Bộ GTVT dự tính chi hơn 10.000 tỷ đồng xây dựng trụ sở

(Dân trí) - 223.790 tỷ đồng là tổng kinh phí dự tính trong Đề án Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt hồi tháng 4 vừa qua, trong đó tiền xây dựng trụ sở làm việc là 10.988 tỷ đồng.

Trong bản Đề án dài gần 50 trang kèm theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thể hiện quan điểm thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) nhằm phát triển ngành GTVT trở thành thành ngành mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống quản lý tập trung từ Bộ tới các đơn vị cấp dưới trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để hình thành Bộ điện tử, sẵn sàng kết nối với Chính phủ để hình thành Chính phủ điện tử; nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan, đơn vị trong Bộ GTVT... định hướng đến năm 2030, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển sâu rộng, đồng bộ phù hợp với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.
 
Bộ GTVT dự tính chi hơn 10.000 tỷ đồng xây dựng trụ sở
Bộ GTVT đặt mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực dồi dào, có trình độ cao
(ảnh: Cục Hàng hải)

Để thực hiện sự nghiệp CNH-HĐH, Bộ GTVT đưa ra 3 giải pháp về chính sách, vốn và chỉ đạo, điều hành Đề án. Trong đó, vấn đề nổi bật và được quan tâm nhiều nhất là giải pháp về vốn với các tiêu chí bố trí ngân sách Nhà nước, ODA cho việc áp dụng công nghệ thông tin, cải cách cơ chế chính sách cho các đơn vị của Bộ này.

Cũng trong giải pháp về vốn, Bộ GTVT kỳ vọng nguồn vốn được Chính phủ hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, tạo cơ chế chính sách thuận lợi và các doanh nghiệp phải chủ động trong việc bố trí, huy động nguồn vốn hợp pháp... để thực hiện mục tiêu và các nội dung CNH-HĐH.

Với 12 nội dung liệt kê trong Đề án CNH-HĐH, tổng kinh phí dự tính đầu tư của Bộ GTVT lên tới 223.790 tỷ đồng, trong đó những nội dung “chiếm” vốn lớn bao gồm: Vốn đầu tư đội tàu biển lên tới 100.000 tỷ đồng, kế hoạch phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines là 80.083 tỷ đồng, 15.379 tỷ đồng cho các dự án đầu tư các doanh nghiệp hoạt động công ích và nhu cầu nhà làm việc của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT là 10.988 tỷ đồng.

Nguồn vốn Bộ GTVT phân chia ra như sau: Vốn Ngân sách Nhà nước ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng, vốn đầu tư cho việc xây dựng các hạng mục sử dụng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp là 81.516 tỷ đồng, vốn khác (vốn vay, ODA, huy động xã hội...) ước tính khoảng 122.274 tỷ đồng. Các phân kỳ đầu tư trong các giai đoạn từ 2012-2015, 2016-2020, sau 2020 và giai đoạn định hướng đến năm 2030.

Được biết, trong tổng kinh phí 10.988 tỷ đồng, Bộ GTVT nhằm xây dựng trụ sở mới và nâng cấp cho một số Cục, đơn vị thuộc Bộ nhưng chưa có nơi làm việc hoặc có nhưng đã chật chội, xuống cấp; riêng chi phí xây trụ sở Bộ GTVT khoảng 1.000 tỷ đồng, tiền xây dựng này không sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ GTVT cũng lưu ý rằng, đây chỉ là kinh phí dự tính, giá trị này sẽ được cập nhật, bổ sung phù hợp với kinh phí xây dựng Đề án CNH-HĐH của các đơn vị thuộc Bộ sau khi được xem xét, chấp thuận.

Nhìn về mặt tổng thế, bản Đề án CNH-HĐH của Bộ GTVT được xem là khá trơn chu, nhưng nếu xét trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay thì nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng Bộ GTVT lấy đâu ra tiền và triển khai thực hiện nó như thế nào? Bộ GTVT phê duyệt Đề án này có nóng vội hay táo bạo? Chưa hết, trong khi nhiều công trình, dự án vẫn đang phải nằm im vì mục tiêu tiết giảm đầu tư công, tiết giảm chi phí theo Nghị quyết 11 thì liệu Đề án của Bộ GTVT có khả thi?

Trả lời báo giới về vấn đề này, ông Nguyễn Hoằng - Vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư (đơn vị tổng hợp và chủ trì đề án) cho biết: “Đây chỉ là định hướng và sẽ thực hiện từng phần khi có điều kiện. Hơn nữa, đây cũng là nhu cầu bức thiết. Cứ thử tưởng tưởng xem, tương lai sẽ quản lý cả mạng lưới đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường sông; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại nhưng con người và bộ máy thuộc Bộ GTVT lại lạc hậu thì không thể hiệu quả”.

Cũng theo ông Hoằng, ngành GTVT xây dựng Đề án CNH-HĐH căn cứ theo quy định của nhà nước về tiêu chuẩn chế độ, làm việc, bởi trong tương lai CNH-HĐH mà trụ sở làm việc xập xệ coi sao được. Về nguồn lực sẽ cân đối dựa vào quy định chung, nếu được rót 1 phần kinh phí cũng không thể khác so với quy định của nhà nước. Tuy nhiên, hiện Bộ GTVT đang thực hiện nghiêm việc tiết giảm chi phí theo Nghị quyết 11.

“Không phải Bộ GTVT chơi trội mà đây là sự chuẩn bị cho tương lai. Hiện chưa còn về tính khả thi của đề án vì phụ thuộc điều kiện kinh tế xã hội” - ông Hoằng khẳng định.

Trên thực tế, việc xúc tiến CNH-HĐH ngành không phải chỉ có Bộ GTVT thực hiện mà nhiều Bộ, ngành khác cũng đang ra sức lên kế hoạch để đầu tư xây dựng cho tương lai của mình.

Quỳnh Anh