1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Cấm cửa” vàng và ngoại tệ

Trong trường hợp được thông qua, quy định mới về hoạt động uỷ thác của NHNN sẽ không cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) uỷ thác cho vay vàng và ngoại tệ vì vàng và ngoại tệ cần được kiểm soát chặt chẽ.

Nếu được thông qua, NHNN sẽ không cho phép các tổ chức tín dụng uỷ thác cho vay vàng và ngoại tệ.
Nếu được thông qua, NHNN sẽ không cho phép các tổ chức tín dụng uỷ thác cho vay vàng và ngoại tệ.
 
NHNN vừa chính thức công bố bản dự thảo thông tư quy định hoạt động uỷ thác và nhận uỷ thác của TCTD, vốn được xây dựng với mục đích đưa ra một quy định chung và đầy đủ nhất về hoạt động này. Thực tế từ năm 2006 đến nay, cơ quan này từng ban hành hai thông tư (số 05/2006 và 04/2012) quy định về nghiệp vụ nhận uỷ thác, uỷ thác cũng như các hoạt động liên quan.

Song NHNN cho rằng, những quy định tại hai thông tư nói trên còn chung chung và chưa đầy đủ. Với dự thảo thông tư mới, các NHTM sẽ chỉ được uỷ thác, nhận uỷ thác cho vay và mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN. Đối với hoạt động kinh doanh vàng và kinh doanh ngoại hối cần kiểm soát chặt chẽ và khi thực hiện phải được sự chấp thuận của NHNN, theo đó các NHTM sẽ không được thực hiện uỷ thác trong hoạt động này.

Dù quy định cụ thể các TCTD được uỷ thác cho vay, uỷ thác cho thuê tài chính, uỷ thác mua trái phiếu và uỷ thác đầu tư (đầu tư vào dự án sản xuất kinh doanh), dự thảo không cho phép các NHTM được uỷ thác, nhận uỷ thác để mua cổ phiếu, góp vốn. Việc này, theo đánh giá của cơ quan thanh tra giám sát NHNN, sẽ hạn chế việc các NHTM uỷ thác để thôn tính lẫn nhau.

Việc uỷ thác, nhận uỷ thác để thực hiện một hoặc một số hoạt động NH sẽ chỉ được thực hiện khi bên uỷ thác, bên nhận uỷ thác đều được phép thực hiện hoạt động đó. Theo quan điểm của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, nguyên tắc này nhằm để đảm bảo việc uỷ thác, nhận uỷ thác chỉ được thực hiện đối với đối tượng được làm nghiệp vụ đó theo quy định của pháp luật.

Để hạn chế việc các NH lạm dụng vốn uỷ thác, sử dụng sai mục đích uỷ thác và tránh hiện tượng bên uỷ thác, bên nhận uỷ thác câu kết làm trái các quy định, bên nhận uỷ thác sẽ không được sử dụng vốn uỷ thác trái với mục đích. Bên nhận uỷ thác theo đó sẽ phải toán ngoại bảng để theo dõi. Bên uỷ thác là TCTD cũng phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với số dư uỷ thác theo quy định của pháp luật. Có nghĩa các TCTD phải xem khoản uỷ thác là các khoản vay và trích lập dự phòng đúng quy định.

Theo đánh giá của NHNN, do đặc thù nghiệp vụ uỷ thác vừa mang tính chất của công cụ huy động vốn và công cụ cho vay nên thông tư phải đảm bảo mục tiêu quản lý chặt chẽ hoạt động nhận uỷ thác và uỷ thác của TCTD. Nhắm đến hạn chế và kiểm soát vi phạm các quy định của pháp luật về giới hạn tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, lãi suất, quy định về hoạt động trên thị trường liên NH, cho vay đầu tư kinh doanh CK cũng như các giới hạn đảm bảo an toàn khác.

Trong một báo cáo phân tích được CK Bản Việt (VCSC) đưa ra ngay sau khi NHNN công bố bản dự thảo, nhóm phân tích của VCSC nhận định, các hoạt động uỷ thác ngày càng trở nên phổ biến đối với các NH và được sử dụng như một công cụ cung cấp tín dụng cho các lĩnh vực không được khuyến khích hoặc cho các DN có liên quan với các NH.

Báo cáo do quyền Giám đốc Vũ Thanh Tú đứng tên dẫn ví dụ NH TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (hiện đã được hợp nhất vào SCB) từng uỷ thác 8.000 tỉ đồng cho CTCP quản lý quỹ ĐTCK Thái Dương để đầu tư vào ba Cty BĐS. Vào thời điểm của uỷ thác này, theo VCSC, (nhằm) tránh việc siết chặt van tín dụng cho BĐS và điều này gián tiếp liên quan đến NH. “Đây là một ví dụ minh họa rất rõ mục đích của dự thảo là siết chặt hơn nữa đối với hoạt động uỷ thác nhằm tránh những trường hợp tương tự” – báo cáo phân tích viết.

Thực tế thời gian qua đã xuất hiện không ít những cảnh báo đối với hoạt động uỷ thác đầu tư của một số NHTM, đặc biệt khi các NH uỷ thác đầu tư vào nhiều lĩnh vực mạo hiểm và có rủi ro lớn như CK và BĐS.    
 

Theo Văn Nguyễn

Lao động