1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Phải làm sáng được chữ tâm trong mỗi người Cảnh sát

Dù đã trải qua biết bao khó khăn trong chặng đường phá án nhưng Thượng úy Nguyễn Duy Định vẫn chưa một lần nản lòng. Anh cho rằng, mỗi người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân phải giữ được cho mình một cái tâm thật sáng mới có thể vượt qua những trở ngại trong nghề nghiệp.

Sự quyết tâm cao độ

Là một trinh sát trẻ nhưng Thượng úy Nguyễn Duy Định đã có những thành tích vượt bậc trong công tác điều tra, khám phá những vụ án hình sự phức tạp trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội).

Thượng úy Nguyễn Duy Định
Thượng úy Nguyễn Duy Định
 
Vào ngành năm 1999 và nhận nhiệm vụ ở đội hình sự, Công an quận Đống Đa từ năm 2005, đảm nhiệm trọng trách đội phó từ tháng 1/2012, đó là những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp làm lính hình sự của Thượng úy Duy Định. Anh tâm sự rằng, càng gắn bó lâu với nghiệp Cảnh sát, anh càng mê, càng say nghề hơn.

Công việc của những trinh sát điều tra có thể phải thức trắng đêm, chịu đói khát nhưng niềm vui mỗi khi phá được án sẽ xóa nhòa đi tất cả. Cảm giác của những người Cảnh sát trong mỗi một vụ án đều rất khác nhau. Có những vụ sau khi bắt được hung thủ toàn thể anh em trinh sát vui mừng như đang được dự lễ hội, nhưng cũng có những lần, trong suy nghĩ của các anh tràn ngập nỗi niềm tiếc nuối, đau buồn bởi kẻ phạm tội có hoàn cảnh vô cùng éo le.

Kể về một vụ án tâm đắc nhất, Thượng úy Định nhắc đến lần truy tìm nhóm tội phạm chuyên cưa trộm cây sưa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thời điểm đó, nhiều nơi liên tiếp xảy ra các vụ cưa trộm sưa, riêng địa bàn quận Đống Đa, “sưa tặc” cũng hoành hành vô cùng căng thẳng.

Trước tình hình đó, Công an quận Đống Đa đã ngay lập tức thành lập chuyên án truy tìm nhóm tội phạm này. Nhận lệnh của chỉ huy, đội hình sự khẩn trương triển khai lực lượng thực hiện kế hoạch truy bắt. Lúc đó, Thượng úy Định trực tiếp chỉ huy một mũi trinh sát rà soát các địa bàn để lần tìm ra dấu vết của nhóm tội phạm.

Theo kế hoạch, các mũi trinh sát phải liên tục tuần tra toàn bộ địa bàn, trong đó tập trung chủ yếu vào những điểm có cây gỗ sưa. Xác định các nhóm “sưa tặc” chỉ hoạt động vào ban đêm nên lực lượng trinh sát đã cho trinh sát cải trang thường phục liên tục tuần tra dọc các tuyến phố.

Việc tuần tra diễn ra một cách hết sức bí mật để tránh trường hợp rút dây động rừng khiến “sưa tặc” lẩn trốn mất. Kế hoạch điều tra đang diễn ra với tiến độ rất tích cực thì trong rạng sáng ngày 5/3/2012, tại khu vực phố Tôn Thất Tùng, một mũi trinh sát phát hiện có đối tượng đang thực hiện hành vi trộm cắp cây sưa đỏ. Ngay sau đó, Thượng úy Định cùng các trinh sát triển khai kế hoạch bắt giữ các đối tượng. Tại trụ sở Công an quận Đống Đa, nghi phạm khai tên Đỗ Đình Tuyển, sinh năm 1988, trú tại huyện Thạch Thành - Thanh Hóa. Từ những lời khai của Tuyển, đội điều tra đã ngay lập tức lên đường về Thanh Hóa bắt những đối tượng đồng phạm.

Thượng úy Định đã trực tiếp dẫn đầu một mũi trinh sát đi truy bắt, tuy nhiên khó khăn đặt ra lúc đó là các đối tượng đều nằm ở nhiều địa bàn khác nhau, có những nơi rất sâu và xa, việc đi lại gặp vô vàn khó khăn. Với tinh thần đấu tranh quyết liệt, lần lượt các đối tượng đồng phạm trong nhóm chuyên đi cưa trộm sưa tặc cùng với Tuyển đều đã bị bắt giữ. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, toàn bộ nhóm nghi phạm đều đã bị bắt về cơ quan điều tra. Có tới hơn 12 đối tượng đã bị bắt và nhờ đó tình hình trộm gỗ sưa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bớt căng thẳng đi rất nhiều.

Thượng úy Định chia sẻ rằng, tuy đây không phải là một vụ truy bắt những tội phạm cực kỳ nghiêm trọng, sử dụng vũ khí nóng, giết người, cướp của nhưng để bóc gỡ được toàn bộ các đối tượng trong băng nhóm chuyên trộm cắp cây sưa không phải là một việc đơn giản. Để có thể bắt giữ được hơn chục đối tượng, các trinh sát đã phải mất rất nhiều công sức để vượt qua các trở ngại. Tuy nhiên, khi lần lượt từng đối tượng bị áp giải về cơ quan điều tra cũng là lúc mà tâm trạng của các trinh sát như được cởi bỏ hết tất cả những nặng nề, mệt nhọc.

Vượt qua sự chán nản

Tâm sự về những năm tháng khoác trên mình trách nhiệm của người lính điều tra, Thượng úy Định chia sẻ, cũng có những lúc trong suy nghĩ của bản thân cảm thấy khá chán nản khi việc điều tra rơi vào bế tắc rất khó giải quyết. Tuy nhiên, mỗi lúc như vậy, những người lính điều tra phải biết tự mình vượt qua những chán nản đó để có thể toàn tâm, toàn ý điều tra đấu tranh tìm ra các đối tượng phạm tội.

Tiếp câu chuyện về những lần phá án, Thượng úy Định nhắc về một vụ lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra trên địa bàn quận Đống Đa cách đây đã vài năm. Vụ việc này được phát hiện một cách hết sức tình cờ, khi đó, Công an phường Phương Liên có giải quyết một vụ tố cáo trộm cắp xảy ra tại một ki-ốt bán hàng tạp hóa. Người đàn ông tên T. là chủ ki-ốt, đã dắt theo một cậu bé chừng 10 tuổi đến Công an phường.

Theo lời tố cáo thì cậu bé đã ăn cắp tại ki-ốt do người đàn ông kia làm chủ một số lượng tài sản (trong bản khai báo, số tài sản đó không quá lớn, ước chừng khoảng hơn 1 triệu đồng). Người chủ phát hiện ra cậu bé ăn cắp đã vô cùng căng thẳng và quyết liệt yêu cầu cơ quan Công an phải giải quyết một cách nghiêm khắc.

Công an phường Phương Liên cũng thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình trong quá trình xử lý vụ việc. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra, khi cậu bé kia trong lời khai của mình đã tố cáo ngược người đàn ông kia đã “xâm hại tình dục” mình.

Lời khai của đứa bé khiến các cán bộ có mặt ở đó cảm thấy vô cùng choáng vàng. Những nghi ngờ được đặt ra, nhưng chuyện một đứa bé 10 tuổi kể vanh vách về những lần xâm hại của ông chủ đối với mình khiến cơ quan Công an đã đặt ra nhiều dấu hỏi lớn? Vụ việc này ngay sau đó đã được báo cáo lên lãnh đạo Công an quận Đống Đa.

Xem xét tình hình cụ thể và nghiên cứu kỹ những lời khai của cậu bé, lãnh đạo Công an quận đã quyết định cử trinh sát điều tra xuống làm thực hư trắng đen. Cùng với các trinh sát trong tổ điều tra, Thượng úy Định cũng là người trực tiếp tham gia đấu tranh để làm sáng tỏ vụ án này.

Dù lời khai của cậu bé kia đã khá rõ ràng nhưng việc xác minh, chứng thực các thông tin cũng không hề đơn giản. Từ việc thu thập thông tin từ quần chúng nhân dân, cho đến việc điều tra những dấu hiệu bất thường từ người đàn ông này đều được thực hiện một cách bí mật, tránh xảy ra sự ồn ào. Bên cạnh đó, tổ trinh sát cũng lên danh sách những cậu bé đã từng làm thuê tại ki-ốt để lấy thêm lời khai.

Quá trình xác minh của lực lượng trinh sát cho thấy, ông chủ của ki-ốt này thường ra các chợ lao động, những khu ổ chuột sau đó thuê một đến hai đứa trẻ là nam giới để về làm thuê. Những đứa trẻ này phải làm việc cả ngày ở ki-ốt, được ông chủ cho ăn nhưng không hề trả lương. Tuy nhiên, một đặc điểm bất thường những đứa trẻ làm việc tại ki-ốt này chỉ được một thời gian ngắn lại bỏ đi mất tích, chính vì vậy mà chỉ trong hơn một năm, đã có tới 5-6 cậu bé phải “bán xới”.

Nghiên cứu kỹ lời khai của cậu bé tố cáo, các trinh sát đã quyết định phải tìm được tất cả các cậu bé từng làm thuê tại ki-ốt, từ đây sẽ có thể biết được sự thật về việc “làm dụng” của người chủ ki-ốt. Việc tìm lại các cậu bé đó cũng không hề đơn giản vì tất cả đều không thể xác minh được chính xác địa chỉ, quê quán. Các trinh sát phải lần tìm từ lời khai của những người xung quanh, từ những nơi mà các cậu bé đã sống trước khi đến làm việc tại ki-ốt.

Khó khăn nữa là tất cả các cậu bé đều là người ở những tỉnh xa như Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên… vì vậy mà dù có biết được địa chỉ thì việc tìm được cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên, Thượng úy Định cùng các trinh sát trong tổ điều tra đã cố gắng hết sức để tìm được các cậu bé, từ đó những nghi ngờ từ vụ lạm dụng sẽ được làm sáng tỏ.

Sau một thời gian tích cực điều tra, các trinh sát đã tìm được 3/5 cậu bé đã từng làm việc tại ki-ốt. Từ những thông tin của các cậu bé này, cơ quan điều tra đã đủ tài liệu, chứng cứ để khởi tố người chủ ki-ốt về tội “lạm dụng tình dục trẻ em”. Toàn bộ sự thật về ông chủ đồi bại sau đó cũng được làm sáng tỏ khiến cho tất cả mọi người xung quanh phải cảm thấy bất ngờ và choáng váng

Theo Gia Nguyễn
Cảnh sát toàn cầu