Nhân ngày Dân số Việt Nam 26/12:

Bà… cấm đẻ!

(Dân trí) - Hơn 15 năm công tác, chị Ba nhận được tiếng “thơm” thì ít mà lời “cay cú” thì nhiều. Khi đến các hộ dân tuyên truyền KHHGĐ, người dân ít khi gọi đúng cái tên “cúng cơm” của chị mà thường gọi bằng cái tên không thiện cảm: “Bà…cấm đẻ”.

Hơn 15 năm công tác trong ngành dân số, đến nay đã ở tuổi gần 60, nhưng chị Nguyễn Thị Ba (cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ của xã nghèo có đông đồng bào dân tộc Khmer Hưng Hội, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) còn nhớ như in những ngày đầu tham gia vào lĩnh vực này. Ít tiếng “thơm”, nhiều lời “cay cú” nhưng điều đó không làm chị nản lòng, mà chị xem đây là một trọng trách của mình, làm thế nào cho mọi người thay đổi nhận thức, hiểu đúng về chính sách dân số, bởi nó quyết định đến cuộc sống của họ sau này.

 

Những ngày này, công suất làm việc của chị Nguyễn Thị Ba tăng lên gấp đôi so với ngày thường. Bởi năm nào cũng vậy, tới Ngày Dân số Việt Nam, đơn vị nơi chị công tác tổ chức nhiều hoạt động nhằm kỷ niệm ngày của ngành, cũng như tạo ra các hoạt động để chị em tham gia sinh hoạt; biểu dương, khen thưởng, đồng thời còn là dịp để chị em phụ nữ trong toàn xã có điều kiện gặp gỡ, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và cuộc sống.

 

Qua liên hệ trước, chúng tôi gặp được chị tại cơ quan, trong lúc chị chăm chú viết bổ sung vào bản thành tích đề xuất Bộ Y tế tặng thưởng bằng khen về công tác dân số; đồng thời chuẩn bị bài phát biểu tham luận tại lễ tuyên dương công tác dân số ở địa phương. Khác với những gì tôi mường tượng, trước mặt chúng tôi là người phụ nữ với nước da ngăm đen, thấp người, khuôn mặt phúc hậu với giọng nói rất ấm, thu hút người nghe. Cũng nhờ vào yếu tố “thiên phú” đó mà chị gặp rất nhiều thuận lợi khi nhận nhiệm vụ công tác này.

 

Chị Ba tâm sự, chị tham gia công tác vào năm 1976, khi ấy chị bước sang tuổi 23. Qua nhiều năm công tác, đã kiêm nhiệm qua nhiều chức vụ từ ấp đến xã, nhưng chưa có lĩnh vực nào gắn bó với chị lâu năm bằng công tác dân số. Từ năm 1996 đến nay, chị Ba chuyên sâu về lĩnh vực dân số. Tuy những ngày đầu nhận nhiệm vụ, chị không khỏi lo lắng, không ít đêm chị mất ngủ vì công việc này đối với chị có nhiều mới mẻ. Lo ngại lớn nhất của chị đó là, xã Hưng Hội có đến 80% dân số là người dân tộc Khmer, cộng thêm chị không hiểu sâu về chuyên môn, bản thân chưa có chồng, nên việc tuyên truyền, vận động thực hiện sinh đẻ có kế hoạch cũng gặp không ít trở ngại. Theo chị, công việc tuyên tuyền, vận động chị em đồng bào dân tộc Khmer sinh đẻ có kế hoạch, dừng lại ở 2 con, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, triệt sản là vô cùng khó khăn. Không ít lần chị đi tuyên truyền, vận động, gặp những ông chồng nóng tính, cố chấp, là chị nhận toàn những lời lẽ khó nghe. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lòng kiên nhẫn, một lần vận động không được chị đến lần 2, lần 3… cho đến khi nào họ hiểu được sinh con đông, dẫn đến thất học, nghèo đói, đây là cái vòng lẩn quẩn mà nhiều người không thể thoát ra.

 

Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, chị Ba đã tổ chức được một bộ máy cộng tác viên dân số rất ổn định, từ đó vận động tất cả các chị em vào tổ chức Hội Phụ nữ, nhất là phữ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các cộng tác viên thành lập nhóm, tổ để sinh hoạt định kỳ nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác dân số, KHHGĐ, nhờ đó mà mọi người hiểu ra. Chị Ba còn luôn kết hợp chặt chẽ với lãnh đạo ấp, Hội Phụ nữ, Nông dân, Thanh niên… nên thu hút được đông đảo chị em tham gia. Hiện tại, toàn xã có 17 cộng tác viên dân số, trong đó có 3 nam, đặc biệt có người gắn bó công tác này đến hàng chục năm nên nắm rất rõ hoàn cảnh từng gia đình, từ đó có biện pháp tuyên truyền đạt kết quả cao.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngay, Trưởng phòng Y tế huyện Vĩnh Lợi cho biết, sau 15 năm chị Ba tham gia phụ trách lĩnh vực dân số, tỷ suất sinh thô của toàn xã giảm từ 18,5%o (năm 1996) xuống còn 14,61%o hiện nay; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt mức thay thế (1,01%); tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể, không còn trường hợp sinh con thứ 4, con thứ 5; đã vận động được 103 trường hợp triệt sản, trong đó có 2 nam… Công tác dân số ổn định đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao trình độ dân trí, giảm đói nghèo, đời sống đại bộ phận nhân dân được nâng lên rõ rệt.

 

Toàn xã Hưng Hội có hơn 2.700 hộ, trong đó có 2.340 hộ trong độ tuổi sinh đẻ. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác dân số, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm một cách đáng kể. Địa phương chỉ còn 374 hộ nghèo, chiếm 13% hộ dân trong toàn xã, nhưng trong số hộ nghèo này phần lớn dừng lại ở 2 con.

 

Bà Lâm Ngọc Tánh, Trưởng Phòng truyền thông Chi cục dân số tỉnh, nhận xét: chị Ba không những có công trong công tác dân số, mà còn có thành tích trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Với thành tích đó, những năm qua chị Nguyễn Thị Ba nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của ngành, của địa phương từ xã đến tỉnh. Trong năm 2011, chị được tỉnh đề xuất tặng Bằng khen của Bộ Y tế vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân số của tỉnh Bạc Liêu.

 

Bảo Trân

 TTXVN