1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Người mẹ giết con 33 ngày tuổi có thể đối diện mức án nào?

(Dân trí) - Liên quan tới vụ án người mẹ ra tay sát hại con nhỏ khi mới 33 ngày tuổi, luật sư Trần Huy Tuấn (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng hành vi của người mẹ này đã có đủ yếu tố cấu thành tội giết người.

Cơ quan điều tra xác định, cuối năm 2016, Phan Thị Trinh kết hôn với anh H. và sinh được cháu V.A. Khoảng 2h sáng ngày 12/6, Trinh tỉnh giấc vì nghe tiếng con khóc. Trinh cho con bú khoảng 5 phút thì cháu V.A. ngủ tiếp.

Trinh đặt con xuống giường rồi ngủ tiếp được một lúc thì tỉnh dậy. Người mẹ trẻ khai, khi tỉnh dậy, chị này thấy đau đầu, mất kiểm soát. Trinh bế cháu V.A. từ phòng ngủ ra gần cầu thang lối lên tầng 2 của gia đình. Thấy có chậu nước hàng ngày tắm cho cháu V.A. còn đầy nước, Trinh thả cháu vào chậu trong tư thế sấp mặt xuống đáy chậu rồi đi xuống nhà vệ sinh tầng 1, sau đó lên phòng ngủ ở tầng 2.

Trong lúc đi lên tầng 2, thấy cục than hoa, Trinh viết dòng chữ in hoa “TAO SẼ GIẾT CHÁU MÀY LĂNG” (Lăng là tên bố chồng Trinh). Sau đó, Trinh lên giường đi ngủ cho đến khi ông Lăng phát hiện vụ việc đau lòng.


Cầu thang nơi Trinh để lại dòng chữ sau khi giết con.

Cầu thang nơi Trinh để lại dòng chữ sau khi giết con.

Ngày 15/6, Trinh bị công an bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Trinh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo cơ quan điều tra, bước đầu phán đoán nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do Trinh mắc bệnh trầm cảm nặng.

Theo luật sư Trần Huy Tuấn (Đoàn luật sư TPHCM), phải thăm khám trực tiếp hay bằng theo dõi giám định pháp y mới kết luận chính xác được người mẹ này có bị bệnh gì hay không.

Ông nói: “Tôi nghĩ nhiều đến khả năng là tâm thần sau sinh. Nhưng còn phụ thuộc vào cơ quan điều ra xác minh rõ Trinh có mâu thuẫn gì lớn với bố chồng mà lại viết ra những dòng chữ kỳ lạ trên cầu thang, lấy lời khai của những người thân của Trinh xem trong thời gian gần đây Trinh có những biểu hiện gì lạ hay không? Đồng thời còn phụ thuộc vào kết luận điều tra cũng như kết quả giám định tâm thần mới xác định được tính chất vụ án này”.

“Nếu Trinh bị tâm thần, mất khả năng nhận thức trước, trong và sau khi giết con thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Nhưng bị tâm thần sau khi giết con hoặc bị hạn chế năng lực hành vi thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 93 BLHS với khung hình phạt lên tới tử hình”, luật sư Tuấn nêu rõ.

Cũng theo luật sư Tuấn, việc xác định ranh giới giữa “con mới đẻ” và “trẻ em” là vô cùng quan trọng trong vụ án này và ảnh hưởng đến hậu quả pháp lý sau này. Nếu là giết con mới đẻ thì hình phạt tối đa chỉ là 2 năm tù, còn giết trẻ em thì hình phạt tối đa lên đến tử hình.

Theo Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, "con mới đẻ" là đứa trẻ mới sinh ra trong bảy ngày trở lại. Nghĩa là, qua ngày thứ tám thì hành vi mẹ giết con sẽ cấu thành tội giết người theo khoản 1 điều 93 BLHS.

Mặt khác, người mẹ giết con bị truy tố theo Điều 94 với tội "giết con mới đẻ" thì phải thỏa yếu tố: Người mẹ này chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu (như: khiếp sợ trước dư luận chê bai về việc mang thai và đẻ con ngoài giá thú, hoặc trước dư lận khắc nghiệt của nhà chồng cho đẻ con gái là tai họa v.v…) hoặc bị hoàn cảnh khách quan đặc biệt chi phối (như đứa trẻ sinh ra có dị dạng…). Nhưng trong trường hợp này đứa trẻ đã 33 ngày tuổi nên buộc người mẹ này phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 93 BLHS.

Xuân Duy