Bất ngờ Cà Mau!

(Dân trí) - Không giống như những gì chúng tôi mường tượng trước khi đặt đặt chân lên vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau hiện lên là một thành phố trẻ với vô số những bất ngờ, trong đó có cả niềm vui và sự day dứt.

Ăn đặc sản

Đến Cà Mau, những người khách ngoài Bắc chúng tôi có dịp được thưởng thức những món ăn được coi là đặc sản của vùng. Đó là khô cá lóc - rất hợp để làm món nhậu - hay lẩu cá kèo ăn cùng với hàng chục loại rau, hoa khác nhau, ăn mãi không biết ngán.

Nhưng một món ăn đặc biệt nhất vùng phải là thịt chuột đồng, vừa mềm vừa ngọt lại thơm lừng. Nghe khách phương xa nức nở khen ngon, anh bạn người địa phương cười tủm tỉm cho biết: Trước kia, thịt chuột cũng như tôm cá ở đây vậy, rất sẵn. Nhưng bây giờ, khí hậu thay đổi, người đến lập nghiệp đã đông đúc, lại dùng đủ mọi loại phương tiện đánh bắt hiện đại và hóa chất độc hại nên môi trường tự nhiên đã thay đổi rất nhiều. Nguồn thức ăn đã trở lên cạn kiệt, tôm cá không còn dễ đánh bắt như xưa, chuột thì ngày càng hiếm.

Đó có thể là giải đáp cho những thắc mắc của cá nhân tôi khi đặt chân đến Cà Mau. Bao nhiêu háo hức, mường tượng về miền đất xa xôi, quanh năm nắng gió hài hòa với hệ thống kênh rạch chằng chịt, với ngồn ngộn cá tôm và những điệu đờn ca tài tử ngân dài trên sông nước đã… không có.

Theo chân người bạn địa phương, chúng tôi đi đường Quang Trung để tham quan một trong những khu vực trung tâm phát triển mạnh về kinh tế của thành phố. Cắt giữa phố này là cây cầu có tên là cầu Mới bắc ngang qua con sông (kéo dài qua nhiều tỉnh rồi đổ ra biển, cũng chính là tuyến đường thủy đi ra mỏm đất cuối cùng của tổ quốc ta).

Tôi còn đang lạ lẫm với hệ thống giao thông thủy, bộ đan xen vùng đất Mũi thì người bạn đồng hành lại buông tiếng thở dài. Anh chỉ cho tôi những đoạn sông đầy bùn thối nhưng vẫn nườm nượp thuyền bè đi lại. Dọc hai dọc hai bên bờ là những ngôi nhà chìa sát ra mặt nước đen ngòm, lềnh phềnh rác rưởi. Thành viên sống trong ngôi nhà ấy từ già trẻ, lớn, bé… đều sinh hoạt, ăn uống và… thải luôn xuống sông.

Ở ngay dưới chân cầu Mới là khu vực chuyên bán buôn, bán lẻ chuột, trăn sống cho các nhà hàng trong thành phố. Đó là một khu chợ tạm tọa lạc ngay trên bãi rác thải hôi hám đến kinh người. Những người bán hàng và một số người dân sinh sống trên những chiếc ghe đậu sát bãi rác này dường như đã quá quen thuộc với mùi hôi thối nên họ thản nhiên ăn uống, bắc ghế ngồi nói chuyện ngay cạnh mấy thùng rác to tướng vừa mới được một xe ô tô chuyên dụng chở đến.

Tôi cố gắng nín thở lân la tìm đến một khu vực có người bán rắn và chuột. Những lồng mắt cáo bằng sắt đựng vài con trăn lớn bé vươn cổ, chực luồn ra ngoài. Vài chục con chuột đồng mang bộ lông đen xám cũng được nhốt tương tự, cứ giẫm đạp lên nhau kêu ầm ĩ, mùi hôi thối đậm đặc của chuột chết, phân và nước tiểu khiến tôi suýt ói. Cổ họng tôi chợt đắng ngắt khi nhớ đến bữa thịt chuột mà tôi khen ngon rối rít cách đó ít tiếng đồng hồ.

Người bán hàng cho tôi là một phụ nữ gầy gò, đen đúa tên Hậu. Chị cho biết ở đây có khoảng chục người sinh sống bằng nghề buôn bán thế này. Để có số chuột, trăn này, họ phải gom từ rất nhiều mối lẻ - những người đi bắt chuột trên đồng.

“Chuột đã chế biến thì rất thơm ngon chứ lúc sống thì bẩn thỉu, hôi hám vô cùng. Vì vậy, những người bán buộc phải di dời đến tận bãi rác này mới không bị đuổi. Cả ngày ngồi ngửi mùi hôi thối khiến đầu óc lúc nào cũng váng vất. Nhưng bù lại là kiếm được tiền nuôi gia đình. Hôi thối không sợ, chỉ lo đồng ruộng ít đi, hóa chất nhiều lên thì trăn, chuột cũng tuyệt chủng!” - chị Hậu tâm sự.

Để chứng minh mình vẫn còn sống đàng hoàng hơn một số ngườ khác, chị Hậu chỉ ngay ra phía những chiếc ghe rách nát đỗ đằng sau khu vực bãi rác. Đây là những gia đình sống bằng nghề nhặt rác trên sông. Tôi tiếp cận một chiếc ghe đang ghếch đầu trên bờ, gặp đôi vợ chồng già tên Thới đang ngồi ăn cơm đựng trong một bọc ni-lon nhàu nhĩ. Ông Thới cho biết đã sống bằng nghề này hơn 10 năm nay, vợ ông bị lao, nhưng không có tiền chữa bệnh nên cũng đành phó mặc cho số phận đẩy đưa.

Lúc tôi ngồi nói chuyện với ông Thới, mấy đứa trẻ nhem nhuốc thấy người lạ lập tức bâu đến. Chúng nhanh miệng xin tiền để mua gạo phụ ba mẹ. Ông Thới cho biết, ở quanh khu vực chân cầu này có vài chục đứa trẻ như vậy, chúng không biết chữ, sống bằng nghề nhặt rác và ăn xin!

Giải trí cũng đặc sản

Theo lời một đồng chí lãnh đạo của tỉnh, Cà Mau giờ đã là một thành phố trẻ, với đủ các thành phần kinh tế xã hội đang phát triển từng ngày, từng giờ.

Không ít người có tiền ở Cà Mau giờ đã có thói quen đi mua hàng ở siêu thị, shop thời trang. Ngoài những quán nhậu bình dân mọc dày đặc ở khắp mọi nơi, Cà Mau cũng có không ít nhà hàng cao cấp chuyên phục vụ mọi nhu cầu ăn uống và giải trí của các “anh Hai”.

Bước chân vào một nhà hàng sang trọng tên H.C trên đường Nguyễn Du, đoàn khách được gần chục cô phục vụ trẻ trung, nhanh nhẹn đưa tận tay mảnh khăn cứng quèo, mới được lấy từ tủ đá. Trong khi khách còn đang loay hoay cạy những lớp khăn đông cứng, dính chặt vào nhau rồi úp vào mặt, thưởng thức cái lạnh tê cóng thì các cô phục vụ đã nhanh tay khiêng vào mấy thùng bia, kèm ngần đó thùng nước đá.

Nắp bia được khui nổ tanh tách, những cốc thủy tinh chứa đầy đá cục được rót tràn miệng. Kiểu uống truyền thống của người dân Nam Bộ là uống gì cũng phải kèm nhiều đá. Những cốc bia không bao giờ cạn nhờ sự chăm sóc nhiệt tình của các cô gái phục vụ.

Người bạn địa phương cho biết, những cô gái phục vụ ở đây sẵn sàng uống hộ khách nếu được nhờ. Tửu lượng của họ không thua gì các đấng mày râu. Mục đích của họ là bán được càng nhiều bia càng tốt.

Ăn uống no say, loại hình giải trí đầu tiên được khách nhắm đến là đờn ca tải tử, vừa nghe các nhạc công chơi đàn, vừa ăn hoa quả, vừa được ngồi cạnh cụng ly, âu yếm cùng các “nữ nghệ sĩ”. Sau những lời ca tiếng hát ngọt như mía lùi là những lời hẹn hò, địa chỉ, số điện thoại giữa các “nữ nghệ sĩ” và các “anh Hai”.

Được biết, riêng nhà hàng H.C này có trên dưới 30 nhân viên phục vụ kiểu này. Mỗi tháng họ chỉ được trả 500 nghìn đồng, nguồn thu chính chủ yếu từ khoản tiền bo hoặc đi khách. Nhà hàng không đóng cửa, nhân viên cũng ít khi nghỉ trong những ngày giáp Tết, bởi đó là thời gian đông khách nhất trong năm!

P. Thanh