1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Ca khúc “Màu hoa đỏ” bị cấm hát, Trọng Tấn và Tùng Dương nói gì?

(Dân trí) - Thông tin ca khúc bất hủ về người lính, được nhiều thế hệ khán giả yêu thích “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến có tên trong danh sách 345 bài hát không được phép lưu hành và phổ biến khiến ca sĩ Trọng Tấn, Tùng Dương không khỏi bất ngờ và cho rằng “chắc chắn có sự nhầm lẫn”…

Thanh Lam hát "Màu hoa đỏ".

Dư luận đang xôn xao trước thông tin ca khúc “Màu hoa đỏ” xuất hiện trong công văn số 120/SVHTTDL-Tr của Sở VH,TT&DL tỉnh Tiền Giang ban hành ngày 7/2/2017 có nội dung đề nghị phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung cho phép lưu hành và phổ biến theo quy định của pháp luật.

Trong văn bản, chú thích ca khúc nhạc đỏ này “chưa được phê duyệt nội dung và cho phép lưu hành, cấm phổ biến”.

Ca khúc “Màu hoa đỏ” được cố nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác vào năm 1991, phổ nhạc từ bài thơ “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Đây là một trong những ca khúc cách mạng được rất nhiều thế hệ khán giả yêu thích và từng được thể hiện bởi các nghệ sĩ như Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương và con gái cố nhạc sĩ Thuận Yến, ca sĩ Thanh Lam…

Trọng Tấn- Tùng Dương từng thể hiện thành công Màu hoa đỏ. Hai nghệ sĩ bất ngờ trước lệnh cấm của Sở VH,TT&DL tỉnh Tiền Giang...
Trọng Tấn- Tùng Dương từng thể hiện thành công "Màu hoa đỏ". Hai nghệ sĩ bất ngờ trước "lệnh cấm" của Sở VH,TT&DL tỉnh Tiền Giang...

Mới đây, Cục Nghệ thuật Biểu diễn bất ngờ ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc được sáng tác trước năm 1975 bao gồm: “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).

Trước thông tin ca khúc “Màu hoa đỏ” bị lưu hành và phổ biến, ca sĩ Trọng Tấn không khỏi bất ngờ. “Tôi tin là có sự nhầm lẫn ở đây. Và nếu có sự nhầm lẫn thì cần phải rà soát lại xem ở khâu nào, do lỗi đánh máy hay nhầm lẫn với một ca khúc khác tên na ná như thế. Nếu “Màu hoa đỏ” bị cấm hát ở Tiền Giang thì đây là vấn đề quản lý văn hóa” và chúng ta chờ đợi sự lên tiếng, phản hồi trước thông tin này từ các cấp quản lý cao hơn như Bộ VH,TT&DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn…

Nếu phía Bộ, Cục cũng đồng quan điểm với Sở VH,TT&DL tỉnh Tiền Giang thì tôi nghĩ chắc chắn sẽ gây lên làn sóng mạnh mẽ trong dư luận vì “Màu hoa đỏ” không chỉ là ca khúc nổi tiếng mà còn là ca khúc được rất nhiều khán giả yêu thích”, ca sĩ Trọng Tấn nói.

Nhắc đến ca khúc gắn bó trong sự nghiệp ca hát, Trọng Tấn trải lòng: “Đây là ca khúc không chỉ hay về mặt văn học mà rất hay về âm nhạc. Ca khúc được với với cảm xúc bi thương, tinh thần tha thiết, với hình ảnh vừa giản dị vừa xúc động về người lính. Mỗi khi thể hiện “Màu hoa đỏ”, tôi thấm thía sự mất mát để đổi lấy tự do, độc lập cho dân tộc. Mỗi khi ngân lên: “…Việt Nam ơi ! Việt Nam ! Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con/ Việt Nam ơi ! Việt Nam ! Ngọn núi nơi anh ngã xuống…” tôi không kìm nén được sự xúc động, bi tráng…

“Mùa hoa đỏ” là môt trong những ca khúc tôi hát đầu tiên. Đây cũng là ca khúc tôi lấy làm tên album “Màu hoa đỏ” ra mắt năm 2000, sau khi nhận giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999. Album này ra mắt trước album “Tiếng đàn bầu” gần một năm…””.

Thanh Lam hát ca khúc Màu hoa đỏ khiến nhiều khán giả xúc động (Ảnh: Mai Châm)
Thanh Lam hát ca khúc "Màu hoa đỏ" khiến nhiều khán giả xúc động (Ảnh: Mai Châm)

Cũng bất ngờ giống Trọng Tấn là cảm xúc của Tùng Dương khi nghe thông tin ca khúc “Màu hoa đỏ” bị Sở VH,TT&DL tỉnh Tiền Giang cấm lưu hành và phổ biến. “Ở đây có sự nhầm lẫn trong khâu thẩm định chăng? Theo tôi nghĩ, có thể ca khúc “Màu hoa đỏ” rất quen thuộc, được phổ biến rộng rãi và được nhiều người biết đến, nhiều nhất là ở miền Bắc. Có thể ở khu vực miền Tây, người dân quen hát các sáng tác của các nhạc sĩ Sài Gòn hơn, vì ca từ gần gũi với đời sống người dân nơi đây. Có lẽ vì thế nên cơ quan quản lý văn hóa nơi đây đã có sự nhầm lẫn trong việc thẩm định? Theo tôi, không có lý do gì để cấm ca khúc cách mạng này”, Tùng Dương bày tỏ.

Theo ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ thể hiện thành công nhất, người thực sự làm rực lên “màu hoa đỏ” là chị Thanh Lam, con gái cố nhạc sĩ Thuận Yến. “Màu hoa đỏ” gắn liền với tên tuổi của Thanh Lam cũng như gắn bó với đời sống gia đình cố nhạc sĩ. Anh nói: “Tôi đã biểu diễn ca khúc “Màu hoa đỏ” và rất thích ca khúc này. Cá nhân tôi cho rằng, “Màu hoa đỏ” là ca khúc bất hủ, là một trong những ca khúc hay nhất về đề tài người lính. Hiện tại, chúng ta nên chờ xem trước phản ứng từ dư luận thì Sở VH,TT&DL Tiền Giang cũng như các cấp quản lý văn hóa cao hơn sẽ nói sao về quyết định cấm lưu hành và phổ biến ca khúc này…”

Tùng Dương hát "Màu hoa đỏ".

Nguyễn Hằng