1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Chúa đảo" muốn "vẽ lại" Hòn Ngọc Viễn Đông, chữ ký nghìn tỷ của Bộ trưởng bị làm giả

(Dân trí) - Sự kiện kinh tế nổi bật trong tuần là thông tin "Chúa đảo Tuần Châu" đề xuất xin 5% diện tích đất của TPHCM để làm đường và khu dự án phức hợp xứng tầm với một siêu dự án ven sông Sài Gòn song nhiều kẽ hở của đề xuất này đã bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vạch rõ. Một sự cố khác là Bộ KH&ĐT lần thứ 2 bị làm giả con dấu, Bộ trưởng bị làm giả chữ ký giải ngân tiền ngân sách...

Siêu dự án mong "vẽ lại" quy hoạch "Hòn Ngọc Viễn Đông"

Cuối tuần, một thông tin không chỉ khiến người dân TPHCM quan tâm mà còn thu hút sự chú ý của người dân cả nước là về một siêu dự án đổi đất lấy hạ tầng, đầu tư đường tại ven sông Sài Gòn của "Chúa đảo Tuần Châu" ông Đào Hồng Tuyển.

Siêu dự án ven sông Sài Gòn của ông chủ đảo Tuần Châu
Siêu dự án ven sông Sài Gòn của ông chủ đảo Tuần Châu

Mục tiêu của siêu dự án này là xây dựng lại một vùng ven sông Sài Gòn vốn hoang sơ, quy hoạch kém của huyện Củ Chi thành khu đô thị phức hợp với nhiều hạng mục giá trị cùng những con đường khang trang hiện đại cho TPHCM. Đề xuất táo bạo được ủng hộ bởi chính quyền địa phương, nhưng với sức vóc của một siêu dự án lấy 5% diện tích đất của "Hòn ngọc Viễn đông", trong lần tiếp xúc đầu tiên, Bộ KH&ĐT đã tỏ ra quan ngại vì nhiều vấn đề thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của nhà đầu tư và kẽ hở cho cơ chế quản lý.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề nghị nhà đầu tư bổ sung các nội dung còn thiếu như: Giấy tờ chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, kinh nghiệm thực hiện dự án cho phù hợp với quy định để các cơ quan có cơ sở thẩm định. Về cơ chế, phía Tuần Châu đề xuất được chỉ định thực hiện dự án theo cơ chế chỉ định thầu vì lý do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn.

Bộ KH&ĐT bác bỏ và cho biết: "Các thông tin Sở KH&ĐT cung cấp, dự án không thuộc cơ chế chỉ định thầu, do đó đề nghị tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án để đảm bảo dự án minh bạch, và có hiệu quả kinh tế".

Thịt lợn Việt vượt biển sang Hàn sau cơn vật vã "sân nhà"

Thông tin khá vui cho bà con chăn nuôi lợn tại Việt Nam là một doanh nghiệp (DN) Việt cho biết trong kế hoạch nửa năm nữa họ sẽ xuất được 2.000 tấn thịt lợn đầu tiên mang thương hiệu Việt sang thị trường Hàn Quốc.

Thịt lợn mong manh tia hy vọng vượt biển sang Hàn
Thịt lợn mong manh tia hy vọng vượt biển sang Hàn

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam được tổ chức vào sáng 20/10 tại Hà Nội, một DN chuyên về hoạt động xúc tiến xuất khẩu đã được phía Hàn Quốc cho phép làm các thủ tục xuất khẩu thịt lợn sang nước này. Dù chặng đường phía trước còn khá gian nan do vấn đề pháp lý liên quan đến thú y và kiểm dịch động vật từ phía Hàn Quốc nhưng họ tin rằng chỉ nửa năm nữa, hàng nghìn tấn thịt lợn Việt sẽ lên máy bay hoặc vượt biển sang Hàn Quốc.

Thông tin này hiện đang gây sự chú ý, thích thú và xen lẫn nỗi lo đối với người chăn nuôi lợn bởi suốt hơn 1 năm ròng, người nuôi lợn cả nước đã, đang và có thể sẽ phải vật lộn với cuộc đại khủng hoảng thừa của thịt lợn, xuống giá không phanh, nợ đầm đìa, lỗ thê thảm.

Niềm vui cùng với nỗi lo khi ngành chăn nuôi lợn nhiều nơi chưa theo chuẩn chăn nuôi sạch, hiện trạng sử dụng thuốc tăng trọng, thuốc tạo nạc vẫn còn... đây là những nguy cơ khiến những con lợn Việt bị xét kỹ và nếu vẫn giữ cung cách chăn nuôi "kém sạch" như hiện nay, rất có thể giấc mơ sang Hàn, thậm chí đi xa hơn sẽ khó đạt được.

Chữ ký nghìn tỷ bị làm giả, Bộ trưởng "kêu cứu" ngành công an

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã phát hiện một văn bản giả mạo chữ ký của Bộ trưởng, con dấu của bộ. Bộ này sau đó đã có văn bản gửi cơ quan của Bộ Công an đề nghị phối hợp điều tra, ngăn chặn hành vi lừa đảo và xử lý theo pháp luật.

Chữ ký và con dấu nghìn tỷ đồng của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT bị làm giả lần thứ 2
Chữ ký và con dấu nghìn tỷ đồng của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT bị làm giả lần thứ 2

Văn bản giả mạo Bộ KH&ĐT của đối tượng xấu liên quan đến quyết định cho Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh thuộc nhóm được phê duyệt “rải” ngân quý cuối năm 2017 bằng nguồn vốn Chính phủ cho các hạng mục xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị y tế tuyến địa phương nhằm giảm tải cho các bệnh viện trực thuộc tỉnh, thành phố trung tâm.

Sự cố tưởng chừng khó xảy ra khi con dấu một cơ quan Bộ và chữ ký của một vị Bộ trưởng nhiều quyền lực, có giá trị phê chuẩn dự án hàng nghìn tỷ đồng đã hơn 1 lần xảy ra và bị phát hiện trước đó. Điều này gây lo ngại lớn đối với người dân và khiến nhiều người đặt ra câu hỏi nếu không kịp thời phát hiện, ai sẽ lãnh chịu hậu quả của những phi vụ lừa đảo lớn nói trên.

13 tập đoàn “lỏng lẻo tài chính”, 23 địa phương “dùng sai” ngân sách

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa cho biết 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhiều tồn tại, sai sót, trong công tác quản lý tài chính, tài sản công.

Các tập đoàn, công ty Nhà nước yếu kém quản lý tài chính, địa phương vung tay chi sai ngân sách
Các tập đoàn, công ty Nhà nước yếu kém quản lý tài chính, địa phương vung tay chi sai ngân sách

Cụ thể, các DN này còn để phát sinh nợ phải thu khó đòi, hàng hóa tồn kho, mất phẩm chất với giá lớn; hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp. Giá trị các khoản đầu tư tài chính không đầy đủ hoặc bàn giao tài sản không đúng thực tế dẫn đến xác định thiếu giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa...

Cũng tại báo cáo trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã công bố những sai phạm của 23 địa phương sử dụng sai tiền ngân sách 1.200 tỷ đồng và tuyển biên chế vượt so với cấp thẩm quyền giao là trên 3.000 viên chức.

BT méo mó "đất vàng", đổi đất lấy hạ tầng biến tướng sai phạm

Ngoài những vấn đề về DN Nhà nước, chi ngân sách nghìn tỷ của địa phương, Kiểm toán Nhà nước vừa cảnh báo những kẽ hở về quản lý đất đai, biến tướng sử dụng đất đai và chất lượng các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) theo cơ chế: đổi đất lấy hạ tầng mà Nhà nước đang cho các DN thực hiện.

Theo đó, nhiều DN đổi đất lấy hạ tầng nhưng việc quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đấu thầu dự án chưa rõ ràng, đa số dự dự án làm đường là chỉ định thầu do chủ đầu tư chỉ định khiến lo ngại hiệu quả chất lượng, giá công trình cao và tiến độ bàn giao chậm.

Các dự án BT đang thể hiện nhiều hạn chế, yếu kém
Các dự án BT đang thể hiện nhiều hạn chế, yếu kém

Đặc biệt, chính sách "làm đường được phân đất" đã và đang nảy sinh tiêu cực khi các DN xin đổi lấy các khu đất vàng, giá đất đắt đỏ giá trị cao hơn hẳn so với công trình làm cho Nhà nước, có hiện tượng chủ đầu tư triển khai xây dựng và tiến độ dự án ở nơi được "phân đất" nhanh hơn tiến độ nơi làm đường.

Kiểm toán Nhà nước cho biết: Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có công bố nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Do đó, không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý.

12 ô tô công bị "quên" thanh lý ngót một năm

Kết luận buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai với các cơ quan của bộ này mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, các đơn vị thuộc Bộ còn tồn tại, hạn chế.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế sau gần 1 năm được chỉ đạo thanh lý toàn bộ 12/151 chiếc xe ô tô công sử dụng mục đích chung song đến thời điểm hiện tại, số xe trên vẫn chưa được hoàn thành thanh lý, nộp ngân sách, quyết toán.

Tổng cục Thuế delay thanh lý 12 xe công gần 1 năm ròng
Tổng cục Thuế "delay" thanh lý 12 xe công gần 1 năm ròng

Chỉ đạo về việc này, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị, hệ thống thuộc bộ khẩn trương tổ chức triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nội dung kết luận, kiến nghị của bộ về công tác quyết toán ngân sách năm 2016, đảm bảo hoàn thành xử lý trước ngày 15/11/2017 đối với những nội dung còn tồn tại, thiếu sót để báo cáo lãnh đạo Bộ.

Cấp thiết làm cao tốc Bắc - Nam ngay từ năm 2017

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải mới đây đã có “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020” trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư với việc ưu tiên làm trước 713 km đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Cấp thiết làm cao tốc để giải toả áp lực vận tải bắc nam
Cấp thiết làm cao tốc để giải toả áp lực vận tải bắc nam

Theo Bộ GTVT, tính đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn từ năm 2017 - 2020: Đầu tư và đưa vào khai thác một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam gồm Nam Định (Cao Bồ) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt), Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên Huế (La Sơn), Đồng Nai (Dầu Giây) - Khánh Hòa (Nha Trang) với tổng chiều dài khoảng 713 km đi qua 12 tỉnh, thành phố.

Nguyễn Tuyền
(Tổng hợp)