1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Căng thẳng Triều Tiên và nguy cơ bùng phát chiến tranh lạnh tại châu Á

(Dân trí) - Căng thẳng leo thang giữa Washington và Bình Nhưỡng đang đẩy những nền kinh tế hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vào “mớ bòng bong” của những mâu thuẫn âm ỉ và có nguy cơ bùng phát trở thành chiến tranh lạnh trên toàn khu vực.


Vụ phóng tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên (Ảnh: Express)

Vụ phóng tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên (Ảnh: Express)

Gần 70 năm sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, thế giới lại một lần nữa chứng kiến căng thẳng leo thang tại khu vực này với 2 nhân vật chính là Washington và Bình Nhưỡng. Trong khi Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt và đe dọa sẽ tấn công phủ đầu Triều Tiên thì Bình Nhưỡng đáp trả lại bằng những vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân với mức độ khiêu khích ngày càng cao.

Bị đe dọa trực tiếp khi nằm ngay sát khu vực tranh chấp, Nhật Bản dĩ nhiên không thể im lặng. Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe buộc phải nghĩ tới những giải pháp quân sự để tự bảo vệ mình.

Căng thẳng trên khu vực bán đảo Triều Tiên đã đẩy Trung Quốc vào vị thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, Bắc Kinh đã nhiều lần lên án Bình Nhưỡng về những hành động khiêu khích và đã đồng ý thực hiện lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Triều Tiên. Mặt khác, Trung Quốc lại không hề mong muốn chiến tranh nổ ra cũng như việc lật đổ chế độ ở Triều Tiên.

Điều mà Trung Quốc không bao giờ mong muốn là việc khủng hoảng nhân đạo tại biên giới Trung - Triều do hàng loạt người Triều Tiên sẽ tràn sang nước này cũng như viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên hợp nhất chịu ảnh hưởng của Mỹ.

Ngược lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc cho Triều Tiên một con đường sống và “tiếp tay” bằng những sự trợ giúp về kinh tế. Kịch bản chiến tranh lạnh diễn ra nhiều năm về trước nay có thể lặp lại tại khu vực năng động hàng đầu thế giới thời điểm hiện tại với 2 chiến tuyến là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Trung Quốc và Mỹ ở 2 đầu chiến tuyến.

Những mối quan hệ căng thẳng

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)

Trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc phần nào bị tổn hại. Mâu thuẫn bùng phát từ khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đồng ý để Mỹ mang hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD triển khai tại Hàn Quốc. Phía Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng hệ thống này có thể tạo ra mối nguy hại tiềm tàng cho Bắc Kinh trong khi phía Hàn Quốc lại nói rằng đó chỉ là biện pháp phòng thủ với mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

Để trừng phạt, Trung Quốc đã “đẩy” các công ty Hàn Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng và thị trường của nước này, cũng như ban hành lệnh cấm 8 triệu du khách tới du lịch Hàn Quốc mỗi năm.

Điều đáng nói là trước khi tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, mối quan hệ hai nước đã từng nồng ấm. Bà Park đã nhiều lần công du Trung Quốc và luôn coi trọng mối quan hệ song phương hợp tác giữa 2 bên. Trong chuyến thăm cấp cao Hàn Quốc năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn nhấn mạnh quan hệ Trung - Hàn gắn kết trong quá khứ.

Đến thời kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, một người đi theo đường lối ôn hòa, ông Moon lựa chọn phương án đối thoại trực tiếp với Triều Tiên và cực lực phản đối việc triển khai THAAD từ khi còn trong chiến dịch tranh cử. Chính điều này đã gây ra sự xa cách giữa 2 quốc gia đồng minh thân thiết Mỹ - Hàn.

Trong những tháng gần đây, Hàn Quốc bày tỏ sự bất an về chính sách và chiến lược của Mỹ với vấn đề Triều Tiên. Trong khi một mặt Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi đàm phán tại khu vực tranh chấp, hay Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis luôn cảnh báo hậu quả nếu Mỹ thực hiện đánh phủ đầu Triều Tiên thì mặt khác Tổng thống Trump lại luôn đưa ra những thông điệp đe dọa Bình Nhưỡng.

Giải pháp nào cho tình hình Triều Tiên?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Times)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Times)

Từ góc nhìn của chính quyền ông Moon, Mỹ đang thêm dầu vào lửa trong bối cảnh căng thẳng quân sự có thể dễ dàng bùng phát bất cứ lúc nào. Hồi giữa tháng 8, ông Moon đã từng tuyên bố: “Mọi hành vi quân sự trên bán đảo Triều Tiên cần có sự đồng ý của Hàn Quốc và không bên nào có thể tự quyết được điều đó mà không có sự cho phép của Hàn Quốc”.

Seoul cho rằng giải pháp cho tình hình Triều Tiên chính là xuống thang căng thẳng giữa các bên cũng như tận dụng sự hỗ trợ về mặt ngoại giao của Trung Quốc với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đến năm 2020. Chính quyền Tổng thống Moon sẵn sàng cung cấp ưu đãi về thương mại và đầu tư để đổi lấy một người láng giềng ít thù địch và thất thường hơn trên bán đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia và nhà lịch sử học như ông Bruce Cumings cho rằng biện pháp hiệu quả duy nhất tại bán đảo Triều Tiên là đối thoại trực tiếp. Điều này đã từng giúp phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên 1 thời gian dài từ năm 1994 đến 2002. Những biện pháp khác hoặc là thất bại hoặc chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Triều Tiên lại bắt đầu tăng tần suất thử tên lửa và vũ khí hạt nhân và điều này tạo áp lực khiến Hàn Quốc nghĩ tới biện pháp mạnh tay hơn. Cụ thể, Hàn Quốc đã cho phép Mỹ triển khai tiếp 4 bệ phóng THAAD, tập trung phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo, tham gia tập trân chung với đồng minh thậm chí cân nhắc cho Mỹ mang các vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại Hàn Quốc sau hơn 20 năm.

Trái ngược với cam kết ban đầu khi tranh cử, chính quyền Tổng thống Moon giờ đang suy nghĩ về việc tấn công những cơ sở hạt nhân Triều Tiên hay ngay cả việc lật đổ chế độ Triều Tiên nếu cần. Hy vọng của ông là áp lực ngoại giao và quân sự lớn hơn có thể khiến Bình Nhưỡng “buông tay”.

Các chuyên gia nhận định, căng thẳng gia tăng giữa các bên liên quan cùng Mỹ sẽ có thể châm ngòi cho sự bùng phát cuộc chiến tranh lạnh tại châu Á.

Đức Hoàng

Theo SCMP