếp đến, chúng ta thấy cụm từ nguyên gốc “happy new year” là một cụm danh từ với danh từ “year” (-“năm”) làm trung tâm, nhưng dịch sang tiếng Việt “chúc mừng năm mới” lại sử dụng cụm động từ với động từ “chúc mừng” để diễn đạt. Việc lược bớt tính từ quan trọng và sử dụng khác cấu trúc diễn đạt thì rõ ràng nghĩa tiếng Việt và nguyên gốc hoàn tòan không trùng khớp. Vì vậy, theo tôi, nếu dịch chính xác “Happy New Year” thì sẽ là “Năm mới hạnh phúc”.

 

Còn nếu nói “Chúc mừng năm mới” là do người Việt sáng tác thì tôi lại thấy chưa hợp lý. Vì, trong từ điển tiếng Việt, từ “chúc mừng” mang ý nghĩa chia vui, do đó:

 

-                      Nếu “chúc mừng” là danh từ, cấu trúc sẽ là  danh từ + “chúc mừng

Ví dụ: “Lời chúc mừng”, “điện hoa chúc mừng”,  “thư chúc mừng”

 

-                      Nếu chúc mừng là động từ, ta phải sử dụng cấu trúc

chúc mừng”+(đối tượng nhận lời chúc mừng )+(có/được)+lý do chúc mừng

để bày tỏ sự vui mừng và chia vui về một tin vui, một kết quả tốt, một thành tích nổi bật nào đó. Để nhận được lời chúc mừng này, đối tượng nhận lời chúc mừng phải có một quá trình phấn đấu, cố gắng rất nhiều. Do đó,  khi “chúc mừng” thì người nói cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với người nhận lời chúc mừng

 

Ví dụ               “chúc mừng (anh) (có) nhà mới”

“chúc mừng (em) (đã) đậu đại học

“ chúc mừng (chị) (được) tăng lương”

“chúc mừng (bạn) (được) học bổng”

“chúc mừng anh đã trở thành diễn viên nổi tiếng”

“chúc mừng bạn đã hoàn thành bài thi”

 

Với cấu trúc trên, chúng ta không thể nói “chúc mừng (anh) (có/được) năm mới” để chia vui, vui mừng được vì năm mới là sự nối tiếp, chuyển tiếp của thời gian, dù con người có tác động hay không thì thì “năm” vẫn “mới”.

Do đó, để thề hiện thái độ của người nói với một sự chuyển biến của thời gian thì sẽ là chào mừng hoặc mừng.

Ví dụ               “Chào mừng thập niên mới”

“ Chào mừng thế kỷ 21”

“Mừng năm mới”

 

Để chúc một điều gì đó tốt đẹp (trong tương lai) thì cấu trúc sẽ là

chúc+ (đối tượng nhận lời chúc mừng) +(có) + lời chúc

Trong đó, lời chúc sẽ là một cụm danh từ lớn được tạo thành bởi tính từ đóng vai trò bổ ngữ bổ nghĩa cho danh từ/cụm danh từ nhỏ.

 

Ví dụ:

“chúc + (anh/chị) + năm mới vui vẻ” thì “năm mới vui vẻ” là cụm danh từ lớn, được tạo bởi tính từ “vui vẻ” là bổ ngữ bổ nghĩa cho cụm danh từ  nhỏ“năm mới”

 

“chúc (anh/chị) trăm năm hạnh phúc” thì cụm danh từ lớn” trăm năm hạnh phúc” được tao bởi tính từ “hạnh phúc” là bổ ngữ bổ nghĩa cho cụm danh từ nhỏ “trăm năm”

 

“chúc (em) tuổi mới thành công” thì cụm danh từ lớn “ tuổi mới thành công” được tạo bởi tính từ “thành công” là bổ ngữ bổ nghĩa cho cụm danh từ nhỏ “tuổi mới”.

 

Tóm lại, để diễn đạt niềm vui khi đón chào một năm mới với những vận hội mới, tiếng Việt chúng ta sẽ dùng

“Chào mừng năm mới”

“Mừng năm mới”

“Chúc năm mới hạnh phúc”

“Năm mới hạnh phúc”

 

Trên đây là ý kiến cá nhân về cấu trúc “Chúc mừng năm mới” mà tôi thấy đa số người Việt chúng ta đang quen dùng. Nếu bạn nào có ý kiến trái ngược với tôi, tôi sẵn lòng nghe.

Chúc các bạn có một tuần làm việc hiệu quả (đố các bạn “một tuần làm việc hiệu quả là cụm danh từ hay câu????)

 

SG. 10.01.2011

Thu Hồng