Nghề phe vé

(Dân trí) - Hàng xóm nhà tôi có cô cháu "kiều" ở Mỹ mới về, tính tình ồn ào làm lộn xộn cái ngõ hẹp như có thợ đào ống nước. Từ sáng đến tối, đệ tử kéo đàn đến nhà cô chơi, nhai kẹo cao su, oang oang khen "B. xinê" hết ý…

Tôi mới dọn đến nên không biết "B. xinê" nhưng trông cung cách phóng xe trong ngõ của cô và hơi nước hoa bay dày đặc như sương mù, tôi đoán chắc "B. xinê" phải đã đóng phim hành động nào đó. Tôi hỏi anh Thọ - một bậc "trưởng giả" trong ngõ, anh cười phá lên: "Diễn viên gì nó! Trùm phe vé ở các rạp chiếu bóng Hải Phòng ngày xưa thì có!". Nửa tuần lễ sau tôi làm quen B. Tôi khen cô diện như Mỹ, B. sung sướng khoe: "Ngày xưa em còn diện hơn ấy chứ! Hồi đó...".

Mọi con đường đều dẫn đến... rạp chiếu bóng!

Hồi đó, bắt đầu cách đây khoảng 25 năm. Ở thành phố "Hoa phượng đỏ" không có thú giải trí gì sướng hơn xem phim, dù Hải Phòng có đủ cả, “tân thời” thì có  một đoàn kịch nói chợt sáng chợt tối, một đoàn ca múa được gọi đùa là "mua cá", thường biểu diễn trong đám cưới hơn trên sàn diễn, “cổ" thì có một đoàn chèo, một đoàn cải lương mà đa số người Hải Phòng không biết họ đang làm gì, ở đâu?

Vào galerie là thú chơi quá quí tộc! Vũ trường có vài cái nhưng nhếch nhác, có vẻ lạc lõng trong một thành phố lam lũ làm ăn. Sân vận động đã gần như không còn vận động.

Mọi con đường đều dẫn đến rạp chiếu bóng. Người Hải Phòng gọi có phần thậm xưng nghề chiếu bóng là "VOSCO ( Cty Vận tải Biển Việt Nam- biểu tượng của sự giàu có) trên cạn". Anh bếp tàu viễn dương xưa hãnh tiến thế nào, thì chị đưa chỗ rạp xinê ngày ấy oai như thế.

Công ty điện ảnh Hải Phòng có 7 rạp chiếu. Thực thì không biết, nhưng danh thì ông trưởng rạp to bằng một ông giám đốc doanh nghiệp. Đi đâu cũng có người biết mặt, kẻ gọi tên, quen hết từ Công nghệ phẩm, Thực phẩm, Dược phẩm... Sáng ông đến rạp, ngồi trước một chồng sổ phân phối vé cao như chồng sổ gạo ở cửa hàng lương thực, mặt lạnh như kem, nghe lời thưa gửi ngọt ngào của vài chục vị chủ nhân những quyển sổ đó: "Xin anh cho cơ quan em trăm vé!"… "Cho" ở đây xin hiểu hộ là được mua vé với giá "mậu dịch". Mà phàm cái gì "mậu dịch" ra chợ đen là có giá chênh lệch.  Bởi thế,  nó có giá trị trao đổi như tiền.

Trong suốt nhiều năm bao cấp khó khăn, kẻ viết dòng này nhờ quen được cô thuyết minh chiếu bóng có những chiếc vé "ngoại giao", hầu như không phải xếp hàng đong gạo, mua thịt, mua củi... những việc hết sức tốn phí thời gian, vất vả, bực mình, nhưng rất quan trọng cho sự sinh tồn.

Dĩ nhiên những người không có sổ đỏ như y đành phải bâu chặt cửa rạp, chen lấn, xô đẩy, cố thọc được một cánh tay bám chắc vào cái lỗ cửa bán vé to hơn lỗ mèo, thả ra một mớ tiền héo, miệng gào "Chị ơi!".

"Chị" ngồi đâu đó sau tấm cửa sắt ấn vào tay 2 mảnh giấy với đống tiền lẻ để cho quí khách nắm lại, nghiến răng rút ra, đầu bù tóc rối nhưng hoặc dân phong lưu thì đứng xa rạp khoảng 200m đã có đội quân "ong ve" vài ba chục người của "B. xinê" đưa vé tận tay, chỉ tính tí chút phết phảy (hồi đó chưa có từ "phí dịch vụ") - vài trăm phần trăm gì đó!

Trong làng đánh vé chợ đen, "B. xinê" là trùm  được kính nể. Cô ta phân chia lãnh thổ hành nghề với các  trùm như Kim "đen" rạp Tân mà mặt mũi hớn hở. Những người ấy có sẵn lòng dũng cảm. Còn kẻ nhút nhát, chậm chân Việt, Hội "Kỳ Đồng" rạp Mồng1 tháng 5... Trùm móc ngoặc với một số nhân viên của rạp, lấy vé cho "ong ve" (đàn em) "đánh". Trùm giao khoán và định mức giá bán, phân chia lợi nhuận, bảo vệlãnh thổ, cai trị bằng luật giang hồ .  Cô ta lăm lăm một cây que dài 2m, chỉ huy "ong ve" như chăn đàn vịt. Mỗi "ong ve" giấu trong người 5 đến 10 vé, nhiều sợ công an bắt được đem nhốt vào phường. Lúc đó, trùm phải làm việc để giải thoát khi "ong ve" bị bắt.

-"Vé ở đâu ra?".

Ngồi uống cafe ở Vườn 22, "B. xinê " nói thoải mái: "Thì đánh từ trong rạp ra chứ đâu! Vào dây với ông rạp trưởng, bà bán vé thích ăn chia. Rồi "luộc" của mấy cha cộng tác viên cầm sổ phân phối vé cho cơ quan, mang về 3 bán ra 7. Ôi chao! Hồi ấy người ta tốt với nhau lắm!".

- "Thế phe vé có ngon không?"

- "Ngon!"- B uống một hơi cạn ly café- "Sau mỗi đợt phim như "Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại", em và mấy mợ bán vé lại ra tiệm vàng Cầu Đất đánh vòng đánh nhẫn".

- "Khoác!"

- "Anh không tin à! Mỗi ngày rạp chiếu 6 buổi, cao điểm 10 buổi! Rạp vừa vừa 600 chỗ. Tuỳ hôm, chúng em "đánh" nửa rạp hay 1/3 rạp. Ôi anh không tưởng tượng nổi khách đông như thế nào đâu!"

Biết chứ! Tôi đã chứng kiến cảnh tượng cả nửa tiểu đội công an cầm gậy thét loa, ngăn cản dòng người có vé và không có vé húc bật tung cả cửa sắt rạp Công nhân để vào xem "Mối tình đầu". 200 nhân viên Chiếu bóng Hải Phòng gọi phim "Tối mật" là phim "Tối mặt" vì chiếu suốt ngày tối tăm mặt mũi.

Thế rồi những năm 90, không còn bao cấp. Cả ngành điện ảnh ngơ ngác. Người Hải Phòng đã bỏ rơi các rạp chiếu bóng, để những thánh đường của "Nghệ thuật thứ 7" phải lấm chân đời thường. Rạp Hoà Bình đã hạ xuống bức áp phích "Nữ hoàng Cleopatre" mà trưng lên tấm bảng hiệu "Bia và các loại đồ nhắm". Cái không khí sôi động như đấu trường ngày xưa biến mất, sự im lặng vắng lạnh của chợ chiều ngự trị tất cả. Những cánh cửa sắt mở toang như lời mời chào ế ẩm. Ông rạp trưởng đứng nhổ râu lơ đãng ngó 2 chục vị "thượng đế" ngồi trơ trọi trong phòng chiếu trông càng mênh mông,  buông lời chán nản: "Ngày chiếu 1 buổi, khách có thế thôi!". Thậm chí, có hôm, nhân viên phục vụ còn đông hơn số khán giả! Rồi ông nói như tự an ủi mình: "Nhưng trong cái dở cũng có cái may. Hết khách chẳng còn ong ve đầu gấu!". Cô thuyết minh tiếp: "Chẳng còn thi kể chuyện phim!" và bà bán vé:"Chẳng còn sổ phân phối vé!". Tất cả cùng cười, một nụ cười... héo như dưa.

Dân phe vé cũng không còn thuỷ chung với rạp chiếu bóng . Trùm thì vượt biên, trùm thì giải nghệ. "B. xinê" ngồi vắt vẻo uống cafe như Hỗ Tam Nương trong tửu quán ở Thuỷ Hử. Ngày mai cô bay về Mỹ. "Người Mohican cuối cùng" của làng đánh vé xinê Hải Phòng ra đi. Sau cô chẳng còn ai nữa. Cô đưa cho một ong ve thân tín mấy triệu để nó mua cái xích lô ra đường kiếm ăn. Thế là hết đời ong ve!

Đâu cứ đông người là ta cứ đến!

Thời gian lết thết qua đi. Thời đổi mới đến. Đời sống kinh tế đất nước có nhiều biến động mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi sâu sắc của diện mạo văn hóa nghệ thuật. Một trong những dấu hiệu của nó là hoạt động biểu diễn  nở rộ. Các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ, tấp nập ngược nam xuôi bắc với những chương trình mới mẻ, lạ lẫm, kéo khán giả đến nhà hát. Thế là một đám tàn binh của đội quân phe trở lại chiến trường. Bỏ rạp chiếu bóng, họ vây nhà hát, nơi tổ chức những đêm diễn của Trịnh công Sơn hay Đàm vĩnh Hưng…Ngày nay, không còn khái niệm  vé "mậu dịch" rẻ như mùn, chỉ có vé thị trường cao ngất ngưởng, khiến cho việc vào nhà hát chỉ còn là một ước mơ của những người nghèo .Không còn các ông rạp trưởng xinê dễ tính, vẫn lấy phục vụ chính trị làm đầu, chỉ chấm mút vào cái vé tí ti. Họ phải làm việc với những bầu sô kiểu mới, chỉ biết lỗ lãi, ngồi tính đếm từng cái vé. Bởi thế,phe vé không còn là nghề béo bở, như thời hoàng kim của B xinê, dù họđã được hoạt động công khai. Bây giờ không có công an đi bắt phe vé, bởi vé không thuộc mặt hàng nhà nước quản lý, thế nên họ bắc ghế ra ngồi hàng ngang ngay trước cửa nhà hát, như hàng rào người phong tỏa phòng vé. Đấy là những người phụ nữ tuổi từ 30 cho đến 50, phong cách tự nhiên từ trang phục đến lời nói. Buổi biểu diễn chưa bắt đầu, họ đã tràn đầy không gian trước rạp, "bắt" người từ xa: "Tao lấy anh áo vét đen!", " Con xe Mẹc là của tao" v.v... rồi xông tới người "của mình" tận giữa lòng đường, dí vé vào mặt, liến thoắng mời chào, tán dẻo như kẹo, đến nỗi tôi có cảm tưởng họ bán được cả rượu vang cho chính người Pháp!Thế nhưng, nếu bạn là người không bị vô cảm thì hãy liệu hồn! Đã chót sờ tay vào vé "ong ve" thì cố mà mua, vì đây là vé "mở hàng của em". Bằng không, em thoắt biến ngay thành bà, té vào người bạn đủ thứ đa dạng nhất của ngôn ngữ vỉa hè. Đa phần khách xem chấp nhận dịch vụ "ong ve". (Người viết tạm dùng từ này,  bởi ngày nay không còn những trùm phe vé  như “K đen” hay “B xine”,nên cũng chẳng còn tay chân-” ong ve”. Phe vé hoạt động độc lập, mạnh ai lấy làm). Chàng, nàng đi xe máy đến cửa rạp, ghếch chân lên hè, tốn thêm vài chục ngànđồng, có đôi vé "đẹp", hàng đầu,chỗ giữa, khỏi cần vào trong phòng vé. Mà có vào cũng không dễ, "ong ve" sẽ  châm chíchchàng bằng những lời lẽ khiến chàng muốn bỏ chạy ngay, vì chợt hiểu ra: Tranh chấp với người đàn bà bị chệch choạc về ngôn ngữ là một việc làm nguy hiểm vô ích.  Hoạt động tích cực như thế, nên rất nhiều khi chương trình đổ bể, bầu sô chết đứng, song phe vé vẫn sống nhăn!

Phe lấy vé ở đâu ra? Ho mua từ chính bầu sô, những vé rẻ nhất( cho những gã đi xe Tàu) và vé đắt nhất( cho những ông ngồi ô tô). Phe thích nhất được mua lại từ những người trong hội đồng thẩm định nghệ thuật thành phố. Họ thường không dùng các vé biếu theo “tiêu chuẩn”, một thứ đặc quyền đặc lợi lỗi thời rơi rớt từ thưở bao cấp, đem cho và người được nhận đem bán, dĩ nhiên, giá rẻ!

Ngày nay kinh tế khó khăn, dân tình tiền ít. Văn hóa nghệ thuật bế tắc từ sáng tác đến biểu diễn. Những “ông sao” đang tắt dần. Hát cũng nhàm, hài cũng nhạt. Các nhà hát ở Hải Phòng bắt đầu tối nhiều hơn sáng. Phải hôm ế ẩm, "ong ve" cả đám vào rạp, nói cười ầm ĩ, chí choé cãi vã, mắng con và ca cải lương, tự nhiên như nhà!  "Ong ve" tình cảm hữu nghị với nhân viên rạp, thỉnh thoảng mời chị em một múi bưởi, cùng ngồi kể chuyện ngày xưa và than vãn buổi làm ăn khó khăn. Có lẽ than nhiều nên trời cũng thương!

Năm 2008, giám đốc công ty Xi măng Hải Phòng trở thành ông bầu của đội bóng đá Hải Phòng. Sân vận động Lạch Tray bỗng đông như kiến cỏ. Năm 2009, ôngmua danh thủ Delnison, Braxin. Thật khó nói hết tâm trạng phấn khích của người Hải Phòng, trong đó có các cô phe! Họ lại có mặt ở sân đá bóng, Vé chỉ 100.000đ, song các tay chơi đất Cảng ngán gì giá bán gấp 3,4 lần của những “ong ve”. Tuy nhiên một thời gian sau, ông bầu của đội bóng đá trở thành ông sao ở trên bầu trời  chính trị thành phố, đôi bóng Hải Phòng xuống dốc và thế là người đất Cảng bắt đầu nhạt với bóng đá. Các cô phe lại thấm thía “ nỗi đau khổ không của riêng ai”. Tuy nhiên, theo đúng tôn chỉ “ Đâu cứ đông người là ta cứ đến!”,thỉnh thoảng họ lại lên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nôi) phục vụ bà con trên đó và ra Đồ Sơn, một năm 2 lần, đón du khách dự lễ hội chọi trâu.

***

X là một cô phe vé, vẻ mặt có nét tươi tỉnh, hài hước. Thế nhưng, sau những nụ cười ròn rã giấu bao nỗi buồn u ám. Xét cho cùng thì nghề này cũng chẳng khiến họ giàu có. Cô nói :” Vất vả lắm đấy anh ơi! Thời nay đâu dễ lấy được tiền của thiên hạ. Nếu có  việc khác đủ ăn, em  bỏ ngay nghề phe vé. Đám con của em, chúng nó chẳng hãnh diện gì khi có người gọi mẹ nó là phe!”. Dẫu sao, bằng những hoạt động phe vé, "Ong ve" biến thành đám người quảng cáo nhiệt tình, các cộng tác viên tự nguyện mở rộng không gian hoạt động của rạp ra tận ngoài đường, tạo cho rạp một không khí sống động cần thiết. Phe vé trở thành thứ hàn thử biểu độc đáo để đo độ “hot”của các sân khấu biểu diễn. Nó cũng chỉ là một nghề mưu sinh theo quy luật của kinh tế thị trường.

Hà Linh Quân