Bộ Nội vụ thiết kế bộ lọc “thạc sĩ giấy, tiến sĩ giấy”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, cán bộ xuất sắc thuộc đối tượng thu hút nhân tài rất đông, trong đó có cả “thạc sỹ giấy, tiến sĩ giấy”. Do vây, bộ này đã thiết kế “bộ lọc” để không để lọt những người không thực sự là xuất sắc vào bộ máy hành chính.

Chiều 20/8, tại buổi họp báo thường kỳ, Bộ Nội vụ nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách thu hút nhân tài và đánh giá quá trình sắp xếp lại bộ máy của Bộ Công an theo hướng bỏ cấp Tổng cục.

“Đào tạo từ xa cũng… thạc sĩ, với tiến sĩ”

Tại buổi họp báo, Bộ Nội vụ cũng được đề nghị nêu quan điểm liên quan đến bổ nhiệm lãnh đạo, cụ thể trường hợp của Phó Giám đốc Sở ngoại vụ Bình Định được dư luận phản ánh thời gian qua.

Làm rõ vấn đề trên, ông Trương Hải Long – Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức cho biết, trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện Bộ Nội vụ sẽ đề xuất cho Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xử lý, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Theo ông Long, qua vụ việc có dư luận về việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Bình Định, bản thân Ban thường vụ tỉnh Bình Định và tỉnh đã có những biện pháp để tổ chức kiểm tra ngay, nếu phát hiện sai phạm thì theo thẩm quyền xử lý, Ban thường vụ tỉnh sẽ xử lý theo thẩm quyền.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng có nhiều thạc sĩ giấy, tiến sĩ giấy

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng có nhiều "thạc sĩ giấy, tiến sĩ giấy"

“Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan tham mưu chính, quản lý chung chúng tôi đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo giao các Bộ ngành địa phương thực hiện, qua theo dõi. Trên cơ sở kết quả báo cáo của Bình Định nếu chưa phù hợp thù chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định”, ông Long nói.

Về câu hỏi có lợi dụng chính sách thu hút cán bộ trẻ để bổ nhiệm người thân, ông Long cho biết, quan điểm chung là công tác cán bộ giai đoạn hiện nay, tất cả cấp ủy Đảng và các cơ quan phải thực hiện nghiêm quy định.

Giải đáp thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, vừa qua, Chính phủ ra Nghị định 140 về chính sách thu hút sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ... Khi thiết kế ban hành nghị định này, Bộ Nội vụ tham mưu để thu hút thực sự được người tài.

Bộ Nội vụ đưa ra mục tiêu thu hút đối tượng này phải xuất sắc, phải trong độ tuổi trẻ, là tiến sĩ hoặc thạc sĩ. “Tuy nhiên, đội hình này rất đông, nhiều đồng chí tiến sĩ giấy, thạc sĩ giấy, nhiều loại hình đào tạo, từ xa, không tập trung cũng tiến sĩ, với thạc sĩ. Do vậy, “bộ lọc” thứ hai là phải có bài báo ở nước ngoài. Thứ nữa, đã là người tài, khi học phổ thông trung học phải được từ giải 3 trở lên...”, ông Thừa nói thêm.

Theo ông Thừa với những người đáp ứng đủ điều kiện được ưu tiên tuyển dụng thẳng, không phải thi; về chế độ, khi ra trường được hưởng ngay bằng lương của chuyên viên chính bậc 1, tiến sĩ thì bậc 2...

“Những quy định đó để cố gắng sàng lọc không bị “cài cắm” người, lựa chọn những người không thực sự là xuất sắc. Chính sách này tuy đã được rà soát kỹ rồi nhưng cũng mong quá trình thực hiện, đặc biệt là năm đầu tiên chúng tôi sẽ có những sơ kết đánh giá”, ông Thừa nêu rõ.

Đến 2021, Bộ Công an không còn vượt cấp phó trong các cục

Thứ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, sáp nhập rất khó, bên cạnh cái được rất lớn thì khi sắp xếp cũng có thời kỳ quá độ, đặc biệt là chính sách về cán bộ bởi trong công tác cán bộ của chúng ta là một quá trình phấn đấu, học tập, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng lâu dài.

Để làm rõ hơn vấn đề báo chí nêu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Vụ Tổ chức biên chế (cơ quan tham gia trực tiếp vào đề án của Bộ Công an) thông tin thêm.


Bà Đào Thị Hồng Minh, Vụ phó Vụ Tổ chức biên chế

Bà Đào Thị Hồng Minh, Vụ phó Vụ Tổ chức biên chế

Theo bà Đào Thị Hồng Minh, Vụ phó Vụ Tổ chức biên chế cho biết, thực hiện nghị quyết 18 Trung ương 6 và kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, Bộ Công an là một trong những Bộ đi đầu trong việc xây dựng sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả. Bộ Công an đã trình Bộ Chính trị thông qua và Bộ Chính trị đã cho chủ trương, đồng ý bỏ Tổng cục thuộc Bộ Công an.

Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 01 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an theo hướng bỏ 6 Tổng cục (trong đó 96 cục). Cùng với đó, thành lập thêm một số Cục thuộc Bộ.

“Đương nhiên khi sắp xếp lại thì số lượng cấp phó sẽ cao hơn so với quy định. Tuy nhiên, việc này đã được Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo, theo đó, số lượng cấp phó trong các Cục của Bộ Công an có thể cao hơn so với quy định nhưng đến 2021, sau khi triển khai thực hiện phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Việc này Bộ Công an cũng đã cam kết thực hiện”, bà Minh nói.

Quang Phong