1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đắk Nông:

Trả hồ sơ vụ phó chánh thanh tra nhận tiền để “làm ngơ” xe quá tải

(Dân trí) - Sau nhiều ngày làm việc, nhận định vụ án còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ, đặc biệt là nhiệm vụ, trách nhiệm của bị cáo Trọng và chức năng, quy trình của trạm cân do Trọng làm trạm trưởng, nên HĐXX đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Ngày 18/9, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Lê Đình Trọng (nguyên Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông) về tội “Nhận hối lộ” và bị cáo Nguyễn Trọng Toàn (trú xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) về tội “Đưa hối lộ”, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên trả lại hồ sơ, điều tra bổ sung.


Bị cáo Trọng và Toàn (áo đỏ) tại phiên tòa sơ thẩm lần 2

Bị cáo Trọng và Toàn (áo đỏ) tại phiên tòa sơ thẩm lần 2

Trước đó, khi bị TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 7 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ” trong phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1, nguyên Phó chánh Thanh tra giao thông đã kháng cáo lên cấp cao hơn. TANDTC tại TP.HCM sau đó đã tuyên hủy một phần bản án và cho điều tra, xét xử lại.

Ngày 15/9, sau nhiều lần tạm hoãn, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2, phiên tòa kéo dài đến ngày 18/9.

Bị cáo Trọng: “Tiền trong tài khoản là tiền vay mượn dân sự”

Tại buổi làm việc thứ nhất, khi HĐXX bắt đầu làm việc, bị cáo Lê Đình Trọng đã có ý kiến đề nghị thay đổi vị Kiểm soát viên. Luật sư bào chữa cho bị cáo Trọng cũng đề nghị thay đổi KSV với lý do vị này không vô tư khách quan trong quá trình kiểm soát hoạt động điều tra, không làm rõ các nội dung mà Tòa án TAND cấp cao yêu cầu khi hủy một phần bản án vào ngày 15/9/2016.

Tuy nhiên, HĐXX không đồng ý với yêu cầu của luật sư và bị cáo, vụ án tiếp tục được xét xử. Chính vì vậy, trong phần xét hỏi, bị cáo Trọng chỉ trả lời các câu hỏi của HĐXX và luật sư đồng thời từ chối tất cả các câu hỏi của kiểm soát viên.

Trước HĐXX, Toàn khai do có quan hệ đồng hương và thường chở gỗ từ các cửa khẩu, lối mở 751 tại Đắk Nông về TP HCM nên tìm cách làm quen với bị cáo Trọng. Trong một lần xe hư, Toàn được bị cáo Trọng giúp đỡ nên sau nghe Trọng đang bị bệnh, khó khăn nên Toàn nhờ người chuyển Trọng 5 triệu đồng để giúp đỡ, trả ơn, không phải để nhờ thả, “làm ngơ” các xe quá tải. Sau đó ít lâu, bị cáo Trọng nhắn tin đang có việc cần tiền nên hỏi mượn Toàn 15 triệu đồng. Nguyễn Trọng Toàn không thừa nhận hành vi đưa hối lộ, giữa bị cáo và Trọng chỉ là “vay mượn” tiền

Bị cáo Trọng cũng cho rằng mình bị oan khi bị cáo buộc tội nhận hối lộ. “Do kiêm nhiệm nên phần lớn thời gian phân công cho các trạm phó, ca trưởng thực hiện nhiệm vụ, cũng chưa từng chỉ đạo nhân viên cấp dưới thả xe quá tải cho ai. Số tiền giữa bị cáo và Nguyễn Trọng Toàn là vay mượn tiền thông thường”, ông Trọng khẳng định.

Tòa: Trả lại hồ sơ, điều tra bổ sung

Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2013, kiểm tra xe quá tải trọng trên tuyến Quốc lộ14, Đội thanh tra giao thông (TTGT) do Lê Đình Trọng làm đội trưởng đã phát hiện và bắt giữ 4 xe container của Công ty TNHH Hiệp Toàn (trụ sở quận 9, TP.HCM) chở quá tải. Sau 4 ngày tạm giữ, các xe trên được cho đi mà không bị xử phạt với lý do các xe này vi phạm lần đầu. Sau đó, Toàn làm quen và lấy số điện thoại của Trọng để nhờ giúp đỡ khi có xe vi phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Từ cuối năm 2013 đến tháng 4/2014, Toàn nhiều lần gọi điện thoại cho Trọng để đặt vấn đề nhờ Trọng giúp đỡ khi xe của Toàn đi qua địa phần tỉnh Đắk Nông. Do được Toàn báo trước nên ngày 20/3/2014, Trọng không chỉ đạo tiến hành kiểm tra tải trọng 3 xe vận chuyển gỗ của Toàn.

Sau đó, từ tháng 4/2014 giữ cương vị Trạm trưởng Trạm kiểm tra tải trọng lưu động (TCLĐ) số 56 đặt trên tuyến Quốc lộ 14, Trọng đã hai lần gọi điện cho Toàn yêu cầu đòi tiền “chung chi” với tổng số tiền 20 triệu đồng để Trọng bỏ qua các lỗi vi phạm.

Ngày 1/4/2014, Toàn nhờ người gửi vào tài khoản cho Trọng 5 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 15/5/2014, Toàn nhờ vợ mình chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản cho Trọng. Do từng nghe Toàn nói Trọng có quyền kiểm tra xử lý xe trên đường nên khi chuyển tiền, vợ Toàn tự ghi nội dung chuyển tiền là “thanh toán tiền luật trên đường”.

Từ tháng 3/2014 đến tháng 10/2014, Công ty Hiệp Toàn vận chuyển gần 200 chuyến xe container chứa gỗ, dầu ăn từ Đắk Nông về TP. Hồ Chí Minh và ngược lại đều quá tải trọng mà không bị kiểm tra xử lý.

Cùng thời gian trên, Nguyễn Xuân Chung (nhân viên doanh nghiệp vận tải Phước Hòa, tỉnh Đắk Lắk) đã hai lần chuyển vào tài khoản của Nguyễn Tấn Mẫn (Nguyên Trạm phó trạm cân lưu động do Trọng phụ trách) tổng số tiền 29 triệu đồng để Mẫn bỏ qua lỗi vi phạm quá tải. Từ ngày 4/10/2014, doanh nghiệp vận tải Phước Hòa đã vận chuyển 173 chuyến xe quá tải trọng cho phép nhưng không bị kiểm tra xử lý.

Khi sự việc bị phát hiện, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã mời Nguyễn Tấn Mẫn lên làm việc. Tuy nhiên, sau đó Mẫn đã bất ngờ nhảy từ tầng 2 trụ sở cơ quan điều tra xuống đất tử vong. Trong quá trình điều tra vụ án, gia đình của bị cáo Trọng đã giao nộp 20 triệu đồng.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm lần 2, HĐXX đã tuyên trả lại hồ sơ, điều tra bổ sung, làm sáng tỏ một số nội dung: Kế hoạch, nội dung, biện pháp thanh tra trong tháng 3,4/ 2014 của Thanh tra SỞ GT-VT tỉnh Đắk Nông; Trạm KTTT số 56 có được dừng xe để kiểm tra hai chiều hay không, quy trình kiểm tra như thế nào; Trách nhiệm thời gian trực lãnh đạo của trạm trưởng, trạm phó trạm cân số 56.

Dương Phong