1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nghệ An:

Triệt hạ 3 cây sa mu dầu ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

(Dân trí) - 3 cây sa mu dầu có đường kính từ 2-2,5m, bị các đối tượng triệt hạ tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đang gây xôn xao dư luận. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Một thân cây lớn bị triệt hạ ở khu vực rừng Quế Phong.
Một thân cây lớn bị triệt hạ ở khu vực rừng Quế Phong.

Ngày 8/7, tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong (Nghệ An), đoàn kiểm tra liên ngành, gồm: Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt, Công an huyện Quế Phong và Công an xã Hạnh Dịch bắt quả tang 5 đối tượng đều trú tại xã Thông Thụ (Quế Phong) khai thác lâm sản trái phép, thu giữ hơn 200mgỗ sa mu dầu (thuộc nhóm gỗ 2A).

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Danh Hùng - GĐ khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho PV Dân trí biết: “Tất cả 3 cây sa mu dầu nói trên bị chặt hạ có đường kính từ 2-2,5m, nằm trong khu vực vườn của chúng tôi quản lý. Khu vực 3 cây sa mu dầu bị chặt hạ (khoảng hơn 200m3 bao gồm cả cành) thuộc địa bàn xã Hạnh Dịch, nằm giáp đường biên giới Việt - Lào”.

Ngày 9/7, ông Lê Cao Bính - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cũng cho Dân trí biết, sau khi nhận được thông tin Chi cục đã lên huyện Quế Phong để làm việc với chủ rừng, các ban ngành liên quan.

Sáng ngày 9/7, sau khi nhận được thông tin đích thân tôi và anh em trong Chi cục đã lên Quế Phong để làm việc với chủ rừng (khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt), công an và các ngành liên quan và đã đi đến thống nhất khởi tố vụ án và bắt tạm giam cả 5 đối tượng. Sắp tới, cơ quan điều tra cũng sẽ xử lưu động vụ án này để răn đe. Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng để đưa số cây này về phục vụ công tác điều tra, vừa là tang vật vụ án nhưng do địa bàn xa xôi, cách trở, gặp rất nhiều khó khăn, khả năng phải xin ý kiến tỉnh đưa số cây này sang địa bàn Lào rồi mới di chuyển về Quế Phong được”.

Cũng theo ông Lê Cao Bính, thì các đối tượng này đã dùng xe máy đi sang địa phận ở Lào rồi lên khu vực giáp ranh - nơi có những cây sa mu dầu để chặt hạ và đã bị bắt. 

Hiện tại liên quan đến vụ chặt cây sa mu dầu nói trên CA huyện Quế Phong đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5 đối tượng.

Mới đây nhất, vào những ngày đầu tháng 6/2015, lực lượng kiểm lâm phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Nghệ An) khống chế vụ phá rừng tại vùng biên giới thuộc xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, thu giữ 30m3 gỗ táu (gỗ nhóm 2).

Vụ phá rừng này thuộc khu vực biên giới địa bàn xã Thanh Thủy, nhóm đối tượng dùng cưa máy đốn hạ nhiều cây gỗ táu lớn có đường kính hơn 1m.

Điều đáng nói, khu vực rừng bị tàn phá chỉ cách cửa khẩu Thanh Thủy khoảng 3km và cách Trạm kiểm soát lâm sản Thanh Thủy thuộc Hạt kiểm lâm Thanh Chương 25km.

Sau khi nhận được tin báo, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, lực lượng kiểm lâm Nghệ An đã tổ chức mật phục và khống chế các đối tượng tham gia vụ phá rừng nói trên. Tại hiện trường lực lượng chức năng thu giữ 30m3 gỗ táu, cùng một số phương tiện liên quan khác.

Trước đó, vào cuối tháng 7 năm 2014, Kiểm lâm huyện Tương Dương (Nghệ An) phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng xã Tam Hợp và lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ tiến hành tuần tra kiểm tra rừng khu vực biên giới và phát hiện 1 vụ khai thác rừng gỗ rừng trái phép trên một diện tích khá lớn ở khu vực biên giới.

Theo đó, vụ khai thác rừng lớn trái phép tại khu vực biên giới xã Tam Hợp tại 5 chỏm đồi liền kề nhau thuộc các lô rừng: lô 3 khoảnh 6 và lô 3 khoảnh 10 tiểu khu 704, lô 1 khoảnh 10 tiểu khu 700; độ cao trung bình của khu vực bị khai rừng trái phép có độ cao khoảng 1300 - 1500m so với mặt nước biển, khoảng cách từ Trạm Biên phòng cửa khẩu Tam Hợp đến đầu vị trí vùng bị chặt hạ khoảng 3,6km.

Số lâm sản bị chặt hạ đa phần là gỗ Pơ mu nhóm IIA và một cây gỗ Dổi nhóm III, phần lớn là gỗ tròn, chỉ số ít đã xẻ thành hộp, bao gồm 50 gốc chặt cưa thành 60 lóng gỗ tròn Pơ mu, Dổi và 46 tấm gỗ xẻ Pơ mu. Cơ quan chức năng xác định dấu chặt còn mới, lá cây héo chưa khô hẳn.

Tổng khối lượng lâm sản là 156,768 m3 gỗ tròn và xẻ. Trong đó (ỗ tròn Pơ mu nhóm IIA: 59 lóng = 150,534m3; Gỗ tròn Dổi: 01 lóng = 0,800m3 và Gỗ xẻ Pơ mu: 46 tấm = 5,434 m3).

Sau khi vào cuộc, các cơ quan chức năng nhận định ban đầu, có 4 nhóm người liên quan đến việc khai thác rừng trái phép nói trên, họ là 1 số người dân tộc Hơ Mông thuộc 2 bản Phà Lỏm và bản Văng Môn của xã Tam Hợp.

Theo đó, cơ quan chức năng đã vận động và có 2 người tự khai nhận ở cùng 1 nhóm người và chặt hạ 27 cây Pơ Mu.

Cơ quan chức năng xác định đây là một vụ chặt phá rừng có tổ chức với quy mô lớn, nghiêm trọng và cần được xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; đồng thời nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp do địa bàn xảy ra vụ việc ở vùng biên giới giáp với nước bạn Lào, người vi phạm chủ yếu là người dân tộc Mông, nằm sát biên giới và có thể do một số đối tượng tiếp tay.

Nguyễn Phê