Ai bảo đi ô tô là không khổ

(Dân trí) - Liên quan tới chuyện Phí và ô tô, điều bị đem ra mổ xẻ nhiều nhất những ngày này là tính sao để không lãng phí những chiếc ôtô đã “trót” mua? Bởi trên thực tế, ở nước ta những người có ô tô không thể gọi là giàu vẫn chiếm tỉ lệ lớn hơn.

Ai bảo đi ô tô là không khổ
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Cân nhắc thiệt - hơn
 

Trước hết, chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là mỗi chiếc xe ô tô khi về đến thị trường VN đã gánh trên mình quá nhiều loại thuế và phí, giờ Bộ GTVT lại đề xuất thêm hết loại phí này tới rậm rịch đưa ra các loại phí khác nữa, khiến mọi cư dân các thành phố lớn dù sở hữu ô tô hay chỉ có xe máy đều không thể… không run.

 

Nguyễn Văn Quang tnhhiqviet@gmail.com nêu rõ điều đáng suy ngẫm nhất hiện nay:

 

“Việc thu phí vô tội vạ như thế này không những gây thiệt hại và khó khăn cho rất nhiều người đã trót sắm ô tô, bây giờ biết xử lý sao đây khi ô tô là thành quả lao động mà phần lớn người dân phải tiết kiệm rất lâu mới có được, chứ đâu phải ai cũng được cho hoặc… bỗng dưng có đâu. Bên cạnh đó còn một mất mát lớn hơn, đó là mất niềm tin vào chính sách vì nó thay đổi nhiều quá. Liệu còn có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền vào lĩnh vực ô tô xe máy nữa, vì biết đâu chỉ nay mai thôi lại có một… cú sốc mới. Những tổn thất này liệu ngài Bộ trưởng GTVT có gánh nổi được trách nhiệm trước nhân dân và đất nước hay không và gánh bằng cách nào?… Theo tôi, đấy mới là điều đáng suy ngẫm nhất”.

 

Trần Vinh thuphigt@gmail.com tiếp tục gửi tới BT Đinh La Thăng nỗi nghi ngờ về khả năng thực hiện mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân thông qua thu thêm phí. Đồng thời cũng nhắc lại câu trả lời đã có từ lâu của đại đa số người dân vẫn là: Không!

 

“Tôi xin hỏi Ngài Bộ trưởng: Nếu 600. 000 người có ôtô và vài triệu người có xe máy vẫn phải cắn răng chấp nhận nộp phí, khi đó họ vẫn có quyền lưu thông, thì cái gọi là phí hạn chế phương tiện cá nhân của Ngài có tác dụng như thế nào? Liệu tình trạng tắc đường và giảm thiểu tai nạn giao thông theo như Ngài nghĩ có tác dụng gì không? Chắc là không. Vậy khi đó liệu Ngài có sẽ lại nghĩ ra một loại phí gì nữa không, xin Ngài cho dân chúng tôi biết trước để còn chuẩn bị tâm lý”.

 

Hà Văn Biên havanbien@gmail.com có lẽ là một trong số ít người dân bày tỏ ủng hộ việc thu phí bảo trì đường bộ, nhưng muốn được giải đáp thỏa đáng cho thắc mắc về điểm đến của những khoản thu và chi vẫn bị dư luận cho rằng chưa thật minh bạch xưa nay.

 

“… Đành là thu phí đường bộ thì cũng hợp lý, nhưng tôi vẫn có vấn đề thắc mắc là: nghe nói là tiền bảo dưỡng đường bộ, thế phí thu từ những trạm thu phí để đi đâu hết rồi ấy nhỉ? Và cứ nói để hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng giao thông Việt Nam đã được quy hoạch như thế nào? Đường vừa làm xong đã đào lên rồi lại sửa, đường vừa làm xong đã hỏng… Khiến 1 km đường Việt Nam = 5km đường nước ngoài làm (đã trừ chi phí giải phóng mặt bằng).
 
Nên theo tôi, nếu muốn giảm chi phí bảo dưỡng, trước tiên cần thực hiện làm đúng chất lượng đi đã. Thứ 2 là cần thực hiện quy hoạch 1 cách có tính toán. Ví dụ như bên dưới mặt đường tại sao không tận dụng làm hệ thống thoát nước và hệ thống cáp ngầm,  tiến đến là tàu điện ngầm? Tuy là cần chi phí lớn, nhưng thử hỏi các bác quản lý ngành xem đầu tư 1 lần nhưng đạt hiệu quả lâu dài hơn, hay là cứ để tình trạng tất cả mọi thứ trên bề mặt như hiện nay, để phần lớn kinh phí lại rơi vào túi riêng những cán bộ tham nhũng?
 
Tôi tin rằng nếu số tiền thu phí đó được đầu tư nghiêm túc vào cải tạo lại hệ thống giao thông và thi công đảm bảo chất lượng, thì động thái này sẽ được lòng dân ngay. Còn cứ nay làm, mai đào thì chẳng ai có thể không bất bình, vì chi phí làm đường và sửa chữa mỗi lần như thế, người dân nào chẳng biết là hầu hết đi vào túi riêng của 1 số người”.

 

Nguyễn Ngọc Anh nguyenanh@gmail.com nêu tiếp luận điểm chứng minh rằng giải pháp thuế và phí không thể hạn chế được nhu cầu mua ô tô của người dân:

 

“Theo quan điểm của tôi, thuế ôtô tại Việt Nam quá cao cũng đã hạn chế rất nhiều nhu cầu mua ôtô của người dân rồi. Thu thêm cái gọi là phí bảo trì đường bộ, tôi thấy chỉ làm cho phí chồng phí và có lẽ lại thêm tiêu cực, chứ cũng chẳng thể làm giảm ùn tắc giao thông được đâu, cũng chỉ hạn chế người dân mua ôtô trong thời gian ngắn. Giá ôtô cao thế họ còn mua đựợc nữa là đóng phí. Cái quan trọng theo tôi là phải giãn dân, di dời các cơ quan, trường học ra ngoài ngoại thành, nâng cấp, quy hoạch đường sá đáp ứng yêu cầu. Tôi nghĩ các vị giới chức biết rõ đây là vấn đề then chốt, vậy sao không tập trung giải quyết mà cứ nghĩ ra các loại phí đổ lên người dân nhỉ?”
 
Ai bảo đi ô tô là không khổ
(ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN)
 
Chết dở vì nuôi xe
 
Thời buổi kinh tế khó khăn, nuôi người đã khó càng thêm khó, giờ lại phải tính thêm toàn tiền triệu tới cả nhiều triệu để nuôi xe nữa thì túi tiền của bao gia đình làm sao kham nổi nữa. Không lẽ kiếm được đồng nào xào đồng ấy? Vậy khi không may thất nghiệp, khi cha già mẹ héo, con ốm con đau... không có chút ít dắt lưng thì ai lo cho mình?  Đất nước ngày càng phát triển thì phải mong muốn người dân ta được hưởng mức sống cao hơn, chứ đâu thể tính lùi lại như... xưa vì lý do này, lý lẽ khác.
 
Bởi thế Thuc Oanh thucoanh@yahoo.com vẫn phải khẳng định những điều bất cập đã được dư luận nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại không biết đã bao lần: 

 

“Đúng là khổ dân! Một chiếc xe hơi vốn đã mang trên mình bao nhiêu là thuế, phí rồi mà giờ lại phải tăng phí nữa. Thật tội nghiệp?  Nhưng nếu vẫn tăng phí lên thì liệu có đường đi thoải mái được không? Các bạn có để ý một hiện tượng: khi đi qua các trạm thu phí cầu đường, nhiều khi chúng ta chỉ đưa tiền mà không lấy vé không? Nhiều người lái xe do không để ý hay không muốn mất thêm thời gian đợi nhân viên thu phí xé vé và đưa cho mình với thao tác ...hết sức chậm chạp, nên chắc là họ cứ ...tặc lưỡi nghĩ: "Ui dào, đáng bao nhiêu đâu". Nhưng các bạn thử tính xem một ngày có khoảng bao nhiêu xe cộ đi qua như thế? một tháng bao nhiêu? một năm bao nhiêu?

 

Tôi nghĩ là con số không nhỏ đâu. Chúng ta chắc đã mất đi cả những cái cầu đẹp, những con đường lớn để đi chứ chẳng chơi đâu. Và cứ như thế đường chúng ta sẽ không có đi, rồi lại đổ cho xe cộ. Giờ tăng phí, tôi nghĩ tiền đó rồi chắc lại cũng sẽ làm giàu cho một số người, chứ dân lại vẫn khổ. Có cố kiếm cái xe vì mục đích công việc hay phục vụ cuộc sống thì cũng ...chẳng hết khổ. Ông Bộ trưởng ơi! Khi mà ông thực sự mong dân ngày càng sướng hơn, đất nước phát triển hơn thì tôi nghĩ ông phải nghĩ cách khác chứ không phải cách này đâu. Cái được sẽ ít hơn cái mất rất nhiều đấy”.

 
Nick Người đương thời handsomeboya1@yahoo.com phân tích về hiện tượng “bị dội nước lạnh” của không ít khổ chủ có ô tô hiện nay:

 

“Mọi việc theo tôi phải nhìn từ mọi khía cạnh. Tắc đường là do cơ sở hạ tầng kém. Tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông. Những nhà nhiều tiền, có xe xịn thì với họ tiền thu phí không ảnh hưởng tới kinh tế.  Nhưng với những gia đình gom góp mãi mới mua được cái xe bình thường để đi làm ăn, thì mức phí trên chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào họ giữa mùa đông giá rét. Ở nước ngoài xe người ta tính thuế thấp, thu phí còn được. Nước mình đã bao nhiêu là thuế, còn thu thêm phí nữa thì nhân dân chỉ có đi xe… đạp thôi. Mà nếu vậy thì VN chắc lại càng còn lâu hơn nữa mới phát triển được như các nước phát triển hơn ngay quanh ta đây thôi? Theo tôi, nếu vẫn thu phí thì chỉ nên thu những xe có động cơ từ 3.0 trở lên thôi, còn dưới 3.0 thì nên để như cũ. Như thế sẽ hợp lý hơn”.

 

Hà Tuấn Sơn hasonap@gmail.com một lần nữa nhấn mạnh rằng yếu tố lợi ích của người dân cần được thực sự đặt lên hàng đầu trong mọi chính sách xã hội:

 

“Tôi nghĩ, bất cứ chính sách nào cũng phải có lợi cho xã hội, có lợi cho nhân dân. Hiện nay chính sách thu phí giao thông, phí hạn chế xe cá nhân... nhìn trước mắt thì có vẻ có lợi cho nhà nước đấy, nhưng nó có thể kìm hãm sự phát triển kinh tế nói chung và bóp chết ngành công nghiệp  ôtô còn còn non trẻ của nước ta. Nếu ngành công nghiệp ôtô mà chết thì không biết có bao nhiêu người thất nghiệp nhỉ? không biết bao giờ Việt Nam mới trở thành một nước công nghiệp phát triển được đây? Hãy nhìn những nước có ngành công nghiệp phát triển xem, họ đều có ngành công nghiệp ôtô cực kỳ phát triển, vì sau đó là rất nhiều ngành công nghiệp phụ trợ nữa chứ”.

 
Ai bảo đi ô tô là không khổ
 
(minh họa: Tintuc.com)
 

Hai Hai nguoivohinh999@yahoo.com có lẽ vẫn cố tìm ra trong mọi chuyện ít nhất một khía cạnh nào đó…vui vui để giảm stress:

 

“Trước tới giờ tớ không ưa cái dự án này của BT Thăng chút nào, nhưng nghĩ kỹ thấy cũng có lý và có lợi. Cứ thử nghĩ kỹ nhé: khi thu phí xe hơi và xe máy sẽ làm cho nhiều người dân chán mà bỏ xe hơi và xe máy, chuyển sang đi xe đạp. Như vậy sẽ sinh ra nhiều cái lợi. Nào là giảm ách tắc giao thông vì toàn xe đạp, mà nước ta khí hậu chủ yếu là nắng lắm mưa nhiều nên đạp xe rất mệt, thế là nhiều người sẽ bớt ra đường chạy nhông. Vậy là sẽ giảm ô nhiễm môi trường vì không có khí thải, giảm tai nạn giao thông (xe đạp có tông nhau chắc cũng không sao)…

 

Đạp xe cũng như tập thể dục lại khỏe người, tiết kiệm chi phí cho dân khoản nhiên liệu xăng dầu. Không sử dụng xe hơi làm cho mấy anh hiệp hội ôtô đỡ… làm giá. Xe đạp đi nhẹ nhàng nên đường sá đỡ hỏng hóc và tiền thu phí đó có khi lại dùng được vào "việc khác"...v v...  Nói chung là nhiều cái lợi mà ít người hiểu được.  Có lẽ mọi người nên thử nghĩ lại xem sao, chứ có khi đang trách nhầm Bộ trưởng Thăng đấy…”

 

Vâng nghe đùa như vậy cũng có thể cười được một chút, nhưng e là nụ cười không được tươi cho lắm vào thời điểm hiện tại, vào lúc có thể gọi là cái thời “Người có ô tô ở Việt Nam cũng khóc” đấy.

 

Khánh Tùng