1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

“Siêu lừa” vượt mặt Trầm Bê - kẻ gây "đụng độ" hai ngân hàng

(Dân trí) - Cầm sổ đỏ để vay tiền ngân hàng này rồi mượn lại sổ để đi vay ở nhà băng khác,tài sản thế chấp không đủ giải ngân khoản vay nhưng lãnh đạo ngân hàng vẫn nâng quyền phán quyết, chuyện chỉ có ở Agribank chi nhánh 6 và “siêu lừa” Dương Thanh Cường.

Siêu lừa Dương Thanh Cường (nguyên giám đốc Công ty Bình Phát) được phóng thích ra khỏi trại giam vào năm 2005, khi vừa chấp hành xong 20 năm tù về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “đưa hối lộ”.

Cường bắt đầu “làm lại cuộc đời” khi thành lập hàng loạt Công ty như: Thanh Phát, Tấn Phát, Châu Hoàng Ngân, Tân Đại Phát… và kinh doanh rất nhiều ngành nghề.

Siêu lừa Dương Thanh Cường khiến cả Agribank và Phương Nam điêu đứng
"Siêu lừa" Dương Thanh Cường khiến cả Agribank và Phương Nam điêu đứng

Muốn kinh doanh thì phải cần vốn. Vì thế, Cường mang theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bất động sản số 10 Âu Cơ và 44 An Dương Vương sang Ngân hàng Agribank chi nhánh 6, TPHCM để vay tiền.

Cũng chính từ đây, đại họa bắt đầu giáng xuống Ngân hàng Agribank. Với hai giấy tờ trên, Cường xin vay 170 tỉ đồng. Chưa dừng lại ở đó, Cường lại mang thêm 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác đến Agribank chi nhánh 6 tiếp tục vay 700 tỉ đồng.

Với hai khoản vay này, Agribank chi nhánh 6 không đủ thẩm quyền cho vay. Nếu muốn cho vay, Agribank chi nhánh 6 phải xin nâng quyền phán quyết từ cấp trên. Không biết dùng những lời lẽ gì, Cường đã khiến cho Hồ Đăng Trung (nguyên giám đốc Agribank chi nhánh 6) cùng các nhân viên phải lấy quyền phán quyết của một bộ hồ sơ khác bỏ vào để cho Cường vay 170 tỉ đồng. Tiếp đến, Agribank chi nhánh 6 xin nâng quyền phán quyết thành công đối với gói vay 700 tỉ của Cường.

Thế nhưng, Dương Thanh Cường vẫn chưa yên phận và chấp nhận. Tiền vào túi chưa nguội, Cường tiếp tục chỉ đạo cho nhân viên cấp dưới và các giám đốc ở các công ty “con” do Cường lập ra ký giấy đi mượn lại các giấy tờ trên với lý do… chuyển đổi tên người sở hữu.

Điều đáng nói, khi cho mượn lại các giấy tờ đất nhưng Agribank chi nhánh 6 lại không có người theo giám sát Cường và để cho “siêu lừa” thoải mái với đống giấy tờ… “muốn làm gì thì làm”.

Lúc này, Cường tung ra “cú đấm” được xem là đau đớn nhất đối với Agribank chi nhanh 6 khi mang toàn bộ các giấy chứng nhận sử dụng đất sang Ngân hàng Phương Nam của đại gia Trầm Bê để tiếp tục thế chấp lấy tiền.

Hồ Đăng Trung cùng thuộc cấp nhiều lần đòi lại nhưng Cường luôn thất hứa hoặc xin gia hạn thời gian trả, cứ thế kéo dài nhiều năm. Thấy không ổn, Agribank chi nhánh 6 phải nhờ tới thanh tra. Nhưng mọi thứ đã muộn…

Với việc thế chấp chồng chéo lên nhau, Cường đã đẩy hai ngân hàng được xem là anh em trong giới tài chính phải đối đầu với nhau để giành – giữ tài sản.

Ngày mở phiên tòa, Cường và các “bộ sậu” của mình cùng với giám đốc, cán bộ của Agribank chi nhánh 6 đứng trước vành móng ngựa khai vanh vách. “Sếp” thì đổ cho nhân viên và nói vì quá tin tưởng nên mới vậy. Còn nhân viên thì nói chỉ làm theo chỉ đạo của sếp, không biết và không hưởng lợi gì cả.

Nhưng người dự phiên tòa không còn mấy quan tâm chuyện ai đúng, ai sai, vì tội danh của các bị cáo đã rõ ràng và chính các bị cáo cũng đã thừa nhận hành vị phạm tội của mình. Điều người dự tòa chờ đợi chính là muốn biết kết quả giải quyết hậu quả về những gì Cường đã gây ra.

Hồ Đăng Trung có là nạn nhân của Dương Thanh Cường?
Hồ Đăng Trung có là nạn nhân của Dương Thanh Cường?

Đại diện Ngân hàng Phương Nam cho biết, mình đến đây để giữ tài sản. Các giao dịch của Cường với ngân hàng đều được làm đúng thủ tục và quy trình. “Ngày 23/3/2010, Dương Thanh Cường đã ký gán sổ đỏ cho Ngân hàng Phương Nam. Vì vậy, các giấy tờ đất đai liên quan đã được hoàn tất và giờ nó là của chúng tôi”, đại diện Phương Nam nói.

Trái ngược với lập chắc chắn và vững vàng như “đinh đóng cột” từ phía Ngân hàng Phương Nam, đại diện cho Ngân hàng Agribank trở nên sốt sắng hơn. Trong những lần xét hỏi, vị đại diện cho Agribank luôn đề nghị HĐXX xem xét trả lại các giấy tờ đất Cường đã mang đi thế chấp với “cái lý” rất yếu.

Vị đại diện này lập luận, số giấy tờ trên đã được thế chấp đầu tiên ở Agribank chi nhánh 6. Việc thế chấp của Cường đã được Cổng thông tin của Ngân hàng cho đăng tải. Như vậy việc thế chấp của Cường ở ngân hàng khác, Agribank không chịu trách nhiệm và không liên quan.

Tuy chỉ mới là phần xét hỏi nhưng dấu hiệu của sự “đụng độ” ở các bên đã bắt đầu có… đường nét.

Quế Sơn