1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Đức: NATO kích hoạt đoàn tàu tên lửa Barguzin

Trước kế hoạch thử nghiệm đoàn tàu tên lửa Barguzin của Nga, truyền thông Đức cho rằng chính NATO mới là người kích hoạt vũ khí này.

Thông tin về kế hoạch thử nghiệm đoàn tàu tên lửa (BZhRK) Barguzin của Nga được hãng thông tấn Sputnik cho biết, Barguzin sẽ phóng thử tên lửa đầu tiên trong năm 2019 và chính thức tái trang bị vào năm 2020. Theo những thông tin được tiết lộ, Barguzin sẽ được trang bị tới 6 tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24.

Trước kế hoạch thử nghiệm đoàn tàu Barguzin, tờ Die Welt nhận xét rằng chính quyết định của NATO bố trí nhóm quân quốc tế của khối Liên minh ở Ba Lan và các nước Baltic – đã khơi lên phản ứng gay gắt từ phía Nga.

Tờ báo này cho biết, Nga tăng cường nhóm quân của mình ở vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad, gửi thêm sư đoàn đến vùng biên giới phía Tây của nước này, tất cả những động thái đó là hệ quả từ chính sách thái quá của phương Tây.

Nga thử nghiệm đoàn tàu Barguzin thế hệ cũ.
Nga thử nghiệm đoàn tàu Barguzin thế hệ cũ.

Tờ Die Welt viết: "Theo quan điểm của Nga, phương Tây đã vượt qua Rubicon (quyết định không thể đảo ngược), khi đặt cược vào việc tăng cường sự hiện diện của NATO ở Đông Âu".

Trong số những phản ứng của Moskva có việc tái cấu trúc và hiện đại hóa đề án thời Liên Xô về đoàn tàu hạt nhân, đó là hệ thống đường sắt chiến đấu Barguzin được trang bị tên lửa liên lục địa.

Cùng với đó, tạp chí Focus thì lo sợ rằng Barguzin ở sâu trong nội địa Nga nhưng liên tục thay đổi vị trí sẽ sẵn sàng bất cứ lúc nào giáng đòn sấm sét vào những mục tiêu chiến lược ở phương Tây.

"Các phương tiện thông tin tình báo hiện đại đã không thể phát hiện thấy Barguzin. Vấn đề đáng sợ nằm ở chỗ đoàn tàu chiến đấu mang tên lửa hạt nhân này có vẻ ngoài giống hệt như đoàn xe lửa thông thường", tạp chí Đức nhận định.

Trước khi Barguzin được Nga lần đầu thử nghiệm, trong những năm 1980, Liên Xô đã phát triển dòng vũ khí có khả năng tương tự là tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục (ICBM) RT-23 Molodets. Khi đưa vào trang bị năm 1987, tổ hợp vũ khí này đã mang lại thành công trên cả mong đợi của giới chức quân sự Liên Xô.

Đoàn tàu hạt nhân Molodets với hình dáng y hệt các đoàn tàu chở hàng hoạt động không nghỉ trong hệ thống đường sắt quốc gia Liên Xô. Các biện pháp theo dõi của Mỹ và NATO đã bó tay với loại vũ khí này.

Cơ quan phân tích ảnh vệ tinh Mỹ không thể tìm ra dấu vết các đoàn tàu hạt nhân Liên Xô bằng ảnh vệ tinh lẫn ảnh quang phổ (tìm dấu vết đồng vị phóng xạ) và nhiều phương pháp khác.

Thậm chí, Mỹ đã tính tới kế hoạch triển khai các container hàng trá hình, trong lắp đặt các thiết bị giám sát tinh vi trà trộn vào hệ thống đường sắt Liên Xô để theo dõi "đoàn tàu ICBM", nhưng cũng bó tay.

Và một khi đoàn tàu Barguzin đi vào hoạt động, phương Tây sẽ phải vất vả hơn nhiều trong nỗ lực theo dõi vũ khí này đặc biệt này.

Clip Nga thử nghiệm phiên bản trước của đoàn tàu Barguzin:

Theo Tuấn Hưng

Đất Việt