1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

2 dự án bị Bộ trưởng Thăng “sờ gáy” sẽ cán đích trong tháng 6

(Dân trí) - Chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đường vành đai III Hà Nội khẳng định đang có tiến độ thi công “thần tốc” và cam kết thông toàn tuyến 2 công trình giao thông trọn điểm vào cuối tháng 6/2012.

Thông tin này được xem là nóng sốt và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi cách đây không lâu 2 dự án này đã bị Bộ trưởng Đinh La Thăng “sờ gáy” và thanh tra, thậm chí nhà thầu thi công khi đó đã phải đặt “cược” ghế giám đốc của mình để đổi lấy lòng tin cho năng lực và tiến độ dự án.

Tiến độ “thần tốc”

Trong chuyến công tác khảo sát tuyến của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hồi hồi đầu tuần, một lần nữa được các đơn vị thực hiện dự án đã “chốt” tiến độ gói thầu số 3 - đoạn đường từ ngã tư Thanh Xuân tới Bắc hồ Linh Đàm, đây là gói đầu tiên được khởi công tại Dự án đường vành đai III Hà Nội.

Gói thầu số 3 có chiều dài 3,2 km, đến nay Liên danh Nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) 4 - Cienco 8 thi công đã đạt 98% khối lượng, bao gồm cả việc thi công kết cấu cầu chính, lớp bê tông nhựa, hệ thống điện chiếu sáng và lắp đặt dải phân cách giữa.

Gói 3 - đường vành đai III Hà Nội sẽ thông xe vào 30/6
Gói 3 - đường vành đai III Hà Nội sẽ thông xe vào 30/6

Ông Vũ Xuân Hòa - Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) khẳng định: “Mục tiêu thông xe Gói thầu số 3 vào ngày 30/6, vượt trước tiến độ 5 tháng đang nằm trong tầm kiểm soát của chủ đầu tư”.

Việc thông xe gói thầu đầu tiên Dự án đường vành đai III có ý nghĩ rất lớn đối với giao thông Hà Nội, bởi công trình có điểm đầu tại Km19 + 620 (vị trí sau cầu vượt Mai Dịch hiện tại), điểm cuối tại Km 28 +532 (phía Bắc hồ Linh Đàm) khi hoàn thành sẽ kết nối 3 trục tuyến giao thông huyết mạch ở khu vực phía Bắc là: Quốc lộ 1, Quốc lộ 5 và Đại lộ Thăng Long.

Theo ông Hòa, tuyến đường cao tốc đô thị có chiều dài là 8,52 km đi cao, gồm 4 làn xe, đạt tốc độ thiết kế 100 km/h này còn đạt tiến độ thi công vào loại “thần tốc” trong lịch sử ngành GTVT.

Nằm trong tuyến này, 2 gói thầu xây lắp chính còn lại của Dự án là gói thầu số 2 do Sumitomo Mitsui thi công và gói thầu số 1 do Samwhan - Cienco 4 thi công cũng sẽ được Bộ GTVT thông xe vào 30/10/2012, lần lượt rút ngắn tiến độ hợp đồng từ 15 - 8 tháng.

Xóa các điểm “xôi đỗ” trước 20/6

Với ttuyến cao tốc “made in Việt Nam” Cầu Giẽ - Ninh Bình, từ cuối năm 2011, sau khi đưa vào khai thác 20 km đầu tuyến đoạn từ Cầu Giẽ tới Quốc lộ 21, đến nay Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang nỗ lực hoàn tất những hạng mục thi công cuối cùng để thông xe toàn bộ Dự án.
 
Đơn vị thực hiện dự án đang hoàn thành các công đoạn thi công cuối cùng trước khi thông tuyến
Đơn vị thực hiện dự án đang hoàn thành các công đoạn thi công cuối cùng trước khi thông tuyến

Hiện tại, đoạn tuyến từ Quốc lộ 21 tới nút giao Cao Bồ dài 30 km, gồm 4 làn xe chỉ còn vài trăm mét thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định chưa thể thảm bê tông nhựa do vướng giải phóng mặt bằng.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tiến hành bảo vệ thi công để các nhà thầu xóa nốt những điểm “xôi đỗ” mặt bằng này trước 20/6”.

Khác với dự án xây dựng đường vành đai III Hà Nội, trong suốt 7 năm thi công, Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình luôn phải đối diện với những thách thức rất lớn về vốn và mặt bằng. Thậm chí, ngay trong giai đoạn 6 tháng nước rút cuối cùng, VEC đã phải chấp nhận “giật nóng” hơn 300 tỷ đồng với lãi suất cao từ các ngân hàng thương mại do việc phát hành trái phiếu công trình cho dự án gặp bế tắc.

Được biết, sau khi thông tuyến, Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ kết hợp với đoạn tuyến đầu tiên của Dự án đường vành đai III để hình thành nên một trục giao thông hoàn toàn mới nối từ Hà Nội tới Ninh Bình gồm 4 làn xe, có vận tốc thiết kế lên tới 100 km/h.

Theo đó, tuyến giao thông mới bắt đầu từ ngã tư Thanh Xuân sẽ chạy trên phần cầu cạn dài 4 km qua bán đảo Linh Đàm kết nối với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ qua nút giao Pháp Vân thuộc Dự án xây dựng cầu Thanh Trì. Sau khi chạy trên 20 km đường từ Pháp Vân - Cầu Giẽ, tuyến sẽ tiếp tục kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km qua nút giao Đại Xuyên trước khi kết thúc tại nút giao Quốc lộ 10 tại Cao Bồ (Ninh Bình).

Với việc thông toàn tuyến và kết nối các trục giao thông trọng điểm nói trên, thời gian đi từ trung tâm Hà Nội tới Ninh Bình theo tuyến mới có chiều dài 74 km sẽ chỉ còn chưa đầy 1 giờ, rút ngắn hơn 40 phút nếu so với hành trình cũ, bám theo tuyến Quốc lộ 1 đang xuống cấp và mãn tải nặng.
 
Dự án đường vành đai III Hà Nội và Cầu Giẽ - Ninh Bình khi hoàn thành sẽ tạo ra trục kết nối
Dự án đường vành đai III Hà Nội và Cầu Giẽ - Ninh Bình khi hoàn thành sẽ tạo ra trục kết nối
giao thông quan trọng và rút ngắn thời gian chạy xe từ trung tâm Hà Nội đến Ninh Bình

Quỳnh Anh