Qua cuộc thi viết “Chuyện kể về ông bà và em”:

Cần nỗ lực để vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi được ghi nhận, hỗ trợ

Trong các bài viết, các em đã chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên của mình đối với ông bà, về các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, những bí mật hết sức thú vị giữa ông bà và các cháu; đặc biệt là các em đều thể hiện sự trân trọng giá trị và nền tảng của gia đình.

Ngày 16/11, tại Ngôi Nhà Xanh Liên Hợp Quốc, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HelpAge International) đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi viết "Chuyện kể về ông bà và em". Cuộc thi được tổ chức nhân ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) và Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2015, đối tượng dự thi là các em trong độ tuổi học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học với mục đích thay đổi quan niệm xã hội về người cao tuổi, giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam nhận thức tốt hơn về thực trạng già hóa dân số và thể hiện tình yêu thương, kính trọng đối với ông bà của mình và người cao tuổi nói chung.


Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện UNFPA phát biểu khai mạc buổi lễ.

Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện UNFPA phát biểu khai mạc buổi lễ.

Tại buổi lễ,  Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện UNFPA nhấn mạnh: "Các bài luận mà các em gửi đến cuộc thi không chỉ truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta về tình yêu thương ông bà, mà còn cho thấy lòng kính trọng và ngưỡng mộ mà các em dành cho ông bà của mình. Trong các bài viết, các em đã chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên của mình đối với ông bà, về các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, những bí mật hết sức thú vị giữa ông bà và các cháu và trên hết, các em đều thể hiện sự trân trọng giá trị và nền tảng của gia đình. Hình ảnh ông bà qua lời kể của các em, là những người cao tuổi chưa sẵn sáng cho giai đoạn "xế chiều", họ vẫn đầy nhiệt huyệt và mong muốn là những thành viên năng động, tích cực, được tham gia và được tôn trọng. Xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhà tài trợ: Tổ chức Quốc tế về người cao tuổi - HelpAge International , Nhà xuất bản Kim Đồng và tập đoàn Inter-Continental đã đồng hành cùng UNFPA tổ chức cuộc thi này. UNFPA cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ban giám khảo cuộc thi: Bà Caitline Wyndham, nhà văn Trang Hạ, bà Vũ Thị Quỳnh Liên – PGĐ.NXB Kim Đồng và cô giáo Nguyễn Thị Minh Hằng – hệ thống giáo dục Ban Mai”.


Nhà văn Trang Hạ giao lưu với em đạt Đặng Đức Anh, học sinh lớp 9A trường Hà Nội – Amsterdam, người đạt giải nhất cuộc thi.

Nhà văn Trang Hạ giao lưu với em đạt Đặng Đức Anh, học sinh lớp 9A trường Hà Nội – Amsterdam, người đạt giải nhất cuộc thi.

Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc tổ chức HelpAge chia sẻ: “Sau gần 1 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 403 bài dự thi của các em. Tôi đã đọc tất cả các bài được trao giải hôm nay và thực sự xúc động, hình ảnh của những người ông, người bà hiện lên rất thật trong các trang viết của các em, như những người chăm sóc, người bạn lớn,  người thầy, người hòa giải, là nguồn động viên, là tấm gương, là nghị lực, là nguồn cảm hứng cho các em. Những người cao tuổi đã thực hiện vai trò đó với trách nhiệm và tình yêu thương vô bờ bến. Ảnh hưởng tích cực và lâu dài của người cao tuổi đối với thế hệ trẻ là rất rõ ràng, cả khi họ còn sống hay đã mất, luôn mang lại cho các cháu một góc bình yên, một chỗ dựa lớn lao mà thầm lặng, mà đôi khi chúng ta chỉ cảm nhận được giá trị to lớn của nó khi  chúng ta không còn được nhận nữa”.

Giải Nhất của cuộc thi được trao cho em Đặng Đức Anh, học sinh lớp 9A trường Hà Nội - Amsterdam. Giải Nhì được trao cho hai em là Nguyễn Hạnh Trang, học sinh lớp 9E trường Hà Nội - Amsterdam và Nguyễn Tường Vy Linh, học sinh lớp 12Q1, trường Phan Đình Phùng.  Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải thưởng cho 4 em đạt giải Ba và 18 em đạt giải khuyến khích.

Cần nỗ lực để vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi được ghi nhận, hỗ trợ - 3
Cần nỗ lực để vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi được ghi nhận, hỗ trợ - 4

Chia sẻ tại buổi lễ, Nghệ sỹ saxophone Quyền Văn xúc động: “Tôi hoài cảm về quá khứ, chua xót vì mình chưa làm được nhiều điều cho bố mẹ mình. Từ những bài viết này, tôi mong các em hãy lấy đó là hành trang đi suốt cuộc đời mình".

Được nhà văn Trang Hạ đánh giá cao với bài viết vượt qua được sự mô tả nhân vật thông thường, bạn Hạnh Trang (giải nhì) – học sinh lớp 9F trường Hà Nội Amsterdam đã triển khai bài dự thi của mình với 1 cách tiếp cận thân thiện, chứa đầy tình yêu thương dành cho ông bà ngoại. Trang chia sẻ: Từ nhỏ em đã có thói quen viết nhật ký, mỗi khi có điều gì đó trong lòng khó nói thì em thường viết nhật ký, viết ra vừa làm cho mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn, vừa tăng khả năng hành văn của mình, giúp nuôi dưỡng những tình cảm của mình một cách đúng đắn nhất.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2014, số người cao tuổi đã chiếm 10,5% trong tổng dân số và dự đoán sẽ tăng gấp đôi là 23% vào năm 2040. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2014.  Trong bối cảnh thế giới đang xây dựng một chương trình nghị sự mới về phát triển và cam kết đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, mà người cao tuổi đã được đưa vào  15/17 mục tiêu, Việt Nam cần phải có một cách nhìn nhận mới về mô hình già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế, cũng như bảo vệ quyền của người cao tuổi, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

 

Khả Vân