1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tự phát hành sổ tiết kiệm, 2 chủ hiệu vàng bị khởi tố

Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội cho biết, quá trình điều tra mở rộng vụ án liên quan đến hiệu vàng Thanh Tuấn (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) tự phát hành sổ tiết kiệm để huy động vốn, CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can (là chủ 2 tiệm vàng) về hành vi “Kinh doanh trái phép”.

Sổ tiết kiệm do doanh nghiệp Thanh Tuấn phát hành tương đối giống sổ tiết kiệm của ngân hàng
Sổ tiết kiệm do doanh nghiệp Thanh Tuấn phát hành tương đối giống sổ tiết kiệm của ngân hàng

Các đối tượng bị khởi tố gồm:  Nguyễn Thị Thanh (SN 1964), Giám đốc doanh nghiệp vàng bạc tư nhân Thanh Tuấn; vợ chồng Nguyễn Đức Toàn (SN 1964) và Đỗ Thị Ngọc (SN 1966), chủ doanh nghiệp vàng bạc tư nhân Ngọc Toàn. Bước  đầu, cơ quan công an xác định có khoảng trên 400 người đã gửi hơn 90 tỷ đồng (gồm tiền mặt và vàng) cho 2 hiệu vàng này.

Như Báo ANTĐ đã thông tin, ngày 27-8, CQĐT CATP Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét và niêm phong, kiểm kê tài sản đối với doanh nghiệp vàng bạc Thanh Tuấn. Trong quá trình khởi tố vụ án xảy ra tại doanh nghiệp Thanh Tuấn, CQĐT phát hiện thêm dấu hiệu vi phạm pháp luật tại hiệu vàng Ngọc Toàn. Theo cơ quan CSĐT, 2 doanh nghiệp nói trên huy động tiền gửi của người dân trong thời gian từ năm 2009 đến 2011 và phát hành sổ tiết kiệm giống như ngân hàng nhưng lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng từ 2,5 đến 3%/tháng. Bước đầu, các đối tượng này khai đã dùng tiền của người dân để kinh doanh bất động sản và cho vay lãi dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Tường trình tại CQĐT, bà Nguyễn Thị C, 70 tuổi, ở thị trấn Xuân Mai cho biết: Năm 2009, bà nghe theo người quen mang tiền đến hiệu vàng Thanh Tuấn để gửi tiết kiệm vì lãi cao gấp đôi so với lãi suất ngân hàng. Tổng cộng, bà C gom gửi tiền mặt và 8 “cây” vàng trị giá gần 700 triệu đồng. Khi gửi tiền, bà C. nhận được một sổ tiết kiệm có đóng dấu đỏ của doanh nghiệp giống như sổ tiết kiệm của ngân hàng nên rất yên tâm.

Thời gian đầu, doanh nghiệp trả lãi rất đầy đủ. Đến năm 2011, nghe tin hiệu vàng Ngọc Toàn ở gần đó bị “vỡ nợ”, bà C lo lắng đến đòi lại tiền thì được chủ hiệu trấn an cứ yên tâm. Bà C đề nghị rút số vàng đã gửi nhưng không được với lý do vàng của bà đã được mang đi cho vay, còn vàng ở cửa hiệu là để doanh nghiệp kinh doanh. Đến khi bà C đòi ráo riết, phía hiệu vàng nói sẽ quy ra đất để trả.

Theo bà C, sau đó dù được đưa đi xem đất, nhưng vị trí các khu đất đều rất xấu và giá quá cao. Thậm chí phía hiệu vàng còn bắt bà phải đưa thêm tiền nếu muốn nhận đất. Đây là điều bất khả thi, vì toàn bộ tiền vàng tích cóp đã được bà C đem gửi cho chính doanh nghiệp. Điều trớ trêu mà về sau này nhiều người dân đã gửi tiền, vàng ở hiệu vàng Thanh Tuấn mới nhận ra, đó là trước khi huy động vốn, chủ doanh nghiệp đã tìm cách đánh bóng tên tuổi một cách tinh vi. Doanh nghiệp Thanh Tuấn từng được vinh danh làm ăn tiêu biểu tại địa phương. Hiệu vàng treo rất nhiều ảnh vợ chồng chủ doanh nghiệp chụp chung với các vị lãnh đạo, khiến người dân đã đặt niềm tin rất lớn.

Theo Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội, 2 doanh nghiệp vàng bạc Ngọc Toàn và Thanh Tuấn không được phép kinh doanh tiền tệ, tín dụng, nhưng đã tự ý phát hành sổ tiết kiệm để huy động vốn sử dụng vào mục đích cá nhân là vi phạm pháp luật. CQĐT khuyến cáo người dân có nhu cầu gửi tiết kiệm cần cân nhắc, nên gửi vào những tổ chức kinh doanh tiền tệ, tín dụng có giấy phép để tránh rủi ro. Vụ án với dấu hiệu phạm tội được ghi nhận lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội này là bài học cho những giao dịch tiền tệ “ngoài luồng” mà phần thiệt thòi, trắng tay bao giờ cũng thuộc về những người hám lợi nhưng kém hiểu biết.

Theo Hà Minh

An ninh thủ đô