1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người trèo sấu cuối cùng ở Hà Thành

Tôi gặp gã lần đầu tiên trên vỉa hè phố Lê Thánh Tông trước cửa một cơ quan lớn. Gã đang quét lá sấu. Lá sấu xanh ơi là xanh, xanh đến chua giòn - trong cái nắng hè chói chang, nhìn đã thấy tứa nước bọt.

Tôi hỏi gã sấu ở đâu ra, làm sao lại phải quét vỉa hè thế. Gã chỉ tay lên ngọn cây và nháy mắt với tôi cười “đợi tớ một tí, vừa móc được 7 cân sấu thì bị... phạt. Mua không, tớ bán cho, sấu Hà Nội, xanh, chua, giòn tan như quả cà!”.

 

“Hà Nội còn mình tớ trèo sấu”

 

“Cốp" một cái, tôi đã thấy vỡ tan trong miệng gã một quả sấu xanh không một vết nám, cuống vẫn ứa nhựa. Gã vuốt mồ hôi, khuôn mặt săn đỏ như giãn ra, yết hầu nhô lên, cái cổ nhẳng sun lại vì vị chua bào ruột thấu gan. Gã bảo, hôm kia, gã đã hái 6 cân sấu tươi trên cây sấu này, bà thường trực cơ quan tốt lắm, không những không bắt gã "quét rác”, mà còn lấy hộ 2 cân.

 

Hôm nay, đang định hái nốt thì bị đuổi, bị bắt thu dọn. Gã chép miệng “đợi hôm khác thu hoạch nốt vậy”. Tôi hỏi: "Không sợ người khác lấy mất à?". Gã cười, vớ lấy cái móc sắt hai đầu dài độ một sải tay như cái móc cua, xốc lại cái túi trên lưng hăm hở bước đi: "Hà Nội còn có mình tớ trèo sấu. Mấy ngày hôm nay ở đây (gã khoát tay chỉ hàng sấu suốt đường Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo), chiều ra "quần" nốt ở Phạm Ngũ Lão, sang tháng thì ra Phan Đình Phùng... Một vòng là hết mùa sấu. Năm nay sấu mất mùa, chả được bao nhiêu".

 

Tôi lếch thếch đi theo gã dọc đường Lê Thánh Tông, nhìn gã vừa đi vừa vếch mặt lên trời chỉ, trỏ những vòm cây sấu. Ai không biết thì tưởng chúng tôi đang ngắm cảnh. Nhưng không, gã khoan thai như một lão nông đang nhìn ngắm khu vườn của mình đến kỳ thu hoạch. Cái cây này to mà điếc, năm nay không có quả nào. Cây này bé, cụt ngọn mà được 4 cân, quả rất to. Cây này đành phải bỏ một cành chĩa vào ban công nhà người ta.

 

Đấy, đấy có nhìn thấy mấy chùm kia không ? Cậu chê sấu này quả nhỏ à? Khờ quá! Nhỏ mới ngon chứ. Sấu Hà Nội già lắm, đanh lắm, ra cách năm, năm ngoái sai, thì năm nay mất mùa. Phải cái không để già chín được, cứ già là rụng. Tức thế chứ. À có một cây sấu quả rất to, hợp ý cậu, nhưng phải chờ tớ nhé.

 

Gã dẫn tôi đến cây sấu ở cuối đường Phạm Ngũ Lão, ngay bên ngoài một khách sạn quân đội. Gã quay lại bảo tôi: Lấy rẻ cậu 5.000 đồng/kg, cây này hôm kia tớ đã trẩy đầy 2 túi, 14 cân rồi, còn để dành 4 cân, đưa trước 20.000 đồng đây tớ leo lên lấy nốt là vừa đủ"...

 

“Máu người Hà Nội có vị sấu chua"

 

Hà Nội có hơn ngàn cây sấu, dọc các phố: Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng... và trong các vườn hoa công viên. Đây đều là những cây sấu cổ thụ được trồng từ thời Pháp, biến Hà Nội thành nơi trồng nhiều sấu nhất nước... Nhiều bức tranh về Hà Nội xưa của những họa sĩ Pháp còn được lưu giữ đã in hình bóng cây sấu, cũng là hình bóng điển hình về Hà Nội một thời.

 

Khoảng chục năm trước khi sấu còn sai quả, Công ty Công viên Cây xanh còn tổ chức “đấu thầu" thu hoạch sấu. Những ai có nhu cầu chỉ việc đến công ty đăng ký, nộp một ít tiền, là được cấp ngay một cái giấy chứng nhận là người của “tổ thu hoạch sấu". Có cái giấy đó thì muốn trèo bao nhiêu thì trèo, hái được bao nhiêu thì hái. Nhưng càng ngày sấu càng ít quả đi, vả lại đời sống người dân cũng cao lên, chẳng ai thiết tha gì với quả sấu nữa, cho nên “tổ thu hoạch sấu" giải tán. Thỉnh thoảng mời có mấy đứa lêu têu leo lên cây nghịch ngợm là chính...

 

Sấu Hà Nội vẫn đứng ở phố ấy, chỗ ấy, số lượng không suy giảm đi bao nhiêu, nhưng cơ hồ như quá ít người nhắc đến. Cả cái câu khinh khỉnh “bọn trèo me trèo sấu” người ta cũng không nói nữa. Nhà văn Băng Sơn đã từng viết: “Máu người Hà Nội có vị sấu chua”. Thế nên, khi nhìn gã thoăn thoắt trèo lên cây sấu, cái móc sắt cầm ở tay, cái túi khoác sau lưng, tôi cảm tưởng như thấy một hình ảnh cũ của Hà Nội.

 

Đúng, gã tự nhận mình là "người trèo sấu duy nhất" còn lại, trèo từ năm 1964, 1úc mới lên 8 tuổi gã ngày càng già đi, còn cây sấu ngày một cao lên. Tôi phì cười. Gã vặc lại “thật thế, hồi đó, họ để cành sấu lòa xòa xuống đường, tớ đi xe đạp, thò tay lên bứt được quả cơ mà. Bây giờ người ta đốn cành sấu liên tục, cứ phải trèo lên tận ngọn mới lấy được quả. Tớ còm nhom thế này lại hóa may, vẫn bò được ra tận đầu cành sấu để bứt từng quả...”.

 

Đời sấu, đời người

 

Gã đang bò ra một cành nhỏ chĩa về phía khách sạn quân đội. Cái cành nhỏ mọc ngang, cong xuống, gã áp vào cành cây như con ve sầu để bò ra. Tất cả những người ở hai bên hè phố, cả đám thợ móc cống đều ngẩng lên nhìn gã vừa tò mò, vừa lo ngại. Trông gã như con dơi xoải cánh ở đầu lùm cây. Gã lấy móc uốn cong những cành nhỏ vào để vặt quả. Quả này to đấy, bắt nhé!", “Quả này hơi già". Rắc rắc một cành sấu gãy rơi xuống đường cái móc của gã kéo vào quá mức. Tôi không bắt được quả sấu gã ném cho, nó lăn xuống dưới đường, tôi vừa ngửa mặt lên nhìn gã vừa cắn một miếng sấu tôi thậm chí không còn cảm thấy vị chua trong miệng của mình nữa...

 

Tôi nhớ, trong một lần trò chuyện với bà Tuyết Thanh (Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty Công viên Cây xanh), tôi biết rằng sở dĩ cây sấu chưa khiến người ta mãn nguyện lắm, vì một mặt khó ươm trồng, rất chậm lớn, dễ bị tơ hồng leo bám, một mặt cành nó rất dễ gẫy, rất hay mục. Sau cơn mưa, gốc sấu đầy những cành khô rụng... Thế mà gã lại mang cả mớ tuổi nặng nề của mình để đánh đổi lấy những quả sấu!

 

Gã tên là Nguyễn Văn Giang (SN 1956) ở phố Đê Tô Hoàng. Năm 8 tuổi- trèo sấu. 20 tuổi- làm công nhân xây dựng ở Công ty Xây dựng số 2 trên đường Hai Bà Trưng. 3 tháng hè vẫn đi trèo sấu. Gã kể trẩy hết ở Hà Nội thì đi sang bên Đức Giang (Gia Lâm), ven đường đê có một bãi đất hoang, mọc đầy những cây sấu to cả người ôm, chẳng của ai cả. Năm nào gã cũng trèo, cho đến khi thư viện quân đội đặt ở bên đấy, xây tường rào lại, không cho trèo nữa, gã muốn “thầu” người ta cũng không bán, để mặc cho sấu rụng.

 

Bây giờ gã vô nghề nghiệp. Vợ thì đã bỏ gã từ lâu. Gã nuôi mẹ già hơn 80 tuổi, ngày đi phụ hồ (chỉ được 30.000 đồng), nhưng mùa sấu thì kiếm được. Mỗi cân 5.000 - 7.000, trên một buổi cũng được mươi mười lăm cân, chỉ ngại mỗi lúc đi bán. Gã sướng nhất là gặp người đi đường nhìn thấy gã trèo sấu gọi lại mua. Hôm qua, trên đường Hai Bà Trưng gã kể có anh đi ô tô con gọi gã từ trên cây xuống trả hẳn 7.000 đồng/kg, lấy tất cả 4 cân vừa trẩy được...

 

Tôi không dám nhìn gã chót vót trên ngọn cây sấu nữa. Những quả sấu trượt qua tay gã, rụng lộp bộp xuống đường. Toán công nhân móc cống, tay chân mặt mũi bẩn beo chạy ra nhặt lên cắn lốp cốp, tôi lại ứa cả nước miếng. Tôi bỗng nhận ra những quả sấu Hà Nội có đặc điểm là rất tròn, chúng lăn trên đường như những hòn bi ve.

 

Một bà già gánh đôi quang gánh đi qua, xin tôi một vốc sấu, bà cười cảm ơn, lộ ra hàm răng đen nhánh. Cũng lâu lắm tôi mới gặp một hàm răng đen trên đường phố Hà Nội.

 

 Theo Thể Thao &Văn Hóa