Bài 3:

Bắc Giang: Cán bộ sai phạm cùng nhau rút kinh nghiệm, luật nào cho phép?

(Dân trí) - Liên quan vụ việc UBND TP Bắc Giang thu hồi đất lúa của dân thực hiện Dự án xây dựng khu dân cư tại xã Song Khê trái Nghị định của Chính phủ và thu hồi thừa 174 lô đất để bán đấu giá, 5 cán bộ được xác định có trách nhiệm đều…nghiêm túc rút kinh nghiệm. Vậy pháp luật quy định thế nào khi xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm?

Theo kết luận số 2174/KL-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang, UBND TP Bắc Giang đã ban hành hai quyết định về việc thu hồi đất trái quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ và thu hồi dôi dư ra đến 174 lô đất để bán đấu giá.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình hơn là hình thức xử lý cán bộ sai phạm trong vụ việc này. Cụ thể, làm việc với PV Dân trí, lãnh đạo UBND TP Bắc Giang và lãnh đạo Phòng Nội vụ TP Bắc Giang cho biết: “Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Bắc Giang chúng tôi đã có hướng dẫn các đơn vị tập thể cá nhân có liên quan, các đơn vị cũng có kiểm điểm đối với 2 đơn vị là Phòng TN&MT và UBND xã Song Khê. Cá nhân liên quan sai phạm tại Phòng TN&MT có 2 cá nhân và UBND xã Song Khê có 3 cá nhân. Sau khi các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm xong, chúng tôi cũng đã nhận được báo cáo của các đơn vị, sau đó chúng tôi cũng đã tham mưu, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang có văn bản nguyên túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tập thể cá nhân liên quan, các nội dung đã xong”.


Đại diện UBND TP Bắc Giang và các phòng ban chuyên môn làm việc với PV Dân trí về vụ việc thu hồi đất lúa của dân trái Nghị định Chính phủ.

Đại diện UBND TP Bắc Giang và các phòng ban chuyên môn làm việc với PV Dân trí về vụ việc thu hồi đất lúa của dân trái Nghị định Chính phủ.

Như vậy, các cá nhân được xác định liên quan đến việc thu hồi đất lúa của dân trái Nghị định Chính phủ đều được nhận hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc.

Trong khi đó, về việc những lãnh đạo UBND TP Bắc Giang thời kỳ xảy ra sai phạm như ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND TP Bắc Giang (hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang) được xử lý ra sao, ông Trần Nam Chinh - Phó trưởng phòng Nội vụ TP Bắc Giang cho biết: “Nội dung này chúng tôi không đề cập đến, cũng chỉ là kiểm điểm các cá nhân đơn vị liên quan hiện nay là cơ quan tham mưu. Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND TP Bắc Giang kiểm điểm cán bộ là kiểm điểm cán bộ quản lý ở đây thôi”.

Theo ông Chinh, những trường hợp cá nhân là lãnh đạo TP Bắc Giang thời điểm xảy ra sai phạm như trường hợp ông Thái là cán bộ của tỉnh nên phải do UBND tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm.

Như vậy, toàn bộ lãnh đạo, cán bộ liên quan đến sai phạm thực hiện trái nghị định Chính phủ tại TP Bắc Giang sẽ “thoát êm” trách nhiệm?

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức đều quy định cụ thể các hình thức xử lý kỷ luật với cá nhân sai phạm. Và tất cả các hình thức đều không có hình thức gọi là “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Hình thức xử lý kỷ luật kiểu này làm mất tính nghiêm minh của pháp luật, gây bức xúc dư luận và quan trọng hơn sẽ gây “nhờn thuốc” với cán bộ sai phạm và có dấu hiệu của việc tiêu cực, bao che sai phạm”.


Luật sư Vi Văn Diện: Tôi không hiểu UBND TP Bắc Giang căn cứ vào đâu để cho cán bộ sai phạm nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm? Vậy cụ thể, kiểm điểm, rút kinh nghiệm là cái gì? Là như thế nào?”.

Luật sư Vi Văn Diện: "Tôi không hiểu UBND TP Bắc Giang căn cứ vào đâu để cho cán bộ sai phạm nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm? Vậy cụ thể, kiểm điểm, rút kinh nghiệm là cái gì? Là như thế nào?”.

Theo luật sư Diện, Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định 4 hình thức kỷ luật với cán bộ tại điều 78 gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm; Quy định 6 hình thức kỷ luật với công chức tại điều 79 gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Theo Nghị định số 27/2012NĐ-CP quy định về việc xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức quy định các hình thức kỷ luật với viên chức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

“Pháp luật có các quy định rất rõ ràng về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức sai phạm với các hình thức cụ thể như trên. Vậy tôi không hiểu UBND TP Bắc Giang căn cứ vào đâu để cho cán bộ sai phạm nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm? Vậy cụ thể, kiểm điểm, rút kinh nghiệm là cái gì? Là như thế nào?”, luật sư Diện bày tỏ.

Phó chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho biết ông Mai Sơn - Chủ tịch UBND TP Bắc Giang đã ký văn bản báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, khi được PV Dân trí đề nghị cung cấp văn bản đã được ký, báo cáo này, ông Vi Văn Toàn - Chánh văn phòng UBND TP Bắc Giang lại cho biết hiện việc xem xét, xử lý vụ việc lại đang được UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện nên không thể cung cấp văn bản này được.

Báo Dân trí kính đề nghị Ủy ban kiểm tra Trung ương; Thanh tra Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan vào cuộc kiểm tra, làm rõ những sai phạm và hình thức xử lý kỷ luật cá nhân, tổ chức sai phạm trong sự việc đang gây bức xúc dư luận này tại tỉnh Bắc Giang.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế