8X Việt sống 4 châu lục, một ngày dùng 5 thứ tiếng

Cô gái xinh đẹp đó là Hồ Thu Hương, sinh năm 1988 tại Hà Nội, nhưng năm lên 10 tuổi đã theo gia đình sang Cộng hòa Séc sinh sống. Cuộc sống đa văn hóa, đa ngôn ngữ, của một “công dân kiểu mới” bắt đầu từ đấy.

Mỗi ngày cô sử dụng thành thạo khoảng 5 thứ tiếng khác nhau. Cô từng sống, học tập và làm việc trên cả 4 châu lục. Trong 4 năm trở lại đây, cô đặt chân đến hơn 20 quốc gia.

“Bao nhiêu ngôn ngữ mà bạn biết là bấy nhiêu lần bạn sống”

Đây là một câu tục ngữ của người Séc mà Hương rất tâm đắc: “How many language you know, that many times you are a human being”. Hai năm đầu sang Séc, vì không hiểu bài giảng nên Hương ngơ ngác trong lớp học. Nhưng khi sang trường chuyên và chỉ khi bước vào lớp 6, Hương lúc nào cũng đứng đầu lớp về môn tiếng Séc. Mẹ Hương luôn dặn rằng, “không ai khác ngoài con phải tự quyết định các hướng đi cho mình” nên lúc nào cô cũng tự lập, tự giác học ngoại ngữ, thậm chí còn đăng ký học thêm cả các kỳ thi không bắt buộc.

Ở trường trung học, Hương bắt đầu học tiếng Anh và tiếng Pháp. Lên đại học Hương học tiếng Tây Ban Nha. Cô có thể nói bằng cả 5 thứ tiếng khác nhau trong một ngày: nói chuyện với gia đình bằng tiếng Séc và tiếng Việt, làm việc, đọc báo, nghe nhạc bằng các thứ tiếng khác.

Hương chia sẻ: “Mỗi ngôn ngữ phản ánh cách ứng xử khác nhau của mỗi nên văn hóa. Mỗi khi về Việt Nam, lúc nào mình cũng được nghe “xin, vâng, thưa, dạ”. Khi sống ở Arghentina, mình thấy trong một quán ăn cô bồi bàn trẻ gọi hai vị khách lớn tuổi là “chica, chica!” (dịch là: cậu bé, cô gái). Cách xưng hô chỉ là “tôi”, “bạn” đồng nghĩa với việc mọi người đều bình đẳng và không phân ngôi thứ. Ở mỗi ngôn ngữ, mỗi văn hóa mình lại học được những điều mới mẻ để có thể nhấc cái hàng rào khác biệt xung quanh”.
 
 
Hồ Thu Hương.
Hồ Thu Hương.
 
Một lần, Hương đến Arghentina trong học kỳ giao lưu, trao đổi. Dù có nhiều lựu chọn nhưng Hương vẫn chọn đất nước này vì cô thích đến một nơi hoàn toàn xa lạ và khác biệt. Khi đó, Hương mới chỉ nói được rất ít tiếng Tây Ban Nha và vì thế, cô đăng ký khóa học của mình bằng tiếng Anh. Những tuần đầu tiên ở đó, Hương như bị lạc vào một hành tinh khác vì rất ít người Arghentina nói được tiếng Anh. Và điều đặc biệt là nhà trường đưa ra một thông báo khẩn: những môn học bằng tiếng Anh sẽ bị hủy, chỉ còn những môn học bằng tiếng Tây Ban Nha. Thay vì quay về, Hương lao vào học tiếng Tây Ban Nha dù thời gian đầu rất chật vật để nghe các bài giảng và đọc các quyển sách dày cả trăm trang. Nhưng cũng chưa lúc nào Hương có thể học tiếng Tây Ban Nha nhanh đến thế.

Nếu chúng ta lạc quan, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn

Hương thích rất nhiều môn học, thích du lịch, âm nhạc và rất nhiều thứ khác. Hương không ngừng yêu thích một điều gì đấy và đôi khi, cô ấy tự tạo ra những điều khiến mình thích thú.

Thu Hương vừa tốt nghiệp ngành thương mại quốc tế ĐH Kinh tế Praha. Từ những năm học trung học, Hương đã nhận được 23 giải thưởng trong các kì thi Toán, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Séc, văn học…

Trong một cuộc thi văn toàn CH Séc, Thu Hương nhận được đề thi rất ngắn là: Fear in the plural (tạm dịch là: sự sợ hãi ở dạng số nhiều). Thu Hương cầm bút viết về chính những trải nghiệm của mình. Cô gái này ở trong một thành phố nhỏ, chỉ chừng 90.000 dân. Ở đó và thời ấy, người ta có định kiến không hay về người nước ngoài, đặc biệt là người châu Á. Những ngày học trung học, bị kỳ thị, bị trêu, bị ném đá chỉ vì màu da khác biệt. Rồi có giai đoạn Hương rơi vào trạng thái trầm cảm, cô sợ hãi và không thể ra đường. Nhưng sự sợ hãi ấy rồi cũng đến lúc biến thành sức mạnh. Vì là học sinh nước ngoài duy nhất ở lớp nên lúc nào Hương cũng cố gắng để chứng tỏ bản thân mình. Bài văn về nỗi sợ hãi đó đã mang lại cho Hương giải đặc biệt. Nếu không lạc quan hơn, bạn sẽ bị nỗi sợ hãi “nuốt chứng” bản thân mình.

Những ngày ở Canada, Hương được gặp rất nhiều người lạc quan, dễ mến. Điều đặc biệt là mỗi khi xuống xe buýt, họ đều nói “cám ơn” với người lái xe, một điều mà Hương chưa từng thấy ở những nơi khác.

Trong 4 năm, Hương đi qua 20 quốc gia, chuyến đi nào cũng rất đặc biệt và khó lòng chọn lọc để kể lại. Hương có những chuyến đi trao đổi giữa các trường như chuyến sang Toulouse (Pháp), Arghentina hay tổ chức lễ du lịch đến Ý cho các bạn cùng trường. Hương từng là một trong 35 học sinh xuất sắc nhất tại Séc được mời sang Nghị viện châu Âu tại Strasbourg để tham quan và giao lưu với các nghị sĩ.

Trong năm 2012, Hương được sang Lisbon (Bồ Đào Nha) để tham gia một khóa học chụp ảnh. Ngay sau đó, Hương tham gia một chương trình chọ mùa hè với chủ đề “Tiêu thụ bền vững” tại thành phố Tartu, Estonia cùng với 42 bạn khác đến từ 33 quốc gia.

Chuyến đi ấn tượng nhất trong năm 2012 với Hương có lẽ là chương trình “study tour”, từ Brussels đến 6 thành phố của Canada để học về văn hóa và kinh tế của đất nước nhiều ấn tượng này. Chương trình có sự góp mặt của 32 bạn trẻ đến từ 23 quốc gia thuộc liên minh châu Âu do Ủy ban châu Âu tổ chức. Ngoài chương trình học tập, các bạn trẻ này còn tham gia 150 hội nghị.

Kết thúc chương trình, Hương được nhận về thực tập tại viện Nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương, tại Vancouver (Canada). Hiện tại, Hương còn đang tham gia một dự án nghiên cứu về người Việt sinh sống tại Praha do Bộ Phát triển khu vực và ĐH Charles phối hợp nghiên cứu.

Tận hưởng cuộc hành trình còn quan trọng hơn cảm giác đến đích

Ngoài các chương trình được mời tham dự, Hương còn chủ động thiết kế các hoạt động, các chuyến đi cho mình. Khi ở Arghentina, Hương tham gia một hoạt động tình nguyện rất thú vị: giúp những người phụ nữ nghèo mở các cửa hàng kinh doanh của riêng mình. Khi ở Vancouver, Hương tham gia vào mọi hoạt động mà thành phố này tổ chức cho người dân địa phương.

Thu Hương “thuộc lòng” Canada đến mức những người bạn của cô nói rằng cô biết về Canada còn nhiều hơn cả họ. Khi ở Argentina, cô tham gia vào các chương trình biểu diễn những vũ điệu sôi động như salsa và tango. Người Arghentina có thể nhảy mọi lúc, mọi nơi kể cả trên đường phố. Đối với họi thì khiêu vũ là cách tìm được “nửa kia” của mình một cách hiệu quả nhất. Nếu họ hợp nhau trong các vũ điệu thì rất có thể họ sẽ hòa hợp nhau trong nhiều câu chuyện khác của cuộc sống.

Ở đâu Thu Hương cũng có thể tìm được những người bạn tốt của mình. Đôi khi cô gái này tự đi du lịch và tim bạn qua các trang web couchsurfing.org. Hương sử dụng trang web này còn để tham gia các sự kiện đặc trưng của người dân bản địa. Hương nói: “Mình có rất nhiều người bạn thú vị. Ví dụ như một anh chàng người Pháp giờ này vẫn đang đi chu du khắp thế giới với mục đích là học cho bằng được 10 thứ tiếng. Ở Phần Lan, mình gặp một indigo child (là người được coi có khả năng đặc biệt và trí thông minh phi thường, trên thế giới có rất ít người như vậy). Ở Vancouver, mình gặp họa sĩ tài hoa bậc nhất người Séc cũng là một người thích đi đến thật nhiều quốc gia trên thế giới và thời gian tới anh ấy cũng có ý định đến Việt Nam. Những người bạn này đã truyền cho mình cảm hứng bất tận về cuộc sống của họ.”

“Trong cuộc sống gia đình và tình cảm, Hương thấy mình là một cô gái Việt truyền thống. Trong công việc, Hương có tính cách làm việc của một người Séc: chính xác, phương pháp, có tổ chức và hiệu quả. Về cách sống, Hương thấy mình gần gũi với người Mỹ la tinh. Người Mỹ la tinh có cách tận hưởng cuộc sống. Nhưng khi ai đó nói rằng, Hương từ nước nào đến, mình vẫn luôn tự hào trả lời: “Tôi là người Việt Nam”. Sự tự hào về chính mình, về đất nước mình là nền tảng cho mọi thành công trong cuộc sống".

Hương mới chỉ ngoài 20 tuổi. Cô chuẩn bị sang Pháp để học tiếp. Cô cũng chưa quyết định rằng, sẽ đi tiếp đến những quốc gia nào trên trái đất nhưng điều cô chắc chắn là sẽ đi khi trái tim mình mách bảo. Cô khẳng định: “Tận hưởng cuộc hành trình mình đang chọn quan trọng hơn cả cảm giác khi mình đến đích. Và để cuộc sống của ngày hôm nay thật ý nghĩa, bạn hãy sống như ngày mai mình không còn tồn tại”.

Theo Sinh Viên Việt Nam