1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ côn đồ “lộng hành” giữa Hà Nội: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Chủ đầu tư thuê một đơn vị chuyên phá dỡ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, người dân cũng thuê người phá dỡ nhà. Xuất phát điểm của những mâu thuẫn dẫn đến xô xát, hành hung là quyết định “mở cửa” cho người dân tự phá dỡ nhà của UBND quận Đống Đa.

Khởi tố, bắt giam 1 đối tượng

Như Dân trí đã đưa tin, vụ côn đồ lộng hành tại dự án trọng điểm xây dựng đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, đang gây bức xúc trong dư luận. Ngày 15/5, Công an quận Đống Đa cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Đào Văn Phú (SN 1990, ở huyện Duy Tiên, Hà Nam) về tội cố ý gây thương tích.

Theo cơ quan công an, bà Nguyễn Tuấn Dung (SN 1961, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) được gần 20 hộ gia đình nằm trong diện giải phóng mặt bằng của dự án trên thuê phá dỡ công trình. Bà Dung đã thuê Đào Văn Phú làm bảo vệ khu vực phá dỡ, trông coi máy xúc và không cho đối tượng khác vào thu hồi phế liệu.
 
Đối tượng Đào Văn Phú.
Đối tượng Đào Văn Phú.

Trong quá trình làm việc, Phú và một số công nhân do bà Dung thuê phá dỡ đã nảy sinh mâu thuẫn với một số công nhân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc (Cty Phương Bắc), đơn vị được Chủ đầu tư xây dựng dự án trên (Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội - BQL các dự án trọng điểm) thuê phá dỡ, giải phóng mặt bằng.

Khoảng 16h ngày 9/5, sau khi uống rượu, Phú và Nghiêm Xuân Giang (SN 1984, trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã dùng ống tuýp nước xông vào hành hung một số công nhân của Cty Phương Bắc gây thương tích.

Theo trình báo của Cty Phương Bắc, vụ việc chiều ngày 9/5 đã khiến nhân viên lái máy Nguyễn Trung Thành bị đánh gẫy tay, vào Bệnh viện đa khoa Đống Đa bó bột; nhân viên bảo vệ Lưu Việt Đức phải mổ tay tại BV Việt Đức; một nhân viên bảo vệ khác tên Trần Bá Thắng cũng phải vào điều trị tại BV Việt Đức.

Dù cơ quan công an đã vào cuộc song theo phản ánh của Cty Phương Bắc, ngày 14/5, bà Dung cùng một số đối tượng tiếp tục đến công trình trên gây rối, có hành động chửi bới, làm mất an ninh trật tự tại khu vực này. Thậm chí, khi bảo vệ công trình ra can ngăn, các đối tượng còn dùng gạch ném lại bảo vệ và có lời lẽ đe dọa sẽ hành hung…

Hiện Công an quận Đống Đa đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý bà Nguyễn Tuấn Dung và đối tượng Nghiêm Xuân Giang.

Một căn nhà, hai người phá

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty Phương Bắc ký kết hợp đồng với BQL các dự án trọng điểm về giải phóng mặt bằng dự án xây dựng đường vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Hà Nội). Đến nay, chủ đầu tư bàn giao một số nhà dân đã đền bù xong và vẫn đang tiếp tục bàn giao các hộ dân khác.
 
Nhân viên bảo vệ Lưu Việt Đức bị đánh gẫy tay.
Nhân viên bảo vệ Lưu Việt Đức bị đánh gẫy tay.

Sau khi nhận bàn giao mặt bằng, Cty Phương Bắc nhanh chóng triển khai thi công giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư. Các biên bản bàn giao, giải phóng mặt bằng, đền bù giữa các hộ dân thể hiện, toàn bộ phần diện tích đất thu hồi, cũng như những vật kiến trúc trên phần diện tích thu hồi đó, đã được nhà nước thu hồi, đền bù và do đó thuộc sở hữu nhà nước.

Theo hợp đồng giữa Cty Phương Bắc với chủ đầu tư, phần tài sản trên đất được giao cho Cty Phương Bắc thu hồi để đối trừ vào phần kinh phí phá dỡ, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, kẽ hở dẫn đến những tranh chấp, mâu thuẫn trên xuất phát từ Quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND quận Đống Đa cho các hộ dân. Điều 2 trong quyết định này yêu cầu các hộ dân “tự phá dỡ, di chuyển, bàn giao mặt bằng cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận để thực hiện dự án…”.

Yêu cầu trên của UBND quận Đống Đa đã “vô tình” tạo điều kiện cho các hộ dân bán những tài sản, vật kiến trúc trên phần diện tích đất đã được thu hồi và đến bù giải phóng mặt bằng - những tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
 
Nhân viên bảo vệ Lưu Việt Đức bị đánh gẫy tay.
Kẽ hở trong Quyết định của UBND quận Đống Đa "vô tình" tạo ra những mâu thuẫn, gây mất an ninh trật tự tại khu vực này.

Nhận thấy những thiếu sót trong Quyết định của UBND quận Đống Đa, mới đây, Giám đốc BQL các dự án trọng điểm Nguyễn Sỹ Bảo đã ký công văn đề nghị UBND quận Đống Đa có văn bản thông báo điều chỉnh bỏ nội dung “tự phá dỡ” trong Điều 2 của Quyết định trên.

Theo BQL các dự án trọng điểm, các nhà dân trong khu vực dự án này phần lớn là nhà cao tầng, tường sát tường. Khi phá dỡ nếu không có biện pháp thi công sẽ ảnh hưởng đến nhau, gây hư hỏng nhà bên cạnh, rất có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Các hộ dân không đủ điều kiện để phá dỡ nhà cao tầng.

Cũng theo BQL các dự án trọng điểm, Ban quản lý đã bồi thường, đền bù cho các hộ dân, do vậy tài sản trên là của nhà nước, các hộ dân chỉ di dời phần tài sản đang sử dụng, không được phép phá dỡ, thu hồi mặt bằng.

“Thực tế các đối tượng này phá dỡ chỉ lấy thép, bỏ lại xác nhà (các bức tường cao chênh vênh, phế thải xây dựng chất cao vài mét…), không có biện pháp thi công phá dỡ cả những hộ còn chưa bàn giao mặt bằng, còn có người, rất nguy hiểm cho các hộ dân lân cận cũng như người dân xung quanh khu vực đó (có thể dẫn đến tai nạn chết người).” - Công văn của BQL các dự án trọng điểm nêu rõ.

Tố Linh