Bộ Y tế vào cuộc “vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin”

(Dân trí) - Ngày 21/7, trong chuyến công tác tại Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến Quảng Trị tìm hiểu nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B.

Đoàn công tác của Bộ Y tế gồm đại diện hội đồng chuyên môn, chương trình tiêm chủng quốc gia sẽ có mặt tại Quảng Trị trong chiều 21/7 và có cuộc họp với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị.
 
Bà con hàng xóm, người thân tới động viên, thắp hương chia buồn cùng gia đình sản phụ Trần Thị Hà

Bà con hàng xóm, người thân tới động viên, thắp hương chia buồn cùng gia đình sản phụ Trần Thị Hà

 

Về phía tỉnh Quảng Trị, sáng ngày hôm nay 21/7, đại diện Sở Y tỉnh, UBND huyện Hướng Hóa, Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa đã tới chia buồn, động viên gia đình các nạn nhân và hỗ trợ 8 triệu đồng cho mỗi gia đình có trẻ bị tử vong.

 

Về phía gia đình các nạn nhân, họ chỉ mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân và không bao giờ để lặp lại sự việc đau thương này. Sản phụ Trần Thị Hà (40 tuổi, trú tại khóm 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) đã được gia đình đưa về nhà ngay trong chiều qua (20/7) trong tình trạng sức khỏe yếu, tinh thần hoảng loạn. “Từ hôm qua tới hôm nay, gia đình động viên nhiều nhưng Hà không ăn uống gì. Nó chỉ kêu gào đòi con”, bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ của sản phụ Trần Thị Hà cho biết. Con gái chị Hà đã được gia đình chôn cất ngay trong chiều hôm qua 20/7.
 
 
Chồng sản phụ Trần Thị Hà thẫn thờ cầm tờ giấy ghi tên con là: Nguyễn Trần Bảo Ân

Chồng sản phụ Trần Thị Hà thẫn thờ cầm tờ giấy ghi tên con là: Nguyễn Trần Bảo Ân

 

Còn trường hợp anh Nguyễn Đình Đạo, chồng sản phụ Nguyễn Thị Nga (trú khóm Đông Chính, thị trấn Lao Bảo) phải đưa con về quê nội tận huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế mai táng.

 

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã hoàn tất công tác khám nghiệm tử thi 3 trẻ sơ sinh và phải mất một thời gian nữa Cục kỹ thuật Hình sự (Bộ Công an) phân tích mới làm sáng tỏ nguyên nhân.

 
Như vậy, đây là lần thứ 2 xuất hiện chùm ca tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B. Trước đó, năm 2007, tại Việt Nam cũng xảy ra một loạt các ca tai biến ở trẻ sơ sinh sau tiêm vắc xin viêm gan B. Thời điểm đó, Việt Nam cũng đã tạm dừng sử dụng vắc xin viêm gan B trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ sơ sinh để điều tra nguyên nhân.

Sau quá trình điều tra, Bộ Y tế cũng đã họp báo, khẳng định những trường hợp tử vong này không liên quan đến chất lượng vắc xin. Như hai bé sơ sinh tử vong ở Hà Tĩnh nhiều khả năng là do sốc phản vệ; còn bé sơ sinh tử vong ở TPHCM theo kết quả giải phẫu tử thi là do nhồi máu cơ tim…

Dù kết quả điều tra khẳng định nguyên nhân tử vong không liên quan đến vắc xin viêm gan B, nhưng sau giai đoạn này, không chỉ các gia đình sợ, từ chối cho con tiêm vắc xin ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh mà ngay tại một số bệnh viện cũng ngừng hoạt động tiêm chủng tại BV. Hậu quả là tỉ lệ tiêm ngừa vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh giảm nhanh, năm 2005, tỉ lệ này đạt hơn 60% nhưng đến năm 2011, con số này chỉ đạt gần 20%.

Liên quan đến các trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin, một chuyên gia về vắc xin đánh giá, vắc xin ngừa viêm gan B là một vắc xin lành tính, tỷ lệ tai biến nặng, tử vong rất thấp. Việc xảy ra cùng lúc 3 trẻ tại một nơi cùng bị tử vong vì sốc phản vệ sau tiêm viêm gan B là rất hiếm. Phản ứng nặng gây tử vong sau tiêm có thể do 4 nguyên nhân như do vắc xin, sai sót trong tiêm chủng, trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh tật có sẵn của trẻ và phản ứng sau tiêm.

Theo GS. TS Nguyễn Văn Mẫn, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vắc xin sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), việc 3 trẻ gặp tai biến sau tiêm vắc xin tại cùng một nơi, cùng một lô vắc xin là vấn đề đáng lo lắng, khác với những tai biến diễn ra rải rác ở các địa phương khác nhau. Tuy nhiên, để tìm hiểu được nguyên nhân cần phải có thời gian rà soát lại tất cả các quy trình tiêm chủng, xét nghiệm vắc xin…

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), việc tiêm phòng cho trẻ là cần thiết. Nhưng với lứa tuổi sơ sinh, cần phải thận trọng và thăm khám kỹ càng cho trẻ trước khi tiêm. Vì nếu tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, lại đúng trường hợp trẻ có bệnh lý kèm theo mà không được phát hiện thì rất nguy hiểm cho trẻ.

Tại Việt Nam, vắc xin viêm gan B được đưa vào chương trình TCMR từ năm 2003. Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đủ 3 mũi cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 90% nhưng tỉ lệ trẻ sơ sinh được tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh chỉ đạt dưới 30%.

Năm 2007, 2008 và năm 2010 tỷ lệ này đạt dưới 30%. Có nhiều nguyên nhân khách quan về mặt xã hội và sự chấp nhận của người dân. Bên cạnh đó công tác quản lý điều hành TCMR được từng bước nâng cao, cách thức đưa dịch vụ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cũng được thay đổi.

Trong năm 2010, chương trình TCMR triển khai cuộc điều tra “Đánh giá hiệu quả của tiêm chủng vắc xin viêm gan B giai đoạn 2000 - 2008” thông qua xác định tỷ lệ nhiễm HbsAg ở trẻ em Việt Nam, với hơn 7.000 trẻ sơ sinh trong giai đoạn này cho thấy việc có tiêm vắc xin giảm đáng kể tỷ lệ trẻ mang HbsAg so với nhóm trẻ không được tiêm. Ngoài ra, việc tiêm vắc xin đủ ba mũi cơ bản đã hạ thấp đáng kể tỉ lệ trẻ mang vi rút viêm gan B so với nhóm trẻ chưa tiêm đủ mũi.

Kết quả điều tra cũng thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh vòng vòng 24h giúp làm giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em Việt Nam. Nguy cơ nhiễm HbsAg ở nhóm được tiêm chủng sau 7 ngày sơ sinh cao hơn rõ rệt so với nhóm được tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh.

Nguyễn Tuấn - Hồng Hải