1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Khi luật sư cũng phải rơi nước mắt…

Hai người đàn bà, hai số phận, hai cảnh huống khác nhau. Nhưng cuộc đời họ là những bi kịch, những đau đớn có lẽ sẽ ám ảnh, sẽ đeo đẳng họ trong suốt những tháng năm còn lại. Chỉ đáng tiếc, những bi kịch ấy không đến một cách tự nhiên mà người đời hay lý giải là “số phận”.

Họ đã mang bi kịch đến đời mình và luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội), vì nghề nghiệp đã trở thành người “được chỉ định” cùng chia sớt trong những giai đoạn tăm tối của cuộc đời họ. Ông nói, ông muốn kể câu chuyện của họ vì đó không chỉ là bi kịch cá nhân mà là bi kịch những tăm tối, sai lầm, chỉ trong khoảnh khắc nhưng cái giá phải trả rất đắt. Để, những mong sẽ còn có ích cho nhiều người...

Vào đúng ngày rằm Trung Thu, tôi đành phải lỗi hẹn với đứa con trai duy nhất đang học tiểu học. Tôi đã không thể tới trường, vui Tết cùng cháu bởi tôi có lịch bào chữa cho bị cáo đặc biệt ở phiên tòa đặc biệt này.

Tôi đã đến phòng xử của TAND TP Hà Nội từ rất sớm, buồn mênh mang khi ngồi vào chiếc ghế quen thuộc dành riêng cho luật sư. Bởi tôi hình dung về Sự, khi cô ấy chứa chan nước mắt trong tất cả những lần tôi gặp gỡ tại Trại tạm giam Hà Nội.

Khi cảnh sát dẫn giải cô ấy vào tòa, cô ấy đã nức nở và nói trong nước mắt, rằng, ngày hôm trước cô ấy cứ mong tôi mãi vì cô ấy đoán rằng tôi sẽ vào trại gặp cô ấy lần cuối trước phiên sơ thẩm.

Tôi không nói gì bởi tôi nghĩ, làm sao mà cô ấy có thể hiểu được cảm giác của tôi sau mỗi lần nghe cô ấy trình bày lại về tội ác đã gây ra với đứa con trai 11 tuổi. Cháu Nguyễn Chiến Thắng, con ruột cô ấy, đã chết đau đớn dưới bàn tay của chính người mẹ đã rứt ruột sinh ra cháu. Mỗi lần vào trại, đối diện với cô ấy, thẩm tra lại các tình tiết trong vụ án, nghe cô ấy nói, nhìn cô ấy khóc, tôi đã phải trải qua một cảm giác thật lạ kỳ và nhiều ám ảnh: vừa căm phẫn lại vừa thương cảm.


Bị cáo Nguyễn Thị Sự tại tòa.

Bị cáo Nguyễn Thị Sự tại tòa.

Cuối tháng 11 năm 2015, ngay sau vụ án kinh hoàng xảy ra tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, tôi được Đoàn Luật sư TP Hà Nội chỉ định làm luật sư cho bị can duy nhất Nguyễn Thị Sự, sinh năm 1972. Tôi đã xuống hiện trường vụ án là nhà riêng của cô ấy, tôi cũng đã gặp cô ấy nhiều lần trong suốt giai đoạn cô ấy bị tạm giam và đã từng có lần tôi ước, giá như cô ấy bị tâm thần thì tốt biết bao. Bởi một người mẹ bình thường như cô ấy, tại sao lại ra tay tàn ác đến vậy với đứa con trai 11 tuổi vô tội của mình?

Đáng tiếc là cô ấy hoàn toàn khỏe mạnh, sức khỏe tâm thần hoàn toàn bình thường.

Mười tám đôi mươi, ở quê, cũng giống như bao thôn nữ khác, cô ấy cũng làm nông và lấy chồng. Người chồng đầu tiên cùng quê nhưng sau khi có với nhau 2 mặt con thì ly hôn. Cô ấy nuôi đứa con trai đầu. Song, cháu đã rời bỏ mẹ ra đi mãi mãi sau một tai nạn giao thông. Rồi cô ấy tái hôn.

Nhưng đó là một cuộc hôn nhân công khai mà không có hôn thú. Bởi người đàn ông thứ hai này đã có vợ con đề huề ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cách làng cô chỉ chừng hơn 20 km. Vợ con người ấy không ghen tuông gì, hình như họ chấp nhận.

Cô lần lượt có 2 đứa con chung với ông ta. Cháu Thắng sinh 2004 và cháu gái Thúy sinh năm 2008. Người chồng chung ấy đi đi về về giữa vợ và cô, cứ thế thôi nên trong giấy khai sinh của hai đứa con đẹp như tranh phần tên cha, cô đành bỏ trống.

Hai đứa trẻ, đặc biệt là Thắng, dường như sớm nhận ra cuộc sống thiếu thốn của mình nên rất ngoan. Cháu tuy mới 11 tuổi nhưng đã biết đỡ đần mẹ mọi việc và hầu như không bao giờ dám làm trái ý mẹ.

Thế rồi, số phận như trêu ngươi cô. Người chồng chung ấy phận mỏng. Ông ấy mắc bệnh ung thư rồi qua đời. Những ngày ông ấy bị bệnh, cô kể, người vợ chính thức cũng rộng lòng cho cô qua lại chăm sóc người cha của 2 con cô ít lâu, trước khi ông ấy qua đời.

Chồng chết, 2 con của cô chính thức không có cha, không phải chỉ là trên giấy tờ nữa. Nguồn chu cấp nuôi con cũng hết từ đây và cứ tưởng qua hai lần đắm chuyến đò hôn nhân, cô sẽ ở vậy làm lụng nuôi con khôn lớn. Nhưng rồi, cô lại gặp một người đàn ông nữa. Trớ trêu là anh ấy ở ngay trong xã và cũng đã có vợ con đề huề.

Cô đã bị đánh ghen. Gia đình cô cũng phải gánh chịu ê chề. Ông anh trai làm cán bộ xã, buồn lắm, xấu hổ lắm vì em. Gia đình cô, tất nhiên, không ai ủng hộ cuộc tình sai trái này và cô trở nên cô độc. Sống, chỉ với bao nhiêu điều tiếng xấu xa, bao nhiêu giận hờn, thậm chí khinh miệt.

Sự kể, không chỉ thế, cô còn phải gánh món nợ khổng lồ 600 triệu đồng từ tín dụng đen. Thiếu thốn, cô vay ít thôi nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, cuối cùng gánh nợ lên đến con số khổng lồ hãi hùng ấy. Cũng là do cô tiêu pha mà vay nợ. Chồng thì chết mà căn nhà mẹ con cô ở cũng chỉ là dựng tạm trên mảnh đất của cha mẹ, khó mà gán nợ được.

Và rồi cuối cùng, đỉnh điểm của tấn bi kịch cũng đến. Cô muốn giải thoát khỏi những sai lầm của cuộc đời bằng cái chết. Nhưng oái oăm là cô không muốn chết một mình. Cô muốn đem theo cả hai đứa con đi. Cũng là bởi nhận thức tăm tối mà cô đã để bóng đen của sự tàn ác chiếm lấy tâm hồn mình. Cô đã ra tay sát hại cháu Thắng trước với lời dặn: “Ở trên này 3 mẹ con mình cùng sống, xuống dưới kia ba mẹ con mình cũng sống cùng nhau”.

Cháu Thắng nghe thế chỉ ôm mẹ và khóc. Sự bồi tiếp: “Mẹ sẽ lo hậu sự cho con trước rồi mẹ và em sẽ xuống gặp con sau”. Rồi Sự ra tay mặc cho đứa con trai nhỏ vẫy vùng, chống cự. Cháu Thắng chết do ngạt và nhiều vết thương ở vùng đầu, vùng mặt. Cái chết đớn đau của Thắng đã dẫn người đàn bà tội lỗi này đến nhà giam.


LS Nguyễn Anh Thơm: “Tôi mong sao con gái của bị cáo Sự sẽ được gia đình cô ấy nuôi dạy khôn lớn”.

LS Nguyễn Anh Thơm: “Tôi mong sao con gái của bị cáo Sự sẽ được gia đình cô ấy nuôi dạy khôn lớn”.

Tôi và cơ quan điều tra đã tiến hành rất kỹ các biện pháp nghiệp vụ được pháp luật quy định để xác định sức khỏe tâm thần của cô ấy. Nhưng đáng tiếc là đều rất tốt. Bản thân cô ấy cũng nói rằng, cô ấy hoàn toàn tỉnh táo và cô ấy làm vậy chỉ đơn giản vì “muốn tốt cho con”, vì sợ khi sống cô ấy đã bị ghẻ lạnh bởi những sai lầm thì hai đứa trẻ mong gì được người thân chăm bẵm, đón nhận khi cô ấy chết đi.

Tôi đã thương cô ấy, không phải thương con người, mà thương cho những bi kịch bị sinh ra bởi những nhận thức tối tăm. Khi tôi về nhà cô ấy gặp người anh trai làm cán bộ xã để nhắn giùm cô ấy rằng cậy nhờ anh nuôi nấng cháu Thúy, đứa con gái may mắn thoát khỏi cái chết, tôi nhói lòng nhìn thấy đôi mắt tròn xoe ngân ngấn nước của cháu lúc hỏi về mẹ.

Số phận hai đứa trẻ vô tội đã vô tình bị ràng buộc vào những lỗi lầm của người mẹ và phải chịu đau đớn. Tôi chỉ mong sao cháu Thúy được sống tốt, được nuôi dạy nên người. Tôi đã nghĩ nhiều và xót xa trước những bi kịch của sự nhận thức tăm tối. Lần đầu tiên trong đời làm luật sư, tôi đã khóc ngay khi bắt đầu vào phiên bào chữa. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Quốc Thành đã phải cho phép tôi dừng lại và phải cố lắm tôi mới kìm nén được cơn xúc động để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tôi không bào chữa cho tội ác của Sự. Bởi tất cả đã rõ ràng và khó mà dung thứ. Nhưng tôi muốn chỉ thêm những nguồn cơn dẫn đến tội ác này, tôi muốn nói đến sự hạn chế, hay nói đúng hơn là tăm tối trong nhận thức của bị cáo, vốn chỉ học hết lớp 5 và cuộc sống ở vào thời điểm phạm tội là cô đơn và cùng quẫn. Để, mong HĐXX xem xét khi lượng hình. Bản án 18 năm tù giam, tôi nghĩ là đã có sự xem xét giảm nhẹ nhất định của HĐXX.

Vụ án của Sự khiến tôi nhớ đến một vụ án khác - vụ án Nguyễn Văn Kiên ở Thanh Oai, một huyện ngoại thành Hà Nội xảy ra năm 2011. Mẹ Kiên, bà Vị, mới gọi điện cho tôi cách đây mấy hôm, báo tin vui rằng Kiên vừa mới được giảm án, hy vọng sang năm có thể được ra tù. Đã lâu rồi tôi không gặp bà Vị nhưng nghe giọng nói qua điện thoại, tôi thấy bà ấy có vẻ như đã vui hơn chứ không như hồi mới xảy ra vụ án.

Hồi ấy, khi tôi về Thanh Oai, mới đến đầu làng, hỏi thăm người dân đã xôn xao, chỉ cho tôi vào tận nhà. Vụ án ngày ấy đã thực sự gây chấn động ở làng quê này. Biết tôi là luật sư được Đoàn Luật sư TP Hà Nội chỉ định bào chữa cho Kiên, bà Vị tiếp tôi không lạnh nhạt nhưng đầy ngại ngần. Tôi hiểu sự tủi thẹn nơi bà vì nguồn cơn tội lỗi của đứa con trai duy nhất của bà lại bắt nguồn từ chính những trái ngang nơi bà.

Hai vợ chồng bà sinh ra và lớn lên ở đây, nên duyên chồng vợ và hạnh phúc với 2 đứa con - Kiên là con lớn. Chồng bà làm thợ xây giỏi, ông ấy cùng với đội thợ ra Hà Nội làm ăn, đem tiền về nuôi cả gia đình. Rồi đúng ngày ông Công ông Táo chầu trời khi ông cùng với Kiên thay bể lọc nước thì tai nạn xảy ra. Ông ấy chết sau một cú ngã trời giáng.

Sau cái chết của chồng, bà Vị buồn đau và cô đơn. Một người đàn ông cùng làng, vốn là bạn thân của chồng bà, thương cảnh vợ góa con côi nên đã thường xuyên đi lại giúp đỡ mấy mẹ con bà. Kiên tìm được việc làm cũng là nhờ ông ấy giới thiệu. Và rồi, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Giúp đỡ nhau riết rồi quen hơi bén mùi. Bà trở thành tình nhân của ông khi vợ con ông vẫn còn đang sống ở làng. Cuộc tình bất chính của người mẹ khiến cho Kiên vừa xót xa cho bố vừa căm hận người tình của mẹ. Hai người đàn ông sinh ra hận thù nhau vì một người đàn bà.

Và rồi, bi kịch xảy ra. Khoảng 21h ngày 14/11/2011, ông ấy đến tận nhà Kiên để “tâm sự” với người tình nhưng bà không có nhà. Do bực tức trong người vì phải đợi lâu, vừa trông thấy bà về, ông kéo tay ra đầu ngõ nói chuyện riêng tư như thể họ là vợ chồng của nhau. Mẹ Kiên từ chối không đi, ông ấy lớn tiếng quát nạt, dùng sức mạnh thay cho lời nói.

Nguyễn Văn Kiên lúc đó đang ở trong nhà, cầm chiếc thước gỗ to dùng trong xây dựng chạy ra sân bênh mẹ. Kiên đuổi ông ấy ra khỏi nhà mình và bảo mẹ vào nhà. Lời qua tiếng lại, ông ấy và Kiên xảy ra xô xát. Trong lúc tức giận, Kiên vung thước gỗ vụt trúng thái dương làm ông ấy chết. Kiên ra đầu thú.


Nguyễn Văn Kiên tại Trại giam.

Nguyễn Văn Kiên tại Trại giam.

Tôi nhớ lần đầu gặp Kiên trong trại giam, tôi đã vô cùng xót xa khi nhìn thấy gương mặt khôi ngô, lành hiền của cậu ấy. Nếu không có cuộc tình ngang trái của mẹ, nếu cha cậu ấy không mất sớm, tôi cứ ước ao như vậy để không phải thấy cậu ấy ở đây, nơi bốn bề song sắt. Kiên nhận tội, không dám oán trách gì mẹ khiến tôi càng thương cậu ấy hơn.

Ở phiên tòa, quan điểm của VKS cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là côn đồ, hung hãn, thực hiện tội phạm đến cùng. Người bị hại đã bỏ chạy mà bị cáo vẫn dùng thước gỗ xây dựng vụt trúng thái dương gây tử vong. Việc quan hệ nam nữ giữa mẹ bị cáo và người bị hại (đang có vợ con) là “bình thường”. Đó không là nguyên nhân khiến bị cáo bức xúc gây ra cái chết cho nạn nhân. Trên cơ sở đó, VKS đề nghị 18-20 năm tù giam.

Quan điểm của tôi với tư cách là luật sư của bị cáo thì hành vi phạm tội của bị cáo đã bị kích động do hành vi trái pháp luật của người bị hại đối với mẹ bị cáo. Bị hại đánh bị cáo trước, sau đó bị cáo cầm gậy đuổi vụt 1 phát trúng thái dương. Người bị hại đã có lỗi vì đang thực hiện hành vi xâm hại nhân phẩm mẹ bị cáo thì bị cáo ra ngăn chặn. Dù cho trước đó 2 người đã từng có một thời gian dài lén lút quan hệ bất chính, nhưng thời điểm xảy ra vụ án thì mẹ bị cáo đã dừng lại.

Người bị hại đang có vợ con, do vậy đó là quan hệ bất chính chứ không phải quan hệ nam nữ “bình thường”. Và đây chính là nguyên nhân xuất phát hành vi phạm tội của bị cáo do bị ức chế, xấu hổ với dân làng nên đã rời bỏ làng quê đi làm thợ hồ... Bị cáo đã nhiều lần bị người làng châm chọc về quan hệ bất chính giữa mẹ và người bị hại. Chỉ khi mẹ chấm dứt quan hệ bất chính thì bị cáo mới dám trở về nhà.

Chấp nhận quan điểm của luật sư cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo có dấu hiệu theo khoản 2, Điều 93 BLHS (với khung hình phạt từ 7-15 năm), sau thời gian nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 13 năm tù giam. Kể từ ngày ấy, bà Vị vẫn thi thoảng liên lạc với tôi, chia sẻ niềm vui khi thấy con cải tạo tốt. Bà vẫn đều đặn thăm nuôi Kiên ở trại và chờ đợi ngày Kiên được trở về...

Đặng Huyền (ghi theo lời kể của Luật sư Nguyễn Anh Thơm)

Theo ANTG - Công an Nhân dân