Cán bộ giao thông trách mắng dân tự vá đường: Tổng cục Đường bộ lên tiếng

(Dân trí) - Trước việc người dân tự sửa quốc lộ 70 (QL70) đoạn qua địa bàn tỉnh Lào Cai, sau đó bị cán bộ của đơn vị quản lý đường tìm gặp tra hỏi, xưng “mày tao”... gây bức xúc dư luận, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận đó biểu hiện thiếu tôn trọng nhân dân.

Trước đó, chiều ngày 18/7, ông Hoàng Văn Thỏa (là công nhân Công ty cổ phần Quản lý đường bộ 242, đã nghỉ hưu) sau khi đổ mái nhà thừa bê tông đã mang ra vá vào vị trí ổ gà rộng 1 x 1 m tại Km 173+900, với mục đích đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).

Thấy hành động đẹp, một người dân trong khu vực đã quay lại và đưa lên Facebook.

Đáng nói là ngay sáng ngày 19/7, đại diện Chi cục Quản lý đường bộ I.3 và Đội quản lý đường bộ I.3-3, đã đến làm việc với ông Thỏa về việc “dám tự ý” sửa chữa đường, rồi còn quay phim chụp ảnh đưa lên Facebook. Trong quá trình làm việc với ông Thỏa, các cán bộ này đã gọi ông là “mày”.


Hình ảnh ông Thỏa tự vá ổ gà trên đường (ảnh: Facebook)

Hình ảnh ông Thỏa tự vá ổ gà trên đường (ảnh: Facebook)

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Tổng Cục Đường bộ cho hay, bước đầu xác định thông tin trong khi trao đổi với người dân của các cán bộ thuộc Chi cục Quản lý đường bộ I.3 chưa đúng tác phong, không phù hợp với đạo đức, tác phong cán bộ khi tiếp xúc với nhân dân, đặc biệt chưa thấm nhuần và thực hiện của ngành về “4 xin, 4 luôn”.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng cho rằng, việc người dân đưa ảnh tự sửa đường lên mạng xã hội không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, không gây nguy hại văn hóa và đến nay chưa có quy định cấm, nhưng cán bộ công chức đến trao đổi, có ý truy hỏi là không phù hợp.

“Cán bộ đơn vị quản lý đường bộ chưa thực hiện được nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt chính sách pháp luật về đường bộ, kể cả giải thích tuyên truyền. Đối với người dân, trường hợp phát hiện hư hỏng trên đường cần thông báo cho cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền hoặc Cảnh sát giao thông để có biện pháp xử lý, thay cho việc tự sửa chữa ổ gà. Dù thể hiện tinh thần tốt nhưng không nên vì sẽ nguy hiểm cho bản thân người sửa và người khác tham gia giao thông, chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ” - lãnh đạo Tổng cục cho biết.

Lãnh đạo Tổng cục cũng nhìn nhận, công tác quản lý tuyến đường còn tồn tại hạn chế nhưng chưa quyết liệt chỉ đạo, bảo dưỡng và sửa chữa tuyến đường. Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng đường bộ chưa thực hiện đầy đủ công tác tuần đường để phát hiện kịp thời các phát sinh hư hỏng trên đường, chậm trễ thực hiện rà soát và sửa chữa theo chỉ đạo của Chi cục I.3.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đường bộ I kiểm tra, báo cáo và có biện pháp, hình thức xử lý tổ chức, cá nhân có vi phạm trong công tác, xử lý nhà thầu quản lý bảo dưỡng đường bộ. Đồng thời, phải có biện pháp chấn chỉnh nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân và biểu dương kịp thời các hành động đẹp, đúng pháp luật trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, phòng chống tai nạn giao thông” - lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh