Bảo vệ “hiệp sĩ”: Thiếu luật hay thiếu tấm lòng?

Nghiền ngẫm kỹ các quy định pháp luật, chúng tôi thấy, vẫn có “cánh cửa” pháp lý để bảo vệ các “hiệp sĩ” với tư cách là người làm chứng, người tố giác tội phạm…

Theo điều tra của CA tỉnh Bình Dương, thì việc “hiệp sĩ” Nguyễn Tăng Tiên bị chém xuất phát từ việc anh phát hiện và bắt giao CA đối tượng Lê Thị Liên - là đàn em của Tuấn “chó” - đang điều khiển xe gắn máy trộm cắp của một người ở Đồng Nai đi tiêu thụ.
 
Tại cơ quan CA, Liên khai nhận vận chuyển xe của băng nhóm Tuấn “chó” trộm được về Bình Phước tiêu thụ với giá 500.000 đồng/chiếc và đã trót lọt nhiều lần.
 
Như vậy, ở vụ này, “hiệp sĩ” Tiên đã làm tốt trách nhiệm: Không chỉ tố giác, mà còn bắt tội phạm giao cho CA. Nếu vụ án đưa ra xét xử, chắc chắn tòa sẽ triệu tập anh Tiên với tư cách người làm chứng.
 
Ngày 29/6, TAND thị xã Thủ Dầu Một mở phiên xét xử lưu động 2 tên tội phạm trong vụ án cướp giật tài sản tại phường Phú Lợi, “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Anh (CLB PCTP phường Phú Hòa) đã được mời ra toà với tư cách người làm chứng.

 

Bảo vệ “hiệp sĩ”: Thiếu luật hay thiếu tấm lòng?  - 1
"Hiệp sĩ" Nguyễn Tăng Tiên bị côn đồ chém trọng thương. Ảnh: Ng.Ng.
 
Những người tố giác, làm chứng có nguy cơ bị trả thù cao nhất. Nên trong quy định tại Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự đã quy định trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác tội phạm.
 
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì người bị hại, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác, cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng sức khỏe, xâm phạm danh dự thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ.

Ở vụ bắt đàn em Tuấn “chó”, theo CA Bình Dương, Tuấn “chó” đã năn nỉ anh Tiên tha cho đồng bọn không được thì đe dọa chém. Ai bảo vệ anh Tiên theo quy định pháp luật nêu trên(?!). Đây không phải lần đầu anh Tiên bị “xử”. Tháng 9/2010, anh đã bị 2 tên cướp quen mặt bám theo đến gần cầu vượt Sóng Thần thì ra tay chém vào vai.

Không riêng anh Tiên, rất nhiều “hiệp sĩ” Bình Dương bị tội phạm tấn công, bị tử nạn trên đường bắt cướp chỉ vì lòng “nghĩa hiệp”. Điển hình là “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh (CLB PCTP phường Phú Hòa) đã tử nạn khi truy đuổi một nghi phạm.
 
Tháng 3/2010, khi bắt một kẻ trộm xe, “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Thiên (CLB PCTP phường Bình Hòa, thị xã Thuận An) bị một đối tượng dùng đoản sắt đâm. Còn “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (Đội trưởng CLB PCTP phường Phú Hòa) bị một đối tượng dùng dao đâm trí mạng, phải đi cấp cứu.
 
Tháng 12/2010, “hiệp sĩ” Trần Thanh Phong phải nhập viên, suýt chết bởi té xuống đất khi đang phóng xe tốc độ cao đuổi theo, nhưng bị 2 đối tượng trộm chó bắn mũi tên gắn xung điện.

Khi xã hội đang rộ lên căn bệnh “vô cảm”, bác sĩ vô cảm với bệnh nhân nghèo, người đi đường bỏ mặc nạn nhân bị tai nạn, người đi đường nhào vào lượm tiền vung vãi trên đường của người dân vừa bị cướp không thành... thì hành động của các “hiệp sĩ” rất đáng được trân trọng và bảo vệ!

Theo Ngô Nguyên
Lao động