1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Luật sư chính thức ngồi ngang hàng với Kiểm sát viên

(Dân trí) - Việc đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa theo hướng bố trí lại vị trí chỗ ngồi của bên buộc tội và bên gỡ tội ngang nhau thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

Ngày 14/12, TAND TPHCM mở phiên toà sơ thẩm lưu động tại phường 16 (quận 4, TPHCM) xét xử bị cáo Bùi Minh Thương (sinh năm 1984, ngụ quận 7, TPHCM) về tội giết người và cố ý gây thương tích.

Đây là phiên tòa đầu tiên TAND TPHCM áp dụng mô hình xét xử mới theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án được Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ký ban hành có điểm mới đáng chú ý luật sư ngồi ngang hàng với đại diện Viện kiểm sát.

Theo đó, vị trí của đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của thư ký phiên tòa.

Mô hình xét xử mới được quy định theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC.
Mô hình xét xử mới được quy định theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC.
Luật sư và đại diện Viện kiểm sát ngồi ngang hàng trong phiên tòa ngày 14/12
Luật sư và đại diện Viện kiểm sát ngồi ngang hàng trong phiên tòa ngày 14/12

Tại phiên tòa tái thẩm - giám đốc thẩm, vị trí của đại diện Viện kiểm sát được bố trí phía dưới và đối diện với vị trí của thư ký phiên tòa. Vị trí của người tham gia tố tụng như người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, người bị kết án được bố trí ngang hàng và ở dưới vị trí của đơn vị chức năng của tòa án.

Với Thông tư 01, việc thống nhất bố trí chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư ngang nhau sẽ thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, qua đó góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Thông tư trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Luật sư Nguyễn Văn Toản, người tham dự bào chữa trong phiên tòa này, nêu quan điểm: “Về mặt hình thức thì thể hiện quyền bình đẳng trước toà, nguyên tắc bình đẳng trong tranh tụng và quyền bào chữa của bị cáo. Tuy nhiên, quan trọng là người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải thực hiện đúng vai trò chức năng của mình nếu không mô hình chỉ là hình thức tượng trưng. Về mặt mô hình khách quan mà nói nó đảm bảo được quyền bình đẳng trong tranh tụng trước toà giữa kiểm sát viên và luật sư. Nó đảm bảo tính tôn nghiêm và vai trò vị trí trung tâm của HĐXX và nguyên tắc phán xử nhân danh nhà nước của HĐXX”.

Còn luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: “Tại phiên tòa hình sự, kiểm sát viên thực hiện quyền công tố buộc tội bị cáo, ngược lại luật sư bào chữa thực hiện chức trách gỡ tội. Hai bên dùng các biện pháp luật điịnh để tranh luận và HĐXX dựa phần lớn vào nội dung tranh luận này nhằm xác định bị cáo có tội hay không và nếu phạm tội thì ở mức độ nào, để phán quyết”.

Luật sư Dũng cho rằng: “Việc đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa theo hướng bố trí lại vị trí chỗ ngồi của bên buộc tội và bên gỡ tội ngang nhau thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo”.

Xuân Duy