1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Khánh Hòa:

Vụ “ăn chặn” trầm kỳ: Cựu trưởng công an huyện “kêu oan” đến phút cuối!

(Dân trí) - Khi nói lời sau cùng trước tòa, cựu trưởng công an huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) vẫn tiếp tục kêu oan rằng: “Tôi không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Khánh Hòa xét xử vụ nhóm công an huyện "ăn chặn" trầm kỳ

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã truy tố bị cáo Nguyễn Thành Trung (cựu trưởng Công an huyện Khánh Sơn) về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Nhóm bị cáo Luân Văn Nam (trú thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn); Nguyễn Hồng Hà (nguyên Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Khánh Sơn); Vũ Anh Trung (nguyên Đội trưởng Đội cảnh sát Kinh tế Môi trường Công an huyện Khánh Sơn); Trần Lệ Kiên (nguyên phó đội trưởng Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Khánh Sơn), cùng bị truy tố về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

Ngày 14/8, phiên tòa xét xử vụ án “ăn chặn” trầm kỳ ở Khánh Hòa bước sang ngày thứ 3 và HĐXX đã dành cả ngày cho phần tranh luận giữa luật sư bào chữa cho cựu trưởng công an huyện và công tố viên. Luật sư Nguyễn Đình Thơ (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) bào chữa cho bị cáo Thành Trung cho rằng, bị cáo Thành Trung có bằng chứng ngoại phạm là tối 27/9/2012, bị cáo có mặt tại quán nhậu H.Q. (TP Cam Ranh), chứ không phải quán cà phê G.N. (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) để bàn bạc, thỏa thuận tỷ lệ ăn chia trầm kỳ.

Vụ “ăn chặn” trầm kỳ: Cựu trưởng công an huyện “kêu oan” đến phút cuối! - 1
Bị cáo Nguyễn Thành Trung, cựu trưởng Công an huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa
Bị cáo Nguyễn Thành Trung, cựu trưởng Công an huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa

Dựa vào lời khai của 3 nhân chứng tại tòa cùng với khẳng định của bị cáo Thành Trung, luật sư Thơ cho rằng “có đủ căn cứ để khẳng định bị cáo Thành Trung có mặt tại quán H.Q. vào 19h đến 19h30”, đồng thời cho rằng có 2 lời khai của 2 nhân chứng khác không đúng (một lời khai nói bị cáo Thành Trung đến sau 21h và một lời khai sau 22h) vì mâu thuẫn với những lời khai còn lại. Từ đó, luật sư Thơ đề nghị HĐXX cần thiết cho thực nghiệm điều tra.

Luật sư Thơ cũng tranh luận với công tố viên rằng “cục trầm kỳ không phải là tài sản do phạm tội mà có”. Luật sư Thơ phân tích rằng, vào tối 26/9/2012, khi người dân đào được trầm kỳ thì tình hình rất lộn xộn, có thể xảy ra gianh giành nhau nên Trần Lệ Kiên mới bắn một phát súng chỉ thiên để ổn định tình hình. Do sợ mất, nên người dân mới “nhờ công an giữ hộ” cho an toàn, chứ không phải công an thu giữ của người đào được trầm kỳ.

Luật sư Thơ lập luận cục trầm kỳ thứ 2 thì bị cáo Luân Văn Nam đưa cho bị cáo Hồng Hà và bị cáo Hà cầm đi một đoạn khoảng 10 phút thì “trả lại” cho Nam nên việc Nam làm gì, giao cho ai là quyền của Nam. Do đó, luật sư Thơ cho rằng công an không liên quan gì về cục trầm kỳ đó nữa.

5 bị cáo bị truy tố trước tòa
5 bị cáo bị truy tố trước tòa

Luật sư Thơ cũng tranh luận với đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng “không có căn cứ nào chứng minh đó là trầm kỳ, ngoài lời người dân nói”. Từ đó, luật sư Thơ đề nghị công tố viên cung cấp kết quả giám định đó là trầm kỳ và giá trị thực tế của nó là bao nhiêu.

Đối đáp với luật sư, đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa lập luận việc bị cáo Thành Trung có mặt tại quán nhậu H.Q (TP Cam Ranh) vào tối 27/9/2012 là có nhưng sở dĩ mốc thời gian có chênh lệch nhau là do cuộc nhậu diễn ra cách nay đã quá lâu, các nhân chứng khi đó đang ăn nhậu. Đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa lập luận từ việc xem xét các chứng cứ buộc tội, cả chứng cứ gỡ tội, cùng “lời khai có giá trị chứng minh”, thì xác định bị cáo Thành Trung có mặt tại quán H.Q là sau 22h ngày 27/9/2012.

Đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đối đáp với luật sư rằng vì trầm kỳ đã không còn nên “xác định giá trầm kỳ từ thực tế” và luật đã có quy định việc này. Ngoài ra, công tố viên cũng cho rằng “không cần thiết phải thực nghiệm điều tra” vì đã có đầy đủ căn cứ từ lời khai của các bị cáo, các nhân chứng, người đào trầm, tiền bán trầm kỳ để truy tố bị cáo Thành Trung.

Trước khi tòa nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng và đều tỏ ra ăn năn, hối cải xin HĐXX xem xét, chiếu cố để sớm trở về đoàn tụ với vợ con, gia đình. Đối với bị cáo Thành Trung xin HĐXX xem xét “thấu đáo, thận trọng, khách quan” và tiếp tục kêu oan lần cuối với tòa rằng: “Tôi không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Luật sư Thơ đề nghị cho thực nghiệm điều tra về cuộc nhậu ngoại phạm
Luật sư Thơ đề nghị cho thực nghiệm điều tra về "cuộc nhậu ngoại phạm"

Trước đó, công tố viên đã đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Thành Trung (cựu trưởng Công an huyện Khánh Sơn) từ 7 đến 8 năm tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị tòa tuyên nhóm bị cáo gồm: Luân Văn Nam 2 đến 4 năm tù; Nguyễn Hồng Hà 6 đến 7 năm tù; Vũ Anh Trung 5 năm 6 tháng đến 6 năm 5 tháng tù; Trần Lệ Kiên 5 đến 6 năm tù, cùng về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo hồ sơ vụ án, vào tối ngày 26/9/2012, Anh Trung, Hà, Kiên, Nam đã có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong việc thu giữ 2 đoạn trầm kỳ khai thác trái phép gây thiệt hại lợi ích nhà nước 4,15 tỉ đồng.

Đối với Nguyễn Thành Trung, biết rõ 2 đoạn trầm kỳ này là tài sản phạm tội mà có, nhưng vẫn đứng ra thực hiện việc mua bán, đưa ra tỉ lệ ăn chia nhằm mục đích hưởng lợi.

HĐXX cho biết sẽ tuyên án vào sáng 17/8 tới.

Viết Hảo