Nghề lượm banh

Nghề lượm banh có cái hay là khi các VĐV “bụng bự” nghỉ mệt, tạm trống sân cũng là cơ hội cho trẻ lượm banh cầm vợt chơi thử. Chơi miết rồi đâm ra thuần thục, đánh lên tay, rồi sẵn sàng làm “quân xanh” mỗi khi có độ bị thiếu người.

Cơn mưa chiều kéo dài suốt 2 tiếng đồng hồ rồi cũng tạnh. Từ trong mái hiên căn nhà nằm bên rìa sân quần vợt Nhà văn hóa Thanh niên, hai chú nhóc trạc 14 tuổi “phi nước đại” ra giữa, tay cầm cái khăn lớn, nhàu nát. Bỗng một cú “thắng lết bánh”, tiếp theo là cú ngã “bịch” một tiếng khô khan, nguyên cặp mông gầy héo của một chú nhóc rớt thẳng xuống mặt sân xi măng, hình như nó hơi nẩy lên một chút, rồi chịu phép nằm yên một chỗ.

 

Bên trong có tràng cười khoái chí của ai đó và một tiếng nói vọng ra: “Thôi lau khô đi nhóc! Mấy anh cho thêm tiền!”. Như được tiếp thêm sức mạnh, chú nhóc ngoái lại phía tiếng nói, nở nụ cười méo mó trước khi lau một cách tận lực mặt sân đầm đìa nước. Vậy mà như có phép lạ, chỉ chưa đầy 15 phút, toàn bộ cái sân quần vợt ngót nghét gần 800m2 được vắt kiệt nước, để kịp “bàn giao” lại cho mấy vận động viên quần vợt “nghiệp dư” tiếp tục tỉ thí.

 

Trận độ chầu nhậu cuối tuần còn dang dở, mà tiền sân thì đã đóng từ đầu tháng, nên các tay vợt của chúng ta vào cuộc như điên. Đến lúc đó, tôi quay lại tìm chú nhóc vừa “đo sân” khi nãy thì bắt gặp chú đang ngồi ở một góc sân, tay xoa xoa cái mông bị đau, mặt nhăn nhó trông rất tội nghiệp. Thằng bạn cùng lượm banh chung thương tình bao trọn sân cho chú một chốc lát… Nhờ vậy, tôi mới có cuộc trò chuyện với chú nhóc lượm banh mươi phút, trước khi bị ngắt quãng liên tục vì chú bận chạy ra, chạy vào nhặt bóng ném lại cho người chơi.

 

T. sinh năm 1992, tức đến năm nay cũng chỉ mới 13 tuổi. Vậy mà trông chú già trước tuổi thấy rõ. Chú kể rằng mình “vô nghề” lượm banh rất tình cờ. Cách đây 1 năm, chú là tay bán bánh nướng “chuyên nghiệp” ở khu vực Nhà văn hóa Thanh niên và Công trường Quốc tế. Trong một lần mải mê xem hai tay vợt nhí tranh tài ở một giải thiếu niên nhi đồng, chú quên cả chuyện bán buôn. Đến khi quay lại nhìn mâm bánh thì nó vơi đi hơn một nửa. Sợ ăn đòn vì để mất bánh, chú òa khóc ngon lành. Mấy đại ca lượm banh lâu năm nhín mỗi đứa vài ngàn gửi cho, rồi còn nhường sân cho chú vô lượm banh một độ để có thêm tiền đắp chỗ hao hụt. Lần đó, T. tránh khỏi bị ăn đòn, nhưng cũng từ đó chú theo luôn “nghề” lượm banh.

 

Nghề lượm banh có cái hay là khi các VĐV “bụng bự” nghỉ mệt, tạm trống sân cũng là cơ hội cho trẻ lượm banh cầm vợt chơi thử. Chơi miết rồi đâm ra thuần thục, đánh lên tay, rồi sẵn sàng làm “quân xanh” mỗi khi có độ bị thiếu người. Nói là “quân xanh” chứ lắm khi tài nghệ của mấy tay vợt nhóc tì hơn xa mấy anh, mấy chú. Dân lượm banh sân quần vợt phải chạy nhiều, chạy tốc độ để không làm mất nhiều thời gian của người chơi.

 

Mỗi suất lượm banh tương ứng với thời gian đăng ký giờ trên sân của người chơi, thường từ 1 đến 2 tiếng, cần 2 nhóc đứng chực sẵn hai đầu, mà tiền công trung bình là 5.000 đồng, có khi gặp khách sộp cho lên gấp đôi. Đứa nào có sức thì mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn, nhưng khó qua 50 ngàn. Trừ tiền nước uống, tiền cơm bình dân, có khi là một ổ bánh mì thịt thì mỗi đứa còn lại khoảng 20 đến 30 ngàn. Đối với trẻ nghèo thì đây là số tiền lớn lắm.

 

T. thố lộ với tôi rằng mộng của chú là được sở hữu một cây vợt “ngon”, được chơi ở một giải đấu chính thức và trở thành nhà vô địch trong tương lai. Dù T. chưa hề thấy ông Bảy (tức Võ Văn Bảy), nhưng chú lại có thể kể vanh vách về danh thủ quần vợt số 1 Việt Nam qua mọi thời đại này, với lòng ngưỡng mộ, cùng ước mơ có ngày đánh quần vợt hay như ông.

 

Trên sân quần rất trật tự, vì các chú nhóc được “xếp tài” làm việc đàng hoàng, không còn cảnh tranh giành quyền được lượm banh như hơn chục năm trước. Thậm chí, nay đã có chú trở thành nhà vô địch thiếu niên, được mạnh thường quân bảo trợ và có một tương lai đầy hứa hẹn.

 

Theo Kim Phượng

Sài Gòn Giải Phóng