1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Khám phá vụ mưu sát cán bộ sau ngày giải phóng 30/4

Đã gần 40 năm trôi qua nhưng trong tâm trí Thượng tá Bùi Quốc Thụy (nguyên Trưởng phòng Kĩ thuật hình sự, Công an tỉnh Hải Dương) vẫn in đậm kỉ niệm khó quên khi ông cùng đồng đội khám phá thành công vụ án đặc biệt nghiêm trọng sau thời điểm giải phóng miền Nam.

Đêm 17/5/1975, Ban An ninh tỉnh Bình Phước nhận được tin báo khẩn cấp của Ban An ninh huyện Lộc Ninh, nội dung báo cáo: “Khoảng 20h, ngày 17/5/1975, xảy ra vụ án mạng giết người tại Sóc Ma Đa, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh; nạn nhân là đồng chí Ba Huynh, ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng bộ xã, kiêm Trưởng ban An ninh xã".

 

Lãnh đạo Ban An ninh tỉnh Bình Phước họp khẩn cấp, thành lập ban chuyên án, cử ngay đoàn công tác gồm các cán bộ chiến sĩ Đội hình sự và kĩ thuật hình sự thuộc tiểu ban Trật tự trị an cùng các trinh sát thuộc các tiểu ban Bảo vệ chính trị, Bảo vệ nội bộ, An ninh vũ trang, được lệnh hành quân suốt đêm xuyên rừng, có mặt sớm nhất tại nơi xảy ra vụ án. Đồng chí Ba Minh trưởng Ban An ninh tỉnh Bình Phước, trực tiếp chỉ huy công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra và truy bắt thủ phạm.

 

Tổ công tác kỹ thuật hình sự tham gia khám phá vụ án
Tổ công tác kỹ thuật hình sự tham gia khám phá vụ án

 

Xã Lộc Quang nằm ở xa trung tâm huyện Lộc Ninh trên 30 km; giáp biên giới với nước Campuchia; tình hình an ninh lúc đó rất phức tạp; chính quyền cách mạng mới tiếp quản, còn nhiều khó khăn hạn chế, một số tàn quân, nhân viên chế độ cũ còn sót lại, trốn tránh cải tạo, có nhiều hận thù với cách mạng, có kẻ bị một số phần tử xấu xúi giục đã nhen nhóm tụ tập hoạt động Fulro, tìm cách trả thù chống đối cách mạng, gây nên tâm lí hoang mang lo sợ trong nhân dân, mặt khác làm giảm uy tín của chính quyền cách mạng.
 

Sau một đêm luồn cắt đường rừng, mặc cho vắt cắn, muỗi đốt, luôn đề phòng rắn độc, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, đoàn công tác của An ninh giải phóng đã tiếp cận hiện trường, không được nghỉ ngơi mà phải phân công nhau chia các hướng để khám nghiệm hiện trường truy tìm giấu vết, lấy lời khai của nhân dân.

 

Tuy công việc điều tra gặp nhiều khó khăn, song bù lại được đồng bào Stiêng giàu truyền thống yêu cách mạng không lo sợ bị trả thù và nhiệt tình giúp đỡ an ninh giải phóng. Ông Thụy lúc đó là Trung úy, mới tốt nghiệp trường Sĩ quan đào tạo ngành kĩ thuật hình sự từ CHDC Đức về nhận nhiệm vụ, vừa say công việc, vừa muốn thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ uy tín của An ninh và chính quyền giải phóng. Ông cùng đồng đội làm việc quên cả đói và mệt.

 

Tại cánh rừng nơi có trụ sở làm việc của Ban An ninh xã, các chiến sĩ an ninh đã thu lượm được một số vỏ đạn AK còn vương vãi cách nơi làm việc của nạn nhân khoảng 5 – 6m. Một cột bếp có đầu đạn AK găm vào sâu 5cm. Cách vị trí nạn nhân nằm khoảng 19m về phía đông nam phát hiện có nhiều cành cây gẫy, ngoài ra còn có một số sợi mảnh vải màu đen bị rách mắc vào nơi vỏ cây lồ ô bị xước.

 

Ban chuyên án nhận định thủ phạm đã dùng súng AK để gây án. Ban chuyên án đã cho thu hồi toàn bộ số súng quân dụng phát hiện trên địa bàn, kiểm tra lại cơ số đạn của quân đội và dân quân trong khu vực.

 

Qua công tác kiểm tra phát hiện 3 khẩu súng AK mới bắn trước đó thời gian ngắn, có khẩu đã được lau chùi kĩ. Ban chuyên án nhận định đây không phải là vụ án hình sự đơn thuần do mâu thuẫn cá nhân mà rất có thể là vụ án của những phần tử chống đối trả thù chính trị.

 

Từ những kết quả giám định kĩ thuật của Cơ sở B - Viện Khoa học hình sự Bộ Công An, mới thành lập tại TP Hồ Chí Minh cùng với các kết quả điều tra cho hướng nhận xét các đối tượng gây án là người ở địa phương. Một số thành phần nghi vấn được gọi đến làm việc, trong đó có Lâm Luông, Lâm Dzach và Lâm Khách.

 

Công tác điều tra, tìm các tài liệu liên quan để xác minh đã cho thấy đây là những kẻ thủ phạm của vụ án. Ba tên Lâm Luông, Lâm Dzach và Lâm Khách đã phải khai nhận trước cơ quan An ninh giải phóng, do trước đây chúng đã từng hoạt động cho chính quyền cũ, có tên đã từng gây tội ác với nhân dân, trước thời điểm giải phóng chúng đã tính chuyện bỏ trốn, sau đó trở lại chui luồn vào hàng ngũ du kích rồi đóng vai tham gia công tác với chính quyền cách mạng; Lâm Khách khai gian lí lịch để chui luồn vào hàng ngũ cán bộ của ta và hiện đang là xã đội phó.

 

 Đồng chí Ba Huynh là người sâu sát, nắm vũng tình hình ở địa phương. Lâm Khách sợ bị phát hiện và tố cáo sẽ bị lộ rõ chân tướng của kẻ phản cách mạng, bị đưa đi cải tạo nên đã lôi kéo khống chế Lâm Luông và Lâm Dzach làm theo hắn, tìm cách sát hại đồng chí Ba Huynh để bịt đầu mối.

 

Đêm đó khi đồng chí Ba Huynh đang làm việc, Lâm Luông đã lấy trộm khẩu súng AK của một đồng chí dân quân, bắn đồng chí Ba Huynh, còn Lâm Dzach được giao việc đứng ngoài canh gác cho Lâm Luông và Lâm Khách thực hiện ý đồ đen tối.

 

Vụ án được khám phá nhanh chóng nhân dân địa phương, nhất là đồng bào STiêng, cảm thấy rất phần khởi hoan nghênh An ninh giải phóng. Đồng bào càng tăng thêm niềm tin tưởng vào chính quyền cách mạng.

 

Tòa án Nhân dân cách mạng tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử công khai ngày 21/8/1975 tuyên án: Lâm Khách kẻ cầm đầu chủ mưu và Lâm Luông kẻ trực tiếp bắn lĩnh mức án tử hình, Lâm Dzach chịu mức án 12 năm tù.

 

Xét chiến công của các chiến sĩ an ninh giải phóng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Bình Phước đã tặng bằng khen cho Đội hình sự; cá nhân Trung úy Bùi Quốc Thụy cũng được tặng bằng khen và tặng huy hiệu Bác Hồ.

 

Theo Đoàn Quang

An ninh thủ đô