1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

6/7 mặt hàng thiết yếu tăng giá

Trong số 7 mặt hàng thiết yếu (gồm khí hóa lỏng - gas, phân bón, sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi, thức ăn chăn nuôi, xi măng, đường ăn, thép xây dựng), chỉ có đường ăn là giảm giá, còn lại đều tăng giá so với thời điểm cuối tháng 12/2010.

Thanh tra Bộ Tài chính vừa hoàn tất đợt kiểm tra giá bảy mặt hàng thiết yếu tại 21 doanh nghiệp (DN) và đề xuất một số nội dung để ngăn chặn tình trạng giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng chóng mặt hiện nay.

 

4 DN tăng giá quá cao bị bêu tên

 

Theo kết luận kiểm tra, trong số 7 mặt hàng thiết yếu (gồm khí hóa lỏng-gas, phân bón, sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi, thức ăn chăn nuôi, xi măng, đường ăn, thép xây dựng) thì chỉ có đường ăn là giảm giá, còn lại đều tăng giá so với thời điểm cuối tháng 12/2010.

 

Tăng mạnh nhất là phân bón hóa học với 25%. Gas được tăng giá năm lần với mức 5%-12% ở Hà Nội và TP.HCM. Sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi tăng giá một lần ở mức 8%-11,5%. Xi măng tăng xấp xỉ 20% với ba lần điều chỉnh. Thép xây dựng cũng tăng 14% với 4-6 lần điều chỉnh…
 
6/7 mặt hàng thiết yếu tăng giá - 1
Gas được tăng giá năm lần với mức 5%-12%.
 

Bộ Tài chính nhận định ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, điện cũng như tỉ giá dẫn đến bảy mặt hàng thiết yếu phải tăng chi phí, từ đó phải tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, tại 21 DN được kiểm tra, có bốn DN điều chỉnh giá bán cao hơn nhiều so với mức tăng chi phí đầu vào tương ứng.

 

Đó là Công ty Xi măng Hoàng Thạch tăng giá bán bình quân hơn 18%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 14% so với giá thành năm 2010.

 

Công ty Cổ phần Xi măng Hoàng Mai tăng giá bán bình quân 19% (chi phí đầu vào chỉ tăng hơn 16%).

 

Công ty Cổ phần Việt Pháp tăng giá bán thức ăn gia súc 860.000 đồng/tấn, trong khi chi phí sản xuất bình quân chỉ tăng gần 510.000 đồng/tấn.

 

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tăng giá 25% (trong khi ảnh hưởng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 9,25%).

 

Từ kết quả này, Bộ Tài chính yêu cầu các DN trên không được tăng giá quá cao so với thực tế. Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu DN cắt giảm chi phí quảng cáo, tiếp thị để hạ giá thành sản phẩm.

 

Giá sữa tăng do DN vung tiền quảng cáo

 

Theo ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, kết quả kiểm tra giá mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi ở hai DN kinh doanh sữa là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho thấy cả hai DN này đều mạnh tay chi quảng cáo, tiếp thị vượt mức quy định (10% tổng chi phí kinh doanh).

 

Cụ thể, năm 2010, hai DN này đã chi quảng cáo tiếp thị vượt mức cho phép đến trên 100 tỉ đồng mỗi đơn vị. Trong đó, Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition Việt Nam đã chi vượt hơn 114 tỉ đồng. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vượt 181,4 tỉ đồng (trong đó quảng cáo sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tuổi là 8,6 tỉ đồng). “Nếu các DN này cắt giảm chi phí quảng cáo, tiếp thị thì chắc chắn giá sữa sẽ không tăng như thời gian qua” - ông Tuyến nhận định.

 

Ông Tuyến cho biết cái khó hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh để xử DN vi phạm định mức chi quảng cáo. “Đợt thanh tra giá sữa năm 2009 cũng vậy, có DN sữa chi quảng cáo, tiếp thị đến trên 50% tổng chi phí kinh doanh, tức là vượt gấp năm lần quy định. Để ngăn việc DN vung tay chi quảng cáo, thanh tra tài chính kiến nghị nếu DN nào vi phạm thì sẽ phạt bằng mức vượt, nghĩa là vượt một đồng thì sẽ nộp phạt một đồng” - ông Tuyến nói.

 

Theo Lê Thanh

PLTPHCM