1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Thái Bình:

UBND huyện bị kiện vì hủy quyết định cấp đất cho dân

(Dân trí) – 15 năm sau khi được giao đất ở, 15 hộ dân ở huyện Kiến Xương nhận được văn bản do Chủ tịch UBND huyện ký hủy bỏ các quyết định giao đất này của người tiền nhiệm cùng thông báo cấp đất đó cho 15 chủ mới…

Vụ kiện qua 3 “đời” Chủ tịch huyện

Năm 1995, UBND tỉnh Thái Bình quyết định thu hồi 2.700m2 đất của Xí nghiệp gỗ Nam Thái tại huyện Kiến Xương giao cho UBND xã Hòa Bình lập quy hoạch khu dân cư. Trong năm 1995 và 1998, căn cứ các thủ tục và nghĩa vụ tài chính đã hoàn thành, UBND xã Hòa Bình lập hồ sơ và Phòng Địa chính huyện trình, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương đã ký 15 quyết định giao đất cho các hộ dân làm nhà ở.

Tuy nhiên, đến tháng 1/2003, các hộ dân phát hiện UB huyện cấp sổ đỏ phần đất cho bà Vũ Thị Lương ở TP Thái Bình nên khiếu nại. Tháng 8/2003, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương đã ký quyết định thu hồi sổ đỏ cấp cho bà Lương.

Nửa năm sau khi vụ bán đất bị phát hiện và phải hủy sổ đỏ cấp cho bà Lương, huyện mời các hộ dân lên trụ sở yêu cầu cung cấp giấy tờ liên quan đến các lô đất này. Các hộ dân trình các quyết định giao đất làm nhà ở do Chủ tịch UBND huyện ký tháng 11/1995 và tháng 3/1998, còn hồ sơ xin mua cấp đất do huyện và xã quản lý.
 
UBND huyện bị kiện vì hủy quyết định cấp đất cho dân
Phó Chủ tịch UBND và trưởng phòng TN-MT huyện Kiến Xương (phải) bảo lưu quan điểm hủy quyết định của Chủ tịch trước

Khi đó, cho rằng 15 quyết định cấp đất này “chưa đủ tính pháp lý”, ngày 3/3/2004, Chủ tịch UBND huyện Phạm Anh Đức ký Quyết định 79 hủy bỏ 15 quyết định giao đất mà Chủ tịch huyện tiền nhiệm đã ký, với lý do cấp đất không đúng tên người có đơn xin sử dụng đất, biên bản giao đất và nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước; không đủ thủ tục giao đất cho từng hộ gia đình cá nhân theo quy định của nhà nước; không nộp tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính… theo quy định của nhà nước đối với người được giao quyền sử dụng đất.

Bất ngờ với quyết định 79 này, từ năm 2004 các hộ dân liên tục khiếu nại lên UBND huyện và UBND tỉnh Thái Bình nhưng không được giải quyết triệt để. Đến tháng 1/2010, huyện lại gửi công văn thông báo tới 15 hộ dân quyết định cấp các lô đất này cho 15 người khác. Sau đó, xác định đây là những trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất, huyện cho rằng sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của UB.

Không đồng ý, người dân tiếp tục khiếu nại. Thêm gần 2 năm nữa, tháng 11/2011, UBND huyện Kiến Xương mới ra Quyết định 1599 giải quyết đơn khiếu nại của các hộ dân theo hướng giữ nguyên Quyết định 79 về việc thu hồi đất đã cấp từ năm 1995 cho các hộ dân.

Thừa nhận sai nhưng... không sửa?

Hiện, các hộ dân đã khởi kiện hành chính ra TAND huyện Kiến Xương yêu cầu hủy bỏ Quyết định 79. Sau 4 tháng thụ lý vụ án, tòa án huyện đã phải gia hạn thời gian đưa ra xét xử vụ “dân kiện quan” thêm 2 tháng.

Trao đổi về việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương Nguyễn Mạnh Lực (người ký Quyết định 1599 trả lời khiếu nại của các hộ dân, bảo lưu quan điểm hủy bỏ quyết định giao đất của Chủ tịch tiền nhiệm) thừa nhận chính quyền có thiếu sót khi để vụ việc kéo dài. Theo ông Lực, vụ việc phát sinh từ 1993 khi huyện Kiến Xương, trực tiếp là xã Hòa Bình giao cho ông Hoàng Văn Thảo và ông Nguyễn Văn Đức 2.700m2 đất, thu tiền 1 lần.

Huyện xác định bản chất sự việc là UBND xã thu tiền, giao đất cho 2 ông này. Việc chuyển nhượng cho 15 hộ không có biên bản giao đất, thủ tục không đầy đủ nên tháng 3/2004 đã ra Quyết định 79 hủy 15 quyết định giao đất cho các hộ này, xác định quyền sử dụng của ông Đức, ông Thảo.

Cụ thể, ông Lực khẳng định, hồ sơ cấp đất của các hộ thiếu giấy nộp tiền thể hiện nghĩa vụ tài chính của các hộ dân. Tuy nhiên, theo các hộ dân thì họ đã nhờ ông Thảo, ông Đức và ông Mầm (cán bộ địa chính xã Hòa Bình) nộp tiền sử dụng đất và thực tế tiền sử dụng diện tích đất này đã được nộp đầy đủ vào kho bạc. Vì thế, cùng với việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục từ cấp xã, qua phòng địa chính, chủ tịch huyện lúc đó mới ký quyết định giao đất theo đúng tên 15 hộ dân thực tế nộp tiền, không hề có quyết định giao đất, xác nhận quyền sử dụng cho ông Đức, ông Thảo.

Dù vậy Phó Chủ tịch Lực nhận định, việc 15 hộ phản ánh đã đưa tiền cho ông Đức, ông Thảo, là tranh chấp dân sự, huyện không giải quyết. “Nhưng sau đó, rà soát lại, thấy việc giải quyết của mình chưa hết trách nhiệm, UBND huyện đã giải quyết lại theo quy trình khiếu nại. Sau khi có trả lời khiếu nại, người dân mới có quyền khởi kiện ra tòa hành chính” – ông Lực giải thích.

Đặt vấn đề Chủ tịch huyện hủy quyết định của người tiền nhiệm là trái thẩm quyền so với quy định tại luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2004 (theo luật, Chủ tịch huyện chỉ có thể đề nghị cấp trên xem xét hủy quyết định của người đồng cấp), ông Lực phân trần, Chủ tịch đương nhiệm của Kiến Xương ký quyết định 79 đầu năm 2004, chưa có luật Tổ chức HĐND, UBND, huyện áp dụng theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên “không sai thẩm quyền”. Dù khẳng định quyết định 79 không phải là một văn bản quy phạm pháp luật nhưng ông Lực cũng không lý giải vì sao lại áp dụng luật này cũng như điều khoản áp dụng cụ thể.

Tại tòa án huyện Kiến Xương, Chánh án Nguyễn Thiện Thái, cho biết, việc chậm giải quyết và phải gia hạn thời gian đưa vụ kiện ra xét xử vì tính chất phức tạp. Sự “phức tạp” này phải chăng là hậu quả của việc UBND huyện hủy quyết định của Chủ tịch tiền nhiệm từ 15 năm trước?

P.Thảo