1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Người tố cáo Kiểm sát viên nhận tiền "chạy án" có được miễn trách nhiệm hình sự?

(Dân trí) - Theo quan điểm của luật sư, Viện KSND Tối cao hoàn toàn có căn cứ để khởi tố người tố cáo kiểm sát viên nhận hàng trăm triệu đồng tiền "chạy án". Tuy nhiên, trước những diễn biến của sự việc, cơ quan chức năng cũng có cơ sở để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Định.

tc-1458688006727

Phạm Duy Định bị đề nghị truy tố sau khi tố cáo Kiểm sát viên nhận hàng trăm triệu đồng để "chạy án".

Về vụ việc Phạm Duy Định - người tố cáo tiêu cực bị Viện KSND Tối cao khởi tố bị can về tội “đưa hối lộ”, trao đổi với phóng viên, Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai cho biết, trước hết phải khẳng định rằng hành vi đưa tiền của Phạm Duy Định cho Trần Tiến Hưng để em gái của mình được tại ngoại đã cấu thành tội Đưa hối lộ theo quy định tại Điều 289 BLHS.

Do vậy, việc Cơ quan tố tụng là Viện KSND Tối cao khởi tố Định về tội danh nêu trên là hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm, đối với tội danh “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” thường khó bị phát hiện nên để khuyến khích việc tố giác tội “Nhận hối lộ”, tại Khoản 6 Điều 289 BLHS quy định 2 trường hợp được coi là không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự:

Thứ nhất, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Thứ hai, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

“Như vậy, đối chiếu trường hợp của Phạm Duy Định với Khoản 6 Điều 289 BLHS thì Định có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, quyết định miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự thuộc thẩm quyền của Cơ quan tiến hành tố tụng”, luật sư Lê Hồng Hiển nói.

Luật sư Hiển còn cho rằng, theo quy định tại Điều 46 BLHS, nếu người phạm tội đã ngăn chặn làm giảm bớt tác hại của tội phạm, thành khẩn khai báo hoặc tự thú thì được coi là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi Toà án quyết định hình phạt.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 BLHS thì “Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Cùng quan điểm với Luật sư Lê Hồng Hiển, Luật sư Giang Văn Quyết – Giám đốc công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, người được miễn trách nhiệm hình sự là người có hành vi phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nhất định tại Khoản 2, Điều 25 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: Trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

“Như vậy, đối với Định, một người đi trình báo Cơ quan điều tra về hành vi nhận hối lộ để chạy án và đã phối hợp với cơ quan điều tra trong việc khai báo và truy bắt người phạm tội thì việc người này được miễn trách nhiệm hình sự là có căn cứ”, luật sư Quyết khẳng định.

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc về vụ án này.

Tuấn Hợp