Nghệ An:

"Biết tôi có còn sống đợi con về lần nữa hay không!"

(Dân trí) - Hỏi thăm nhà ông Văn Đình Thuận có cô con gái bị lừa bán sang Trung Quốc, cái xóm nhỏ ở xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) không ai là không biết. Sau 16 năm đằng đẵng, con gái ông đã trở về, nhưng hơn 10 ngày chị lại phải đi.


Người cha bất hạnh 16 năm ôm nỗi đau mất con.

Người cha bất hạnh 16 năm ôm nỗi đau mất con.

Hành trình đạp xe tìm con

Vừa nghe có người nhắc đến tên con, cả hai vợ chồng ông Thuận lại bần thần. Rồi từ lúc nào những vệt chân chim đổ dồn về hai bên hốc mắt sâu trũng, giọng ông Thuận như lạc đi trong tiếng khóc: “Nó đi rồi... Thương con, thương cháu nhưng già này bất lực không làm gì được...”.

Lần giở từng trang ký ức thấm đẫm buồn đau và nước mắt, ông Thuận kể lại, cách đây 16 năm, vào năm 2001, con gái ông là chị Văn Thị Nguyệt (SN 1980) đang làm nhân viên phục vụ trong một quán ăn bình dân ở thị xã Hoàng Mai (thời đó đang là huyện Quỳnh Lưu, chưa chia tách) bỗng dưng mất tích. Hoang mang, lo sợ nhưng vợ chồng ông vẫn không thôi hy vọng, biết đâu con mình theo chúng bạn phiêu bạt làm ăn đâu đó.

Vậy là ông chạy vạy vay mượn khắp anh em, làng xóm được ít tiền, cùng với chiếc xe đạp lọc cọc trong tay bắt đầu cuộc hành trình đi tìm con. Từ mỏ đá Hoàng Mai, hết ra Bắc ông lại vào Nam, hễ có manh mối nào người ta mách cho ông đều cất công tìm đến.

Chồng chị Nguyệt về quê ngoại đều siêng năng giúp đỡ ông bà trong việc mang lúa đi phơi nắng.
Chồng chị Nguyệt về quê ngoại đều siêng năng giúp đỡ ông bà trong việc mang lúa đi phơi nắng.

Suốt nửa năm trời người cha già rong ruổi tìm con, bao phen bị kẻ gian lừa lọc, hao tiền tốn của, sức cùng lực kiệt mà con vẫn bặt vô âm tín. Thất vọng trở về, vợ chồng ông Thuận giấu nước mắt vào trong, sớm hôm cuốc cày lấy tiền trả nợ và nuôi ba đứa con nhỏ.

11 năm trôi qua, ông bà vẫn không nguôi nhớ về con gái mất tích. Hy vọng được đền đáp khi vào một ngày đầu năm 2012, ông Thuận nhận được lá thư nguệch ngoạc của con gửi về, báo tin mình bị bọn buôn người lợi dụng, lừa bán cho một gia đình nghèo khó ở vùng miền núi xa xôi, hẻo lánh ở Trung Quốc.


Người đàn ông mộc mạc, gai góc kéo áo chấm nước mắt khi kể về cuộc đời bất hạnh của con gái.

Người đàn ông mộc mạc, gai góc kéo áo chấm nước mắt khi kể về cuộc đời bất hạnh của con gái.

Niềm an ủi là chị Nguyệt cho biết mình đã lấy chồng người Trung Quốc; dù cuộc sống nhà chồng bần hàn, cơ cực, quanh năm suốt tháng phải ăn cháo kê thay cơm, nhưng chị may mắn gặp được người chồng hiền lành, thương yêu. Hơn 11 năm làm vợ “bất đắc dĩ”, chị Nguyệt kể đã có hai con trai. Trong thư, chị Nguyệt cũng bảo nay mai chị sẽ cùng chồng trở về thăm cha mẹ.

Bức thư và tấm hình gửi kèm được ông bà truyền tay đọc, rưng rưng nước mắt, không dám tin đó là sự thật.

Niềm vui xen lẫn nỗi buồn

Và những ngày đầu tháng 9/2016, chị Nguyệt trở về cùng chồng và hai con trai. Ngày con gái trở về bằng xương, bằng thịt, giây phút đoàn viên, ông bà chỉ biết ôm con thật chặt, nghẹn lời trào nước mắt.

Ngày vui chưa tày gang, ông Thuận lại phải dằn lòng động viên con gái cùng chồng quay về Trung Quốc giữ đạo làm vợ, làm mẹ. Về nhà thăm ông bà được hơn 10 ngày thì chị Nguyệt cùng chồng và 2 đứa con chia tay ông bà ngoại để trở về Trung Quốc sinh sống.

Tâm sự với PV, ông Thuận đã không ít lần rơi nước mắt.
Tâm sự với PV, ông Thuận đã không ít lần rơi nước mắt.

“Tôi biết con lấy chồng nơi đất khách quê người cũng chỉ là bất đắc dĩ. Nhưng phúc đức cho nhà tôi là con gặp được người chồng tử tế. Vợ chồng nó giờ đã có chung giọt máu. Tôi nỡ lòng nào mà chia đàn xẻ nghé...”, ông Thuận vừa nói vừa khóc.

“Vừa rồi về gặp mưa lụt nên phải mất 12 ngày đêm vợ chồng, con cái mới về được đến đây. Tiền nong mang theo đều tiêu tán hết sạch. Đứa nào đứa nấy đói lả vì mệt, người ngợm bủng beo, xanh xao trông thương lắm...”, ông Thuận tâm sự ngày về của vợ chồng chị Nguyệt.


Niềm an ủi của ông Thuận là con gái may mắn gặp được người chồng tốt.

Niềm an ủi của ông Thuận là con gái may mắn gặp được người chồng tốt.

Biết con bên kia quanh năm rau cháo, ông Thuận sốt sắng giục vợ nấu nồi cơm to. Bữa cơm ngày thường mà các con cháu ông vui như Tết. Ngày đoàn tụ như thế, trước đây ông chỉ gặp trong mơ.

Niềm vui hội ngộ ngắn ngủi, hơn 10 ngày ông lại phải tiễn con đi. Biết rằng con sang đó là đói nghèo cơ cực nhưng ông cũng không dám đòi hỏi nhiều hơn.

Kể đến đây, ông Thuận run run mân mê tấm hình con gái chụp cùng người chồng Trung Quốc và hai đứa cháu ngoại. Giọt nước mắt lăn dài khóe mi, ông nói từng câu ngắt quãng: “Nó lại đi rồi... Không biết tôi có còn sống để đợi nó về lần nữa hay không...”.

Nguyễn Hòe