1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TP.HCM:

Người quản giáo dùng nụ cười chinh phục khó khăn

Trò chuyện với tôi, anh nói rằng, nụ cười chính là một bí quyết giúp anh chinh phục những khó khăn trong công việc quản lý giáo dục những con người từng một thời lầm lỡ.

Không giống như sự tưởng tượng của nhiều người về sự nghiêm túc đôi khi có phần khô khan của nghề quản giáo, những quản giáo tôi gặp và trò chuyện tại Trại giam Thủ Đức rất hóm hỉnh, vui vẻ, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi. Thượng úy Nguyễn Văn Tỵ là một trong những người quản giáo như thế.

Thượng úy Nguyễn Văn Ty.
Thượng úy Nguyễn Văn Ty.

Thượng úy Nguyễn Văn Tỵ là một trong ba gương mặt trẻ của Trại giam Thủ Đức được cử đi tham gia và giành giải nhất Hội thi quản giáo giỏi cụm 6 của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đó là kết quả của suốt 12 năm liên tục phấn đấu từ khi anh bắt đầu công việc ở đây.

Anh kể lại, khi quyết định rời quê hương Quảng Trị vào Bình Thuận công tác tại Trại giam Thủ Đức, anh đã xác định rất rõ việc mình sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất và công việc ở trại giam này, bởi: “Đã xác định vào nghề thì phải cố gắng và chấp nhận những thử thách. Xa nhà, tôi coi cơ quan là gia đình, coi đồng đội là người thân của mình để xác định tinh thần phấn đấu”.

Đặc biệt, những người thân trong gia đình hết sức ủng hộ và tự hào về công việc của anh. Họ nói với anh rằng, nghề Công an trại giam tuy vất vả nhưng nó có những vinh quang riêng của nó, cái vinh quang của những con người giúp đỡ những người lầm lạc hoàn lương, trở về làm những công dân có ích cho xã hội.

Ngoài giải nhất Hội thi quản giáo giỏi cụm miền Đông Nam Bộ, Thượng úy Nguyễn Bá Tỵ còn được biết đến như một cây văn nghệ có tiếng ở Trại giam Thủ Đức, thậm chí nhiều phạm nhân cũng biết đến giọng hát của anh. Trong nhiều cuộc giao lưu, cả đồng đội lẫn những phạm nhân trong trại giam thường yêu cầu anh biểu diễn.

Khi tôi nói đùa, vẻ bề ngoài lãng tử đầy chất nghệ sĩ và giọng hát hay có làm giảm bớt chút hiệu quả nào trong công việc của anh không thì anh cười tươi và nói rằng: “Không những không ảnh hưởng mà còn giúp ích rất nhiều cho tôi trong việc quản lý và giáo dục các phạm nhân trong đội của mình”.

Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng phạm nhân là những người vi phạm pháp luật nhưng trước hết họ là những con người. Giữa con người với nhau thì quan trọng nhất vẫn là tình cảm. Ban đầu tiếp xúc với họ, tôi bao giờ cũng hết sức niềm nở để tạo cho phạm nhân cảm giác yên tâm cải tạo, trước hết mình dùng tình cảm và sự chân thành của mình để cảm hóa họ.

Nếu như họ không chuyển biến theo hướng tích cực khi ấy mình mới nghiêm khắc trong phạm vi của pháp luật cho phép. Mình thoải mái để tạo sự hòa đồng cho phạm nhân nhưng không có nghĩa là dễ dãi. Từ đó phạm nhân sẽ tôn trọng và chấp hành tốt nội quy của trại giam, yên tâm cải tạo tốt để sớm trở về làm người có ích trong cộng đồng”.

Để đến với Hội thi quản giáo giỏi cụm miền Đông Nam Bộ, Thượng úy Nguyễn Văn Tỵ đã phải vượt qua các vòng thi ở Trại giam Thủ Đức để được lựa chọn. Khi tôi hỏi anh rằng, sự niềm nở có phải là bí quyết giúp anh giành được giải nhất hội thi, anh khiêm tốn chia sẻ: “Mỗi người đều có cách thức riêng để hoàn thành tốt công việc của mình.

Riêng về giải nhất mà tôi giành được đó là do tổng hợp nhiều yếu tố trong đó bao gồm sự hiểu biết pháp luật, kiến thức, kinh nghiệm và quá trình rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ của tôi. Bản thân tôi không quá quan trọng việc được giải mà chỉ cố gắng làm hết sức mình, hơn nữa hội thi cũng là cơ hội học thêm nhiều kinh nghiệm từ các đơn vị bạn”.

Những điều thể hiện trong hội thi cũng là một phần công việc hằng ngày của anh tại Trại giam Thủ Đức. Với những người làm công tác quản lý giáo dục như Thượng úy Nguyễn Văn Tỵ, họ phải trực tiếp và thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phạm nhân.

Thông qua tiếp xúc hằng ngày, thông qua phạm nhân tự quản, phạm nhân giúp việc và thậm chí là thông qua gia đình, người thân của phạm nhân để tìm hiểu tâm tư của họ, giúp họ yên tâm cải tạo tốt. Có nhiều trường hợp, phạm nhân có chuyện buồn gia đình nhưng vì lòng tự trọng cá nhân nên họ không thổ lộ với người khác.

Trong những tình huống ấy, người quản giáo phải là người gần gũi, tạo niềm tin cho phạm nhân để họ có thể bộc bạch tâm sự. Điều mà những người quản giáo như anh quan tâm nhất chính là thái độ chấp hành án của phạm nhân. Tất cả những sự gần gũi, quan tâm, chia sẻ cũng là vì mục đích cuối cùng ấy.

Từ khi bắt đầu làm việc ở Trại giam Thủ Đức, Thượng úy Nguyễn Văn Tỵ đã có giai đoạn quản lý giáo dục gần 50 phạm nhân nữ. Anh nói rằng, đó cũng là thời điểm anh cảm thấy khó khăn nhất bởi trong đội của anh bên cạnh những người già, bệnh tật còn có cả những phụ nữ trẻ.

Là nam giới lại phải quản lý những phạm nhân nữ nên không tránh khỏi những tình huống tế nhị trong khi làm việc nên ban đầu có rất nhiều khó khăn bởi khi đó anh là cán bộ mới lại chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng dần dần, thông qua những phạm nhân giúp việc – cầu nối giữa anh với các phạm nhân khác, những khó khăn ban đầu cũng dần được khắc phục.

Anh tâm sự: “Làm nghề này khó khăn thì nhiều lắm, nhưng mình đã xác định trước những khó khăn ấy và gắn trách nhiệm của mình vào thì sẽ vượt qua được hết. Thực chất, việc quản lý con người đã là rất khó khăn, hơn nữa lại là những người có cá tính mạnh và từng một thời lầm lỗi. Nếu mình biết cách chinh phục khó khăn thì công việc mới trôi chảy và suy nghĩ của mình cũng thoải mái để tiếp tục cố gắng”.

Anh kể lại rằng, trong thời gian quản lý đội phạm nhân nữ, có một phạm nhân tên là Phạm Thị Tuyết sinh năm 1975. Khi bắt đầu thi hành án, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn: Con còn nhỏ, mẹ già đau yếu, em trai tật nguyền. Nữ phạm nhân này lại bị bệnh tim và cao huyết áp nên thời gian mới vào trại giam rất bi quan, tìm cách tự tử ba lần nhưng không thành.

Qua phạm nhân giúp việc, anh nắm rõ hoàn cảnh của phạm nhân Tuyết nên gặp và động viên. Khi gặp anh, phạm nhân Phạm Thị Tuyết chỉ khóc và nói rằng muốn chết vì không còn gì nữa.

Sau một hồi động viên, anh nói với phạm nhân Tuyết rằng: “Nếu chỉ sống cho mình thì đơn giản lắm, sống vì mẹ, vì con, vì em trai đang ở ngoài mới là quan trọng”. Sau nhiều lần kiên trì động viên, an ủi, thuyết phục, phạm nhân Tuyết đã thay đổi suy nghĩ, yên tâm cải tạo.

Sau này, nữ phạm nhân ấy do cải tạo tốt đã được giảm án và ra trại trước thời hạn. Thượng úy Nguyễn Văn Tỵ bảo rằng, sau khi ra trại nhiều phạm nhân đã nói với anh rằng ở nhà họ bất trị, không nghe lời cha mẹ nhưng cán bộ chỉ nói một câu mà khiến họ mất ngủ cả đêm để suy nghĩ và thấy rất thấm thía.

Không ít người trong số họ đã quay trở lại trại nói lời cảm ơn vì đã giúp họ hiểu ra được giá trị của cuộc sống, hiểu được giá trị của thành quả lao động, hiểu được ý nghĩa của cuộc đời.

Thượng úy Nguyễn Văn Tỵ nói rằng, anh rất may mắn khi có được sự quan tâm của cấp trên, sự tự hào của gia đình và sự ủng hộ của vợ anh – một nhân viên kế toán nhưng rất thấu hiểu và yêu nghề nghiệp của chồng. Anh kể lại, họ gặp nhau và có cảm tình ngay lần đầu tiên gặp gỡ.

Cũng ngay lần đầu tiên ấy, anh đã nói với chị về những khó khăn, vất vả và thậm chí là nguy hiểm trong công việc mà anh và đồng đội của anh đang đảm nhiệm. Hiện tại, họ đã có một cậu con trai kháu khỉnh đang học lớp 1. Cả gia đình đang sống trong khu tập thể của đơn vị, cũng nằm trong khuôn viên rợp bóng cây xanh của Trại giam Thủ Đức.

Chuyến công tác tới Trại giam Thủ Đức để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng đẹp bởi khung cảnh giống hệt một khu nghỉ dưỡng sinh thái trong lành với một màu xanh ngút ngàn của cây và của nước.

Ở đó còn có những người quản giáo như Thượng úy Nguyễn Văn Tỵ và các đồng đội của anh - những người tận tâm với công việc, biết dùng nụ cười và sự lạc quan của mình để vượt qua những khó khăn, giúp những con người lầm lỡ tìm lại được con đường quay về nẻo thiện.

Theo Cảnh sát toàn cầu